Nhà thơ Vũ Trọng Thái: Phải đa dạng chủ đề

Thời gian qua, nhà thơ Vũ Trọng Thái khiến bạn thơ ngạc nhiên khi liên tiếp cho ra đời hai đứa con tinh thần – hai tập thơ '99 bài thơ tình' và 'Miền sóng'.

Sau đó, thơ anh lại được in ở ấn phẩm văn học tại các nước Hàn Quốc, Ấn Độ, Rumani. Năng lượng nào khiến anh có thể tạo sức bật lạ thường như vậy?

- Thời gian qua, anh có thơ liên tiếp đăng tại Ấn Độ, Hàn Quốc, Romania. Đó là những bài thơ như thế nào và anh có định hướng gì trong việc tiếp cận bạn đọc thế giới?

Việc có được một số bài thơ được đăng ở nước ngoài, trước hết đối với tôi là một niềm vui lớn. Tôi được biết cố nhà văn Xuân Đức khi tham dự Hội nghị các nhà văn châu Á tại Kazakhstan vào năm 2019, đã nói rằng có một điều rất thiệt thòi cho chúng ta khi các bạn quốc tế còn biết rất ít về văn học Việt Nam; do đó việc đưa các tác phẩm của các nhà văn trong nước đến với bạn đọc nước ngoài là một điều cần thiết.

Với tôi, khi các bài thơ của mình đến được với độc giả Hàn Quốc, Rumani, Ấn Độ..., thì không chỉ là một niềm vui lớn, mà còn là sự khích lệ hết sức có ý nghĩa trong công việc sáng tác của mình.

Những bài thơ đó cũng rất dung dị và mộc mạc, nói về tình cảm của người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế như bài viết về huấn luyện viên Park Hang Seo (Hàn Quốc); về tình bạn, tình yêu, hay về nhân tình thế thái, như chùm 5 bài đăng trên tạp chí NEUMA của Rumani; hoặc nói về đại dịch Covid-19 trong tuyển tập Pandemic Poetry 2020 xuất bản tại Ấn Độ.

Để có thể tiếp cận với bạn đọc ngoài nước, theo tôi với người viết cần phải đa dạng chủ đề và cách viết; thứ hai cần phải có sự chủ động tìm cơ hội và sự giao lưu rộng rãi để có thể tạo ra những con đường đưa tác phẩm của mình xuất ngoại.

Bìa tuyển tập thơ vêề đại dịch xuất bản tại Ấn Độ.

Bìa tuyển tập thơ vêề đại dịch xuất bản tại Ấn Độ.

- Làm thơ với anh ở tuổi lục tuần có khó khăn không? Cảm xúc đến với anh như thế nào?

Tôi nghĩ làm thơ không phục thuộc vào tuổi tác; mà cái chính người viết có cảm xúc thi hứng hay không mà thôi. Ngoài việc cần phải đọc, nghe, nhìn, để thu nạp thêm kiến thức, thì người viết cũng cần phải đi nhiều để có thêm thực tế sáng tác.

Mỗi một chuyến đi sẽ không chỉ cho ta biết thêm nhiều điều, mà còn giúp ta có những cảm xúc trước sự đa dạng của cuộc sống và cuộc đời mỗi con người mà ta luôn có thể bắt gặp trên mỗi cung đường.

Tôi có may mắn hoạt động trong phong trào Doanh nhân trẻ, nên có cơ hội đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người; và sau mỗi chuyến đi như vậy tôi thường có thêm tư liệu để viết; Và cảm xúc thì luôn có thể đến bất chợt, vì vậy ngay cả khi đi ngủ thì tôi cũng luôn để sẵn tập giấy nháp và bút ngay trên đầu giường, để có thể ghi chép những ý tưởng chợt đến với mình.

- Trong thời văn hóa đọc bị lấn át bởi mạng xã hội, vì sao anh vẫn chọn cách đăng thơ lên báo, in sách?

Theo tôi (và tôi nghĩ nhiều tác giả khác cũng vậy), đã là người viết thì cần và nên có tác phẩm của mình được sử dụng trên các mặt báo giấy, để có thể lan tỏa đến với bạn đọc được nhiều hơn. Chính vì vậy, tôi cũng chịu khó viết và gửi đến các báo và tạp chí ở Hải Phòng và nhiều địa phương khác.

Cho dù hiện nay văn hóa đọc đang bị mạng xã hội lấn át, thì tôi tin vẫn có không ít bạn đọc tìm đến sách báo in; bởi theo tôi khi đọc, người ta sẽ cảm nhận được sâu hơn, sự dung nạp thông tin được nhiều hơn, chắt lọc hơn, và người đọc có thể sẽ tìm thấy sự hữu ích khi đọc một bài thơ, một trang văn trên trang sách hoặc báo, hơn là nghe thoảng qua, đọc lướt rồi bay mất, chẳng đọng lại điều gì.

- Anh có kỳ vọng gì vào việc tiếp tục dấn bước với thơ và có định hướng riêng nào trong con đường đi cùng thơ của mình?

Tôi không dám kỳ vọng to lớn, mà chỉ giản dị làm thơ để gửi gắm những suy tư và cảm xúc qua từng con chữ, cùng với đam mê của mình. Thơ đối với tôi là đam mê sáng tác, là tình yêu để tôi gắn bó và theo đuổi. Như tôi đã viết:

“Tôi đến với thơ

Dẫu chỉ như mầm cỏ nhỏ nhoi

Vẫn nguyện suốt đời

Tìm thơ”

Còn định hướng riêng ư? Với tính cách của mình, tôi chỉ quen làm thơ theo lối viết mộc mạc, dung dị với những cảm xúc trước cuộc sống; tôi dị ứng với kiểu mượn cách tân, đổi mới để làm xiếc với con chữ, nghe lạ hoắc, khó hiểu cho người đọc.

