Nhà tranh, vách nứa dột nát ở xã Nông thôn mới

Dù đã về đích Nông thôn mới (NTM) từ năm 2017, nhưng hiện tại ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An vẫn đang còn nhiều ngôi nhà được lợp bằng tranh, vách nứa, khá dột nát và rất tạm bợ.

Tháng 1/2017, xã Tam Quang, huyện Tương Dương được tỉnh Nghệ An trao bằng công nhận đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV đến thời điểm hiện tại, ở các bản Liên Hương, Tân Hương, Tùng Hương… xã Tam Quang vẫn đang còn tồn tại nhiều ngôi nhà được lợp bằng lá cọ, vách bằng nứa khá tạm bợ và dột nát.

Theo người dân địa phương, ngoài các bản trên tại một số thôn khác trên địa bàn xã Tam Quang còn rất nhiều ngôi nhà tranh, vách nứa khác.

Ngôi nhà tranh, vách nứa và rất dột nát của vợ chồng anh Quang.

Cụ thể, tại bản Liên Hương còn có ngôi nhà của ông Lô Văn Ngọc, Lô Văn Khương, La Văn Quang… không khác gì một ngôi nhà tạm khi được lợp bằng tranh, vách nứa.

Nhìn ngôi nhà của cặp vợ chồng anh La Văn Quang (SN 1979) và chị Viêng Thị Mằn (SN 1991), trú tại bản Liên Hương mà chúng tôi không khỏi xót xa. Chị Mằn cho hay, sau khi hai vợ chồng lấy nhau, do điều kiện kinh tế khó khăn nên vợ chồng chị được bố mẹ cho ra ở riêng tại bản Liên Hương. Sau khi sinh được 3 người con, có hơn 1 sào ruộng lúa nước, không có nghề phụ nên cuộc sống của gia đình vẫn bám lấy chữ nghèo. Năm 2017, gia đình chị Mằn được nhà nước hỗ trợ một con bê cái, tuy nhiên sau đó một thời gian con bê này bỗng lăn ra chết. Dù trong nhà không có bất kỳ một thứ gì đáng giá, nhưng gia đình chị Mằn lại được địa phương đưa ra danh sách thoát nghèo để về đích NTM (từ hộ nghèo thành hộ cận nghèo).

Ngày nắng mà đứng trong nhà không khác nhiều so với ngoài trời.

Căn nhà của vợ chồng chị Mằn rộng khoảng 20m2, mái được lợp bằng lá cọ, vách bằng nứa. Tuy nhiên, do sử dụng lâu ngày nên đã bị dột nát nghiêm trọng. Từ dưới nhìn lên nóc nhà, ánh mặt trời có thể xuyên qua lớp tranh dột nát rọi xuống nền đất. Trong nhà một ít quần áo cũ được vứt vương vãi khắp nơi vì không có chỗ cất; thậm chí chiếc giường duy nhất của 5 người trong gia đình cũng được làm bằng thân cây gỗ rừng, đóng xuống nền đất nhìn không khác gì lán trại công nhân công trường xây dựng.

Ngoài ra, tại bản Tân Hương, xã Tam Quang còn có 2 ngôi nhà của các hộ dân khác cũng được lợp bằng lá cọ, vách nứa nằm bên cạnh đường từ QL7 đi vào các bản này.

Ông Lô Văn Thăm, Trưởng bản Liên Hương, xã Tam Quang cho hay, tại bản có 24 hộ nghèo và cận nghèo, đời sống của người dân còn khá khó khăn. Sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM thì hiện tại sau khi được nhà nước hỗ trợ xi măng, ban quản lý bản đang huy động người dân đóng góp cát, sỏi và ngày công để làm các tuyến đường liên bản, ngõ xóm.

Một ngôi nhà khác tại bản Tân Hương cũng được làm bằng tre, lợp tranh và vách nứa.

Bà Kha Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang thừa nhận, tại các bản Liên Hương, Tân Hương, Tùng Hương còn một số ngôi nhà của người dân đang được lợp bằng lá cọ, vách nứa. Bà Hiền cho hay, theo quy định, để đạt chuẩn NTM thì phải xóa nhà tranh tre, dột nát. Từ năm 2015, bằng các nguồn vốn, xã đã có kế hoạch để hỗ trợ người dân thực hiện tiêu chí nhà ở, nhưng do người dân vẫn chưa thực sự “tự giác” mà đang trông chờ và ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Kha Văn Ót, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho hay, trong quá trình thẩm định các tiêu chí để công nhận đạt chuẩn NTM của xã Tam Quang, đoàn kiểm tra của huyện và tỉnh có đi tận nơi các thôn bản trên. Tuy nhiên, khi PV phản ánh, tại các bản trên hiện tại đang còn nhiều ngôi nhà được lợp bằng lá cọ, vách nứa và khá dột nát thì ông Ót cho hay “sẽ cho kiểm tra lại”.

Theo quyết định số 2337/QĐ-UBND ngày 1/6/2017 về việc ban hành Bộ tiêu chí thôn, bản nông thôn mới áp dụng trên địa bàn các xã miền núi tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2020 (thay thế Quyết định 1263 ngày 28/3/2016) quy định tạm thời Bộ tiêu chí thôn, bản nông thôn mới ngày 1/6/2017, gồm 15 tiêu chí.

Trong đó, về nhà ở dân cư: Không có nhà tạm, dột nát; trên 80% hộ có nhà ở đạt theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng đối với các xã khu vực I và trên 75% đối với các xã khu vực II và III; đồ đạc trong nhà được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, khoa học; có hàng rào đảm bảo mỹ quan; có vườn trồng rau sạch đảm bảo an toàn thực phẩm.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/bat-ngo-nhung-ngoi-nha-tranh-vach-nua-dot-nat-o-xa-nong-thon-moi-a365778.html