Nhà toán học người Việt và mong muốn lan tỏa tình yêu với Truyện Kiều

Tiến sỹ toán học Nguyễn Huy Việt, hiện sinh sống và làm việc tại Cộng hòa Séc, mong muốn lan tỏa rộng khắp tình yêu đối với 'Truyện Kiều' trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Có một người con xứ Nghệ định cư ở Cộng hòa Séc, bao nhiêu năm nay vẫn mong muốn lan tỏa rộng khắp tình yêu đối với "Truyện Kiều" trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bởi đối với ông, ký ức những câu Kiều trong lời ru của mẹ không bao giờ phai nhạt.

Đó là Tiến sỹ toán học Nguyễn Huy Việt, hiện sinh sống và làm việc tại Cộng hòa Séc.

Phóng viên TTXVN tình cờ được gặp ông Nguyễn Huy Việt khi đưa tin về "Giải bóng bàn Plzen mở rộng 2018," một giải thể thao truyền thống thường niên được tổ chức tại thành phố Plzen, thủ phủ miền Tây Cộng hòa Séc (cách thủ đô Prague 80km).

Ở tuổi ngoài 70, là vận động viên cao niên nhất giải, thành viên trụ cột trong phong trào cộng đồng tại nơi ông đang sinh sống hiện nay, Tiến sỹ Nguyễn Huy Việt vẫn toát lên dáng vẻ nhanh nhẹn, thần thái của một nhà khoa học.

Tiến sỹ Nguyễn Huy Việt vui mừng thông báo vừa mới nhận giải đặc biệt xuất sắc của cuộc thi "Bạn đọc thuộc Kiều," được tổ chức trên toàn quốc mà ông về nước tham dự từ tháng 8/2019.

Đây là cuộc thi lớn được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh (1765-2020) và tưởng niệm 200 năm ngày mất (1820-2020) của đại thi hào Nguyễn Du, hội tụ hơn 60 thí sinh trong toàn quốc tham gia trong thời gian 18 tháng, với 4 đợt thi tại 4 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ngoài 7 giải xuất sắc, Ban tổ chức đã trao 1 giải đặc biệt xuất sắc, và ông Huy Việt là người giành giải cao nhất đó.

Đặc biệt hơn, ông là thí sinh người Việt duy nhất từ nước ngoài về thi, cùng nhiều thí sinh khác là các giáo sư, tiến sỹ, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo và những người yêu mến "Truyện Kiều."

Chỉ tiếc, ngày 25/9 vừa qua, giải thưởng được trao tại Hà Tĩnh, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ông không thể về Việt Nam để nhận giải.

Qua thông tin trên báo chí Việt Nam, ông được biết tại lễ trao giải, nhà thơ Vương Trọng, Phó ban tổ chức cuộc thi "Bạn đọc thuộc Kiều" đánh giá Tiến sỹ Nguyễn Huy Việt không chỉ thuộc "Truyện Kiều," mà ông còn biết tường tận những câu có phiên bản khác nhau ở các khảo dị khác nhau.

Ông cũng chính là người cho đến nay đã phát hiện ra "Truyện Kiều" có một câu thơ được lặp lại hai lần, là câu "Giác Duyên nghe nói rụng rời."

Bằng âm giọng đặc trưng của người xứ Nghệ, Tiến sỹ Huy Việt chia sẻ: "Từ hồi nhỏ đã được bố tôi đọc cho nghe Truyện Kiều hằng đêm, nên tôi đã thuộc lòng nhiều đoạn. Tuy chưa hiểu hết, nhưng tôi đã thấy hay từ lời văn, ngôn từ, tới âm điệu. Lúc sinh thời, bố tôi rất thích Truyện Kiều và thuộc trên 95%, còn tôi lúc đó chắc cũng thuộc được hơn một nửa."

"Suốt hơn 20 năm, từ tuổi trưởng thành tôi vẫn hay đọc đi đọc lại rồi thuộc lòng, và càng hiểu lại càng mê thơ lục bát của Nguyễn Du qua Truyện Kiều. Vào những năm 1990, khi làm chuyên gia giáo dục ở Algeria, vì không mang theo Truyện Kiều và cũng chưa dùng mạng nên chỉ đọc Truyện Kiều từ trí nhớ. Thế là Truyện Kiều thấm đẫm vào tâm trí và nhớ rõ từng chữ một.”

Tuy trưởng thành và sự nghiệp theo ngành toán học (ông từng là học sinh chuyên toán Đại học Tổng hợp Hà Nội, đoạt giải ba toán toàn miền Bắc năm 1968, công tác tại Viện Toán học Việt Nam và bảo vệ luận án tiến sỹ toán học tại Liên bang Nga), nhưng Tiến sỹ Nguyễn Huy Việt vẫn thường xuyên đọc và nghiên cứu "Truyện Kiều."

Có thể nói từ thuở ấu thơ, ông được nuôi dưỡng và luôn ấp ủ trong mình tình yêu đối với "Truyện Kiều," cùng với lòng ngưỡng mộ và niềm tự hào của người con trên quê hương của đại thi hào Nguyễn Du.

Ông đã có hàng chục bài viết, chuyên luận và khảo cứu về "Truyện Kiều" trên các báo, tạp chí văn học trong nước, đặc biệt thú vị có nhiều nghiên cứu thống kê về cách dùng ngôn từ, gieo vần... dưới góc độ toán học như thiết lập hệ thống "Ma trận lục bát Kiều"...

Ông Huy Việt tâm sự "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du qua hàng trăm năm được đón nhận như một kiệt tác của dân tộc. Đã có nhiều hình thức văn hóa, văn học Kiều sâu rộng như tập Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều, vịnh Kiều, đố Kiều, viết tiếp "Truyện Kiều," "Truyện Kiều" đọc ngược, giai thoại "Truyện Kiều"…, cũng như tác phẩm nổi tiếng này đã được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Đối với ông, chính tình yêu đối với "Truyện Kiều" đã trở thành một cầu nối đưa mỗi người Việt xa xứ như ông được về với quê hương./.

Hồng Kỳ (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nha-toan-hoc-nguoi-viet-va-mong-muon-lan-toa-tinh-yeu-voi-truyen-kieu/667548.vnp