- Năm 2021, anh có tập thơ sẽ xuất bản song ngữ Anh - Hungary tại Hungary. Anh có thể chia sẻ với bạn đọc cơ duyên này không?

Tôi cho rằng, trong cuộc sống thì mỗi người đều có một chữ Duyên của mình. Chữ Duyên ấy đậm hay nhạt còn do cách sống của mỗi người. Tôi biết tên tuổi nhà văn Kiều Bích Hậu từ khi chị được giải thưởng của cuộc thi Tác phẩm tuổi Xanh, nhưng quen thân thì chưa phải là lâu, nhưng chúng tôi có những điểm tương đồng nên trở thành bạn bè thân thiết như anh em một nhà.

Một lần tôi đọc truyện ngắn “Tấm bản đồ ma quái trên đồi Janos” của Kiều Bích Hậu trên báo Văn nghệ và có những cảm xúc trước các nhân vật trong truyện, để viết được hai bài thơ về tình bạn của những người trẻ tuổi Việt - Hung. Hai bài thơ này đã được dịch sang tiếng Anh và từ đây bắt đầu có sự kết nối với các bạn thơ Hung.

Trong một lần chia sẻ về tập thơ và chuyện xuất bản thơ ở nước ngoài, Kiều Bích Hậu đã khuyến khích và giúp tôi liên hệ với nhà xuất bản bên Hungary để năm 2021 này sẽ có tập thơ xuất bản bên đó. Đến bây giờ mọi thủ tục đã cơ bản xong, tập thơ đã được nằm trong kế hoạch xuất bản vào mùa hè năm nay.

Trong năm nay, tôi đã ba lần có thơ được xuất hiện ở nước ngoài, thì đúng là nhờ vào chữ Duyên. Ngoài việc nhờ có nhà văn Kiều Bích Hậu giúp kết nối với tạp chí NEUMA (Rumani) thì như tôi đã nói, tôi hoạt động trong phong trào Doanh nhân trẻ; ngoài ra còn các tổ chức khác như các Hội hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Hà Lan, hay Việt Nam - Hàn Quốc của thành phố Hải Phòng, đấy là những kênh để tôi có thể đưa thơ của mình ra ngước ngoài.

Nhà thơ Vũ Trọng Thái.

- Hãy kể với bạn đọc những điều anh tâm huyết về thơ, hoặc kỷ niệm đẹp, sâu sắc với thơ.

Từ đam mê đến tình yêu dành cho thơ, tôi luôn có suy nghĩ phải viết như thế nào để có được những bài thơ hay, được mọi người đón nhận. Tôi có may mắn có được những người bạn lớn thân thiết là các nhà thơ đàn anh và tôi luôn ý thức tận dụng cơ hội để học hỏi được nhiều điều ở họ.

Đồng thời, từ thực tế trước đây đã từng sinh hoạt tại một số CLB thơ ở Hải Phòng, tôi nhận thấy sẽ tốt hơn nếu có những nhóm hoặc CLB thơ thực sự chất lượng để có thể giúp nhau nâng cao được chất lượng viết; và tôi đã lập ra nhóm Ngũ Thi gồm năm nhà thơ cùng trong Hội Nhà văn Hải Phòng, và chúng tôi hoạt động khá chất lượng trong thời gian qua. Nhóm Ngũ Thi đã có những buổi giao lưu với các bạn thơ ở Hà Nội, Phú Thọ hay một số CLB thơ ở Hải Phòng...

Còn nói về kỷ niệm đẹp thì có lẽ là trong tháng 10/2020, tôi đã kết nối và tổ chức cho nhóm Ngũ Thi cùng một số anh em nhà văn, nhà thơ trong Hội có hai chuyến đi thực tế và giao lưu: Chuyến thứ nhất tại Vinh với anh em Hội VHNT Nghệ An nhân kỷ niệm 255 năm ngày sinh và tưởng niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du; chuyến thứ hai tại huyện An Lão (Hải Phòng) tham quan cơ sở chế biến rươi của Công ty TNHH Thịnh Phát. Cả hai chuyến đi đều thu được kết quả ngoài mong đợi với các bài viết khá chất lượng, được đăng trên cả hai tạp chí Cửa Biển và Sông Lam của hai Hội.

- Tập thơ “Miền sóng” và “99 bài thơ tình” đã mang lại cho anh những niềm vui nào?

Tập “Miền sóng” với chủ đề viết về đất và người Phố Biển là tập thơ mới nhất của tôi với 65 bài, được xuất bản vào năm 2020 nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Hải Phòng; còn tập “99 bài thơ tình” với cái tên “Gửi miền yêu thương” được xuất bản năm 2019.

Tập thơ này đúng là có nhiều niềm vui và chuyện vui đối với tôi. Thứ nhất nói là niềm vui là bởi tôi đã thực hiện được trọn vẹn ý định xuất bản một tập với 99 bài thơ tình của mình. Thứ hai là chuyện vui vì bởi có người bạn đùa tôi thế này: “Phải chăng anh có tới 99 người yêu?”.

“Gửi miền yêu thương” là 99 cung bậc tình cảm được tôi viết lên từ những câu chuyện của mình, của anh em, bạn bè, người thân. Đó là những câu chuyện tình mà ẩn sâu trong đó là tình yêu con người, tình yêu cuộc sống và tình yêu dành cho quê hương, đất nước, và đã được mọi người đón nhận nhiệt tình.

- Xin cảm ơn anh!

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/nha-tho-vu-trong-thai-phai-da-dang-chu-de-Cf0PbMwMR.html