Nhà trường và phụ huynh cùng nỗ lực đảm bảo an toàn bữa ăn bán trú

Mới đầu năm học nhưng đã có một số vụ nghi ngộ độc thực phẩm do bữa ăn bán trú không đảm bảo VSATTP xảy ra, dấy lên nỗi lo ngại của không ít phụ huynh, học sinh về chất lượng bữa ăn. Theo các chuyên gia, nhà trường và phụ huynh cần phối hợp làm tốt phần việc của mình, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Học sinh cũng cần tự bảo vệ mình

Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc giáo dục học sinh tự ý thức bảo vệ bản thân mình trong mọi hoạt động tại trường học là điều vô cùng cần thiết. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, gia đình cần dặn dò học sinh có ý thức tự giác vệ sinh cá nhân sạch sẽ trước mọi bữa ăn tại trường.

Điều này cần đảm bảo nghiêm túc, đúng nguyên tắc, được duy trì ở mức cao độ: Rửa tay nhiều thời điểm trong ngày (trước và sau khi ăn với nước sạch và xà phòng). Cha mẹ cần thường xuyên nhắc nhở các con, cần thiết phải phòng bị nước rửa tay sát khuẩn cho các con trước khi đến trường.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần chủ động trao đổi thông tin với nhà trường về các bữa ăn bán trú, đề nghị được tham gia giám sát định kỳ về quy trình bếp ăn, từ nguyên liệu đầu vào cho đến việc chế biến, phân chia thức ăn… tại trường. Điều này cần có sự thỏa thuận trên tinh thần cầu thị giữa hai bên, nhằm đảm bảo cho các con bữa ăn chất lượng nhất.

Lưu ý đặc biệt trong mùa dịch, chuyên gia dinh dưỡng cho rằng nhà trường cần đảm bảo đảm chất lượng bữa ăn đầy đủ, cân đối và bổ sung thêm hoa quả, thực phẩm có chứa nhiều vitamin, muối khoáng tăng cường sự đề kháng của cơ thể. Bổ sung nước đầy đủ cho học sinh.

Việc tiệt trùng dụng cụ chế biến, nấu nướng, bát đũa của học sinh, vệ sinh lớp học và nhà bếp của trường cần thực hiện thường xuyên. Nhân viên nấu bếp phải thường xuyên rửa tay trước và sau khi nấu ăn, chế biến đồ ăn sống, chín. Nhân viên chia suất ăn phải rửa tay sạch, đeo khẩu trang, găng tay khi chia thức ăn chín.

Những tiêu chí vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh cần có sự phối hợp của phụ huynh, nhà trường và đơn vị cung cấp suất ăn mới đạt hiệu quả. Nếu mỗi cá nhân, đơn vị cùng chung tay, có ý thức trách nhiệm cao thực hiện những nguyên tắc trên thì học sinh sẽ có những bữa ăn bán trú bảo đảm dinh dưỡng và ATVSTP trong bối cảnh dịch bệnh.

An toàn thực phẩm bữa ăn bán trú là nỗi lo của nhiều phụ huynh. Ảnh minh họa

Lưu ý kiểm soát nguyên liệu đầu vào

Về tiêu chí quan trọng nhất bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, một số chuyên gia cho rằng, tất cả đều phải tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, sử dụng chất phụ gia thực phẩm… Thực phẩm cung cấp trong nhà trường bắt buộc phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thông qua hóa đơn, chứng từ của các cơ sở sản xuất, chế biến, phân phối.

Một trong các nguyên nhân hàng đầu của hiện tượng ngộ độc thực phẩm ở trẻ em chính là khâu kiểm soát không tốt nguồn nguyên liệu đầu vào. Đó là thịt, cá, rau củ quả… đã bị nhiễm độc do vi sinh vật rồi sinh ra độc tố. Tiếp đó là quá trình chế biến thực phẩm không được đảm bảo an toàn. Ví dụ, khi chế biến, nồi niêu xoong chảo không được rửa sạch theo quy định.

Nhân viên nhà bếp nếu không được trang bị đầy đủ các trang phục, đồ bảo hộ như khẩu trang, găng tay… mà lại tiếp xúc với thực phẩm chín nên nguy cơ lây truyền vi sinh vật có hại vào thức ăn là rất cao. Bên cạnh đó, nguy cơ nhiễm vi sinh vật nằm ở khâu vận chuyển, chia thức ăn từ bếp ra các đĩa, suất ăn nhỏ. Dụng cụ để chia, vận chuyển thức ăn không được đảm bảo vệ sinh sạch sẽ theo quy định…

Trong cả một dây chuyền sản xuất thực phẩm từ lúc còn tươi sống đến khi học sinh ăn, chỉ cần một khâu bị lỗi, dù nhỏ cũng có thể sẽ gây ra hậu quả đáng tiếc do bị nhiễm vi sinh vật có hại vào thức ăn, gây ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm. Với mỗi trường học, việc đầu tiên là kiểm soát thật chặt chẽ nguồn nguyên liệu thực phẩm đầu vào mỗi buổi sáng.

N.L

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nha-truong-va-phu-huynh-cung-no-luc-dam-bao-an-toan-bua-an-ban-tru-20200924163203625.htm