Nhà tình báo Mười Hương trong ký ức đồng đội

Trong tâm trí nhiều cán bộ cách mạng lão thành, nhiều đồng chí, đồng đội, ông Mười Hương là một người chỉ huy tài tình, nghĩa tình trọn vẹn.

Ông Trần Quốc Hương, người chỉ huy mạng lưới tình báo chiến lược ở miền Nam trước năm 1975, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã qua đời tại TPHCM. Ông ra đi ở tuổi 96. Trong tâm trí nhiều cán bộ cách mạng lão thành, nhiều đồng chí, đồng đội từng sống và chiến đấu cùng ông, vẫn còn đó một chỉ huy Mười Hương tài tình trong hoạt động tình báo cách mạng và cả công tác sau này, vẫn còn đó một người chú - người anh Mười Hương nghĩa tình trọn vẹn.

Dùng 100.000 đồng để cứu ông Trần Quốc Hương ra khỏi nhà tù

Trong những người hiếm hoi từng biết ông Trần Quốc Hương với nhiệm vụ vào miền Nam xây dựng mạng lưới tình báo cách mạng có Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu với biệt danh Tư Cang, Cụm trưởng Cụm tình báo quân sự H63, đơn vị có nhà tình báo nổi tiếng Phạm Xuân Ẩn.

Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang).

Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang).

Ông Tư Cang kể, ông Trần Quốc Hương không chỉ phát hiện ra khả năng hoạt động tình báo và dạy những bài học đầu tiên cho ông Phạm Xuân Ẩn, mà còn là người chọn ngành học cho ông Ẩn đi Mỹ học vào năm 1957. Tầm nhìn của ông Trần Quốc Hương thể hiện rõ trong việc cho ông Ẩn đi học báo chí ở Mỹ, có điều kiện tạo một vỏ bọc hoàn hảo và tiếp cận nhiều nguồn thông tin.

Cũng chính ông Trần Quốc Hương là người tìm nguồn kinh phí cho ông Ẩn đi du học - một việc không hề dễ dàng vào thời kỳ đó. Chính vì vậy, học ở Mỹ được 3 năm, khi nghe tin tình hình cách mạng ở Việt Nam và việc ông Trần Quốc Hương bị bắt, ông Trần Xuân Ẩn đã quyết định rời Mỹ về nước, trực tiếp tham gia hoạt động tình báo giữa Sài Gòn với tư cách phóng viên báo nước ngoài.

Tháng 11/1963, chính quyền Việt Nam cộng hòa bị đảo chính. Nhân cơ hội này, Trung ương giao nhiệm vụ cho các đơn vị phía Nam tìm cách đưa ông Mười Hương ra tù. Đại tá Tư Cang, Cụm trưởng cụm tình báo H63 bàn với nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn cùng đồng đội lên kế hoạch giải cứu. Lúc đó, ông Mười Hương bị giam giữ tại trung tâm TP, ở một nơi khá sang trọng nên ban đầu, ông Ẩn dự định hối lộ cho người canh gác ông Mười Hương một chiếc xe ô tô hạng sang để tạo cơ hội cho ông Mười Hương trốn thoát.

Nhưng sau nhiều lần điều đình, người canh gác này ra giá 100.000 đồng tiền thời bấy giờ (cứ 3.000 đồng thì mua được một lượng vàng). Sau khi thỏa thuận được giá cả rồi, ông Tư Cang và ông Phạm Xuân Ẩn tìm gặp một nhà tư sản yêu nước từng biết ông Mười Hương, nhà tư sản này đã bán tài sản của mình để đưa đúng 100.000 đồng.

Ông Phạm Xuân Ẩn (ảnh trái) và ông Trần Quốc Hương. (ảnh: Fb Lam Hồng)

Nhận tiền, người canh gác đã “ngó lơ” 15 phút để ông Phạm Xuân Ẩn đưa ông Mười Hương ra khỏi nơi giam lỏng, giao cho mạng lưới giao thông do ông Tư Cang cắt đặt. Ông Mười Hương được đưa về Ngã tư Bảy Hiền - vùng lõm cách mạng của Sài Gòn lúc đó, rồi từ đây về căn cứ của Cụm tình báo H63 ở Củ Chi.

