Nhà thơ Vũ Từ Trang từ trần

Với thể loại chân dung văn học đang được quan tâm ở nước ta hiện nay, có thể nói, nhà thơ Vũ Từ Trang là người viết nhiều, viết đều, đã tạo được dấu ấn riêng, được người trong nghề và bạn đọc rộng rãi chú ý, ghi nhận và đánh giá cao.

Theo tin buồn từ gia đình, Nhà thơ Vũ Từ Trang (tên thật là Vũ Công Đình), Sinh ngày 20.07.1948, Quê quán: Trang Hạ - Từ Sơn – Bắc Ninh,Trải qua thời gian bệnh nặng kéo dài, mặc dù được các y bác sỹ và gia đình tận tình cứu chữa nhưng không qua khỏi và đã từ trần hồi 4h ngày 12.07.2020 tại nhà riêng số 378 Bạch Mai, Hà Nội. Hưởng thọ 73 tuổi.

Lễ viếng được tổ chức vào hồi 9h30 ngày 16/07/2020 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng – số 5 Trần Thánh Tông , Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 10h45. An táng vào 17h cùng ngày tại nghĩa trang quê nhà - phường Trang Hạ, TX Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Văn hiến trân trọng giới thiệu lại bài viết về nhà thơ Vũ Từ Trang trên báo Văn nghệ.

Nhà thơ Vũ Từ Trang với các " Chân dung văn học"

Tác giả: Huy Thắng

Cho đến nay, Vũ Từ Trang đã cho ra mắt bạn đọc 5 tập sách chân dung văn học. Đó là Phía Sau con chữ (Nxb Thanh Niên, 2007), Nhà văn độc hành độc bộ (Nxb Phụ Nữ, 2013), Vì ai ta mãi phong trần (Nxb Phụ Nữ, 2017) Phận người trôi nổiTơ trời chùng chình đón đợi (xuất bản tháng 7 năm 2019, Nxb Hội Nhà văn). Khoảng 130 nhân vật văn chương - nghệ thuật, được Vũ Từ Trang giới thiệu. Chưa kể còn nhiều chân dung khác đã được anh công bố trên các báo chí, nhưng chưa có dịp tập hợp in vào sách. Qua các chân dung văn học của mình, Vũ Từ Trang có phần nào giúp xã hội hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của các nhà văn Việt Nam đương đại và cả văn chương nước ta một thời.

Vũ Từ Trang là người viết đã để lại dấu ấn riêng của mình qua các nhân vật được anh chọn lựa giới thiệu. Như anh từng nhiều lần tâm sự trong lời đầu các cuốn sách của mình để nói về quan niệm và mục đích: "Trong số những người tôi viết, nhiều người là bậc cha chú, cả về tuổi đời và tuổi nghề. Có người là bạn hoặc là bạn vong niên. Nhưng tựu trung họ đều là những người mê văn chương với tấm lòng cao đẹp. Nghiệp chữ nghĩa đã đem lại vinh quang cho họ. Đôi khi còn đem lại tai họa cho họ. Có người nổi tiếng, có người ít được biết đến. Tôi chỉ có tâmnguyện nhỏ, viết về đôi điều khuất lấp sau vinh quang và cay cựctrong cuộc đời cầm bút của họ".

Đúng như Vũ Từ Trang giãi bầy, những nhân vật được anh viết ra, bên cạnh một số nhà văn có cuộc sống và bước đường sáng tác bằng phẳng, còn lại, thường có số phận không mấy bình yên, may mắn. Vũ Từ Trang không chỉ viết nhiều về những thành công văn chương của họ, mà chủ đích tìm tới những khuất lấp trong cuộc đời của mỗi nhà văn, mọi người như ít thấy

Vũ Từ Trang chỉ ra hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, nhưng con đường đi tới thành công trong văn chương - nghệ thuật của họ, lại không phải được trải hoàn toàn bằng hoa hồng, mà có người đã phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt và có khi là tù tội. Đó là các nhà văn thuộc thế hệ trước anh, như nhà thơ, nhà văn, dịch giả văn học như Hoàng Trung Thông, Anh Thơ, Thợ Rèn, Nguyễn Địch Dũng, Quang Dũng, Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện, Yến Lan, Nguyễn Xuân Khánh, Lê Bầu, Nguyễn Bản, Phan Xuân Hạt, Nguyễn Xuân Thâm, Dương Tất Từ, Thúy Toàn, Mã Giang Lân... Những nhà văn nhà thơ hơn tuổi anh ít nhiều, hoặc cùng trang lứa, như Vũ Quần Phương, Lưu Quang Vũ, Lê Minh Khuê, Hoài Anh, Thanh Tùng, Tạ Vũ, Nghiêm Đa Văn, Trúc Cương, Nhật Tuấn, Tô Hà, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Phan Hách, Tô Hải Vân, Anh Vũ, Chử Văn Long... Và còn cả những người đam mê thơ phú, từng nổi danh một thời, nhưng không may mắn có được số phận bình yên, ngược lại, đầy trắc trở như Tuân Nguyễn, Dư Thị Hoàn, Lương Vĩnh, Phương Thúy... và đặc biệt, còn có cả những người mà chưa mấy ai biết đến tác phẩm và tên tuổi họ, như Nguyễn Ngọc Ly, như Nguyễn Thị Hoài Thanh...

