Nhà thuốc không dễ ăn

Khoảng 1 năm trước, hàng loạt đại gia bán lẻ như Thế giới di động (MWG), FPT Retail (FRT), Digitworld (DGW)… công bố tham gia lĩnh vực phân phối dược phẩm, thực phẩm chức năng, chăm sóc sức khỏe… Nhưng đến lúc này chưa như kỳ vọng.

Cuối năm 2017, MWG xác nhận việc mua lại chuỗi dược phẩm Phúc An Khang và chuyển đổi thành cái tên mới An Khang. Nhưng tính đến nay mới có 9 nhà thuốc An Khang và 1 thành viên của MWG, chủ yếu tại TPHCM.

Tính ra phải hơn 1 tháng, MWG mới “set up” được 1 nhà thuốc, tốc độ mở chuỗi nhà thuốc của MWG kém rất xa so với tốc độ mở các siêu thị điện thoại, điện máy. 2-3 năm trước, có những ngày đồng loạt MWG khai trương 2-3 siêu thị Thế giới di động hay Điện Máy Xanh mới. 1 ngày có thể khai trương 2-3 siêu thị điện máy điện thoại so với hơn 1 tháng mở được nhà thuốc, vấn đề có lẽ không nằm ở kỹ năng thiết lập, vận hành hệ thống, vốn là thế mạnh vượt trội của MWG, mà nằm ở các yếu tố khác liên quan đến nhân sự, thị trường.

Quản lý từ điện thoại sang điện máy có thể khó, nhưng ít nhất 2 mặt hàng này cũng có nhiều sự tương đồng. Nhưng sang đến bách hóa là thêm thách thức, dù MWG có thể áp dụng các kỹ năng bán hàng đã được tích lũy và kiểm nghiệm.

Bởi lẽ, dược phẩm là lĩnh vực rất khác so với các mặt hàng bán lẻ của MWG. Trong cách phát triển các hệ thống bán lẻ mới của mình, MWG thường đưa những nhân sự kỳ cựu, giỏi nghề để góp sức. Gần nhất là việc một loạt quản lý cửa hàng, quản lý vùng (AM), hay quản lý miền (RSM) cứng tay nghề của mảng điện thoại, điện máy được điều động để phát triển chuỗi Bách Hóa Xanh.

Nhưng có một điều, bán điện thoại, bán điện máy, hay bán thực phẩm giỏi đến mấy chưa chắc đã bán thuốc giỏi. Về mặt nhân sự, MWG hay bất kỳ hệ thống bán lẻ nào khác cũng sẽ phải đáp ứng các quy định liên quan đến bằng cấp, chuyên môn của đội ngũ nhân viên nhà thuốc, trong khi để tuyển dụng được nhân viên cho nhà thuốc chắc chắn mất nhiều thời gian, công sức hơn tuyển nhân viên bán hàng hay dán màn hình điện thoại. Đó còn chưa kể đến những nhà thuốc tư nhân, hoạt động nhỏ lẻ dù có thể quy mô không bằng, nhưng vẫn có những thế mạnh đó là sự gắn kết với khách hàng, niềm tin được tạo ra giữa 2 bên.

Tiềm năng của ngành bán lẻ dược phẩm, thực phẩm chức năng rất lớn, thậm chí thị phần đủ lớn cho nhiều đơn vị có thể chung sống. Nhưng sống được hay không lại tùy thuộc vào năng lực của từng đơn vị. Theo lộ trình FRT dự kiến mở khoảng 25 cửa hàng dược phẩm là nhà thuốc Long Châu trong năm 2018. Nhưng việc mở rộng có thể chậm hơn do những phức tạp trong việc xin giấy phép, rồi cả việc hợp nhất các nhà thuốc vào FPT Pharma, một đơn vị được FRT cho biết đang sở hữu 75% cổ phần.

Mặc dù FRT cho biết ý định mở thêm 50 nhà thuốc mới trong năm 2019, nhưng một CTCK lớn lại đưa ra nhận định khá thận trọng con số chỉ khoảng 30 nhà thuốc. Xét về thế mạnh công nghệ, hệ thống, FRT là thành viên của Tập đoàn công nghệ FPT nên có rất nhiều lợi thế trong quản lý không kém MWG. Nhưng rõ ràng cả 2 đang đều gặp phải những thách thức chung.

Dấu hiệu rất dễ nhận biết là tần suất thông tin liên quan đến các nhà thuốc của các ông lớn bán lẻ đang dần thưa thớt. Cụ thể, từ cuối 2017 đến nửa đầu 2018 các thông tin khá dày, nhưng trong vài tháng nay đã thưa thớt hẳn. Chính lãnh đạo các nhà bán lẻ lớn cũng chỉ nói một cách thận trọng, thậm chí chuyển chủ đề khá nhanh khi bàn về mảng nhà thuốc.

Điều tương tự cũng sẽ diễn ra với DGW hay Nguyễn Kim, những nhà bán lẻ đã công bố ý định tham gia thị trường dược phẩm và thách thức ở đây còn lớn hơn gấp bội. Với DGW là những thách thức khi thế mạnh ban đầu chỉ là bán buôn, chuyển sang bán lẻ là ngành đặc thù như dược phẩm sẽ phải có nhiều sự thay đổi. Với Nguyễn Kim, trong áp lực phải giữ được thị phần trước sự cạnh tranh quyết liệt của Điện Máy Xanh, hay Tiki trong mảng điện máy hiện vẫn rất lớn, liệu rằng đơn vị kỳ cựu này có đủ nguồn lực để theo đuổi mảng bán lẻ dược phẩm hay không?

Những thách thức chủ quan lẫn khách quan sẽ khiến việc phát triển dược phẩm trở nên thận trọng hơn. Khả năng chạy đua mở shop hoặc cạnh tranh trực tiếp, khốc liệt giữa các nhà bán lẻ trong lĩnh vực nhà thuốc sẽ khó xảy ra trong ngắn hạn. Dẫu biết rằng khi mở rộng quy mô các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, các hệ thống bán lẻ có thể rơi vào giai đoạn thử và sai rồi sau đó sửa sai. Nhưng ít nhiều khí thế ban đầu khi tham gia lĩnh vực nhà thuốc của một số đại gia bán lẻ đã vô tình tạo ra sự lạc quan thái quá, thậm chí dễ dãi.

Điều này góp phần gia tăng kỳ vọng cho doanh nghiệp, cho CP nhưng thời gian sẽ trả lời đúng đắn nhất. Nếu như MWG vẫn còn đó Bách Hóa Xanh nuôi kỳ vọng tăng trưởng, một số đơn vị khác, nếu cơ cấu bán lẻ không đa dạng bằng, việc lấy nhà thuốc để nuôi tăng trưởng xem chừng không khả thi, thậm chí có nguy cơ trở thành bánh vẽ.

THÁI CA

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/nha-thuoc-khong-de-an-64026.html