"Ông Mười Hương vào trong Nam theo lời của Bác Hồ và Bộ Chính trị để xây dựng lực lượng tình báo chiến lược và xây dựng công an. Theo chỉ thị của Ban địch tình Xứ ủy mà đứng đầu là ông Mai Chí Thọ chỉ thị cho tình báo, người nhận chỉ thị này là ông Đào Trọng Hằng. Ông Hằng về bàn với tôi: Cấp trên nói bằng mọi giá phải đưa ông Mười Hương ra khỏi tù, giờ phải làm sao? Tôi nói giờ chỉ có ông Phạm Xuân Ẩn làm được. Thế là gọi ông Ẩn vào Bến Đình - căn cứ của Cụm, để thảo luận. Thế là ông Ẩn nói, giờ phải mua chuộc người giữ ngục tù đó" - ông Tư Cang nhớ lại.

Người chỉ huy như một người anh trong gia đình

Ông Trần Quốc Hương vào ngành tình báo giữa năm 1954 - khi Xứ ủy Nam kỳ cử người ra Trung ương xin tăng cường ông Hương. Ở miền Nam, ông được gọi là Mười Hương, cùng các ông Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ tình báo.

Trong thời gian trước và sau năm 1960 khi ông Mười Hương hoạt động ở Sài Gòn, một trong những tình báo làm việc với ông có bà Nguyễn Thị Yên Thảo (bí danh Tám Thảo hay còn gọi là tiểu thư Mỹ Nhung), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Một nữ chiến sĩ tình báo từng cộng tác với huyền thoại tình báo quốc phòng Phạm Ngọc Thảo.

Bà Tám Thảo có một người em gái cũng là nữ tình báo cách mạng. Cha mẹ và gia đình bà đều quý mến ông Mười Hương. Bà Tám Thảo năm nay đã 88 tuổi, luôn coi ông Mười Hương là một người thầy trong công việc, một người anh trong gia đình.

Bà kể, trong chiến tranh, khi ông Mười Hương - người chỉ huy trực tiếp của bà bị bắt, suốt hai năm, bà ở giữa TP Sài Gòn vẫn giữ vững tinh thần, cố gắng kết nối liên lạc cho đến khi có chỉ huy mới. Tinh thần đáng quý đó của một người tình báo nội thành, ông Mười Hương rất thấu hiểu. Cho nên, sau này ông đặc biệt tin tưởng, quý mến bà Tám Thảo.

Theo lời kể của bà Thảo, lớp tình báo đầu tiên được ông Mười Hương xác nhận có bà, ông Phạm Xuân Ẩn, em gái bà và ông Mười Hương. Các ông bà được ông Mười Hương và cuộc sống đào tạo, tình nghĩa từ lúc đó. Cho đến khi ông Mười Hương bị bắt, bà vẫn giữ liên lạc.

"Tôi tự trở lại thành phố nắm tình hình. Anh Mười thương tụi tôi ở chỗ 2 năm trời vẫn giữ được liên lạc với tổ chức và vẫn giữ vững khí tiết của một người cách mạng" - bà Tám Thảo cho biết.

Nhà tình báo Trần Quốc Hương trong một buổi gặp mặt vào tháng 1/2011 - Ảnh: T.T.D/Tuổi trẻ

Với ông Tư Cang cũng vậy, khi hỏi về ông Mười Hương, ông luôn nói đó là một người sống chân tình, rất ít nói về mình mà chỉ nói về công lao người khác. Sau này, khi ông Mười Hương đã là lãnh đạo cấp cao, gặp ông Tư Cang ở nhiều hội nghị, gặp mặt lần nào ông Mười Hương cũng nắm tay ông giới thiệu với mọi người: "Đây là anh Tư Cang, người đã cứu tôi ra khỏi nhà tù".

Sự nghiệp hoạt động cách mạng, hoạt động tình báo của ông Trần Quốc Hương gắn liền với những chiến công của những tên tuổi tình báo huyền thoại. Ngoài nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Thị Yên Thảo (Mỹ Nhung) còn có nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo. Những nhà tình báo nổi tiếng này tin tưởng ông tuyệt đối, kể cả trong những tình thế gay go, giữa lằn ranh sinh tử, để lựa chọn và đưa ra những quyết sách đúng đắn nhất./.

Minh Hạnh/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/nha-tinh-bao-muoi-huong-trong-ky-uc-dong-doi-1060175.vov