Các chân dung của Vũ Từ Trang thường được viết rất kỹ càng, cẩn trọng với nhiều chi tiết chân thực và sống động. Phải là những người anh thật quen biết, gần gũi, thậm chí rất thân thiết, nên mới có thể hiểu rõ những uẩn khúc trong cuộc đời, cá tính, tâm sự, những thành tựu và văn chương của mỗi người. Quan niệm của anh, khi đặt bút viết về ai thì không những phải hiểu nhau và còn phải yêu quý, kính trọng nhau. Vì thế, những sự việc, những chi tiết, những mảng sáng và góc tối được Vũ Từ Trang chọn lọc viết ra trong bài, như được viết ra từ trái tim.

Rất nhiều bạn đọc đã từng được thưởng thức tài năng của nhà văn Nguyễn Bản qua các truyện ngắn nổi tiếng của ông như Mùi tóc Thảo, Rừng đêm cuối năm, Ánh trăng, Nợ trần gian, Bức tranh mầu huyết thạch... và hàng trăm truyện ngắn khác. Tên tuổi ông không còn bó hẹp trong nước, mà nhiều tác phẩm của ông còn được dịch ra nước ngoài. Vậy nhưng gần như không mấy ai biết, ông đến nay vẫn chưa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nghiêm Đa Văn là một người thông minh và tài hoa, hội viên Hội Nhà văn từ năm 1979, sớm hơn rất nhiều các bạn bè văn chương cùng trang lứa. Anh có thể cùng lúc làm thơ, viết truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, soạn nhạc kịch và viết kịch bản phim, viết phê bình... Như chính mắt Vũ Từ Trang chứng kiến, trong nhà Nghiêm Đa Văn lúc nào cũng sẵn 3 chiếc máy chữ đề cùng lúc viết 3 thể loại khác nhau. Ngày học đại học, anh cùng lớp với nhiều người sau này thành tên tuổi lớn. Cuối đời Văn ngã bệnh, không có tiền phải thuê ở trọ trong xóm nghèo tồi tàn gần bệnh viện chờ chạy thận.

Nghiêm Đa Văn là người quảng giao, lắm bè bạn. Nhưng ngày lễ tang anh, lại thưa thớt, xao xác người đưa tiễn.

Nhà thơ Quang Dũng tên tuổi lững lẫy với những bài thơ Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây, Những làng đi qua... nằm trong tâm trí và sổ tay thơ của nhiều thế hệ. Ấy vậy mà nhiều năm ông sống trong khó khăn vật chất. Vũ Từ Trang viết, mỗi sáng đi tập thể dục ngoài công viên, ông thường mang theo chiếc bao tải để lụi hụi quét lá khô đem về đun bếp. Ông không mặc cảm về việc mình phải làm, mà cho nó là việc đời bình dị.

Nguyễn Xuân Khánh, tác giả của các tiểu thuyết lớn như Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa… Qua trang viết của Vũ Từ Trang, người đọc hiểu thêm ông có một lý lịch thú vị. Năm 1952, đang là sinh viên Y khoa, ông bỏ học, tình nguyện đi bộ đội. Những ngả đường hành quân, những buổi diễn tập và tình đồng đội thôi thúc ông cầm bút. Rồi hệ lụy văn chương đến với ông. Ông phải về hưu non. Từ đây cuộc đời sang lối rẽ. Để có tiền nuôi gia đình, ông phải làm quen với công việc nặng nhọc, như thợ mộc, thợ bốc vác, thợ cán mì sợi, bảo vệ kho bãi. Đêm đêm, ông vẫn miệt mài, đắm say với trang viết...

Những nhân vật được Vũ Từ Trang kể lại thường có nhiều chi tiết văn chương thú vị, giúp người đọc hình dung rõ thêm tính cách con người ấy. Ví như nhà thơ Thanh Tùng, tác giả của Thời hoa đỏ, là cây bút xuất sắc của Hải Phòng, khi chuẩn bị đi dự Liên hoan thơ thế giới tổ chức tại Hy Lạp, chỉ mang cái túi xách với bộ quần áo nhầu nhĩ. Ái ngại trước hành lý của bạn, gia đình Vũ Từ Trang đã đưa chiếc va-li để nhà thơ mang đi cho gọn. Thanh Tùng ngượng nghịu: "Tôi tưởng đi liên hoan thơ thì chỉ phải chuẩn bị thơ thôi chứ"… Sau khi liên hoan thơ quốc tế trở về, gặp bạn bè, anh hớn hở khoe “Tôi đọc thơ bằng tiếng Việt, mọi người nghe sướng lắm”. Có người hỏi, "Anh đọc thơ tiếng Việt sao họ hiểu?" Anh vẫn hồn nhiên: "Tôi đọc thơ bằng gan ruột tôi. Tôi diễn đạt thơ bằng âm điệu của tôi, bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi. Tôi dùng sự đắm say để cuốn hút mọi người nghe tới bến bờ của thơ Việt"…

Vũ Từ Trang có những trang viết thấm đẫm sự sẻ chia với những người làm văn chương, người mê văn chương mà cả đời đeo đuổi nghiệp chữ nghĩa, dù chữ nghĩa luôn làm khổ họ. Đó là những nhân vật thuộc tầng lớp lao động cùng cực, như thợ móc cống, thợ đổ thùng, người đạp xích lô, cô công nhân súc nạp ắc quy... Những nhân vật này, tôi thấy anh như viết hay hơn, ấn tượng hơn, xúc động hơn. Hơn ai hết, Vũ Từ Trang đã cảm thông và chia sẻ được những góc khuất trong mỗi cuộc đời họ.

Nét riêng đặc biệt trong các chân dung văn học của Vũ Từ Trang, nằm ở các cảm nhận, bình luận, nhận xét xen lẫn trong mỗi trang viết. Đó là những tổng kết sắc sảo. Phần nào là thái độ, là tình cảm của tác giả dành cho mỗi nhân vật được anh viết ra.

Về Lưu Quang Vũ, Vũ Từ Trang đã viết: " khi Vũ rực rỡ trên địa hạt sân khấu nhiều người cho đó là sự bất ngờ. Còn tôi, tôi cho cho đó là sự phát triển tất yếu và logic. Ai cũng biết những suy nghĩ dằn vặt về cuộc sống, về tình người trong giai đoạn khó khăn nhất của Lưu Quang Vũ mới thấy tại sao trong kịch của Vũ toát lên những ý tưởng mạnh mẽ, những niềm tin khát khao, cái đẹp của cuộc đời"

Nhà thơ Phương Thúy sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tôc, nhưng cuộc đời lại đầy bể dâu. Cuối đời, Phương Thúy như người trắng tay, phải nương tựa vào trại an dưỡng. Khi biết chị nhập trại dưỡng lão Phật Tích (Bắc Ninh), Vũ Từ Trang đã lặn lội tìm đến thăm, rồi viết bài về chị đăng trên các báo. Những dòng chữ an ủi, động viên, đầy sẻ chia: "Chị không trắng tay. Rằng quanh chị vẫn còn những người bạn. Và xã hội vẫn có nơi chăm sóc chị". Rồi anh còn động viên “Biết đâu những câu thơ lại chấp chới trở về với năm tháng cuối đời của chị?”

Quanh nhà thơ Vũ Quần Phương có lắm giai thoại, nhất là tính cách quá căn cơ, tiết kiệm của ông, dù sau này ông được sống trong niềm hạnh phúc của gia đình, con cái thành đạt. Về điều này Vũ Từ Trang đã chia sẻ trong bài viết của mình: "Có cảm thông với cảnh cậu bé 8 tuổi phải đội cái nồi đồng to úp chụp trên đầu đem bán để có tiền sinh sống, có thấu hiểu cảnh ngộ côi cút bên bến sông quê mờ mịt mưa gió ngóng mẹ, mới thấu hiểu lề lối sống của ông bây giờ"…

*

Viết Chân dung văn học Vũ Từ Trang luôn chân thực, không tô vẽ, không cường điệu. Qua con chữ được viết bằng cả tấm lòng cảm thông, sẻ chia, đầy gan ruột của mình với bạn bè văn chương vì thế Vũ Từ Trang đã đến được với người đọc. Và cũng chính vì thế mà đọc Chân dung văn học của Vũ Từ Trang, người ta không chỉ thấy các nhân vật mà còn thấy cả người viết.

Nguồn Văn nghệ số 37/2019

PV

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nha-tho-vu-tu-trang-tu-tran-78044