Nhà thờ và tiếng chuông gợi cảm xúc thiêng liêng

Trải qua thời gian, và cả những thăng trầm lịch sử, những kiến trúc nhà thờ đã ra đời và tồn tại như một lẽ tự nhiên ở khắp mọi miền.

Nhà thờ

Thời học phổ thông, cứ tới dịp Noel là bạn bè chúng tôi rủ nhau đi chơi, tặng nhau những món quà nho nhỏ. Noel là một dịp để vui, để… bày tỏ tình cảm, dẫu rằng chẳng ai trong nhóm theo đạo. Chuyến đi thường lòng vòng quanh khu vực Hồ Gươm, ngắm nhìn phố phường trong không khí Giáng sinh, rồi thể nào cũng phải dừng lại trước Nhà thờ lớn Hà Nội. Phải tới được Nhà thờ, mới thực sự là đi chơi Noel.

Nhà thờ Lớn Hà Nội (Nhà thờ Chính tòa Tổng Giáo phận Hà Nội), một trong những công trình kiến trúc lâu đời với phong cách Gothique, được xây dựng năm 1884.

Nhà thờ Lớn Hà Nội (Nhà thờ Chính tòa Tổng Giáo phận Hà Nội), một trong những công trình kiến trúc lâu đời với phong cách Gothique, được xây dựng năm 1884.

Giáng Sinh, nhà thờ nơi đâu cũng rực rỡ trong ánh đèn, được trang hoàng lộng lẫy, và rất đông. Những Nhà thờ lớn, nhà thờ Chính tòa càng đông. Dẫu vậy, tôi vẫn cố len lỏi vào gần cửa để ngắm nhìn cái hang đá giả rất lớn - người ta dựng để tái hiện khung cảnh Chúa ra đời. Và rồi len chân vào trong thánh đường để ngắm những vòm mái cao vút, nghe tiếng thánh ca du dương…

Tôi không phải là người theo đạo Thiên Chúa hay một tôn giáo nào khác. Tôi nhìn, ngắm nhà thờ với con mắt của một người bình thường, với xúc cảm của một người bình thường. Nhưng rõ ràng - điều tôi cảm nhận là kiến trúc nhà thờ ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của người đứng trước, đứng trong nó – dù nhà thờ lớn hay nhỏ. Đó là cảm xúc về một không gian thiêng liêng, cảm nhận về một điều gì đó thật nhẹ nhàng, thanh thản; mơ hồ nhưng cũng rất thật!

Nhà thờ - một kiến trúc đi cùng một loại hình tôn giáo mới đã được các nhà truyền giáo du nhập vào nước ta từ thế kỷ 16. Thiên Chúa giáo đã sớm hòa nhập cùng các tôn giáo khác và phong tục của Việt Nam. Mặc dù cũng là kiến trúc tôn giáo, có chức năng thờ phụng nhưng kiến trúc Nhà thờ khác kiến trúc của Phật giáo (chùa, tháp) hay Nho giáo (văn miếu, văn từ, văn chỉ) một điểm cơ bản: Đó là không gian lớn mang tính cộng đồng - Thánh đường. Cũng với đặc thù này, nên kiến trúc nhà thờ luôn có hình thức vươn cao của vòm mái; cùng với tháp chuông.

Trải qua thời gian, và cả những thăng trầm lịch sử, những kiến trúc nhà thờ đã ra đời và tồn tại như một lẽ tự nhiên ở khắp mọi miền. Hiếm có loại hình kiến trúc công cộng nào mà lại có thể phù hợp với cả không gian đô thị và nông thôn như nhà thờ, và ảnh hưởng xã hội của nó cũng vậy. Kiến trúc Nhà thờ cũng thay đổi theo trào lưu kiến trúc của thế giới, theo sự tiến bộ của kỹ thuật xây dựng và thay đổi theo cả yếu tố địa phương như tập quán, khí hậu.

Nhà thờ Cửa Bắc, Hà Nội.

Nhà thờ là một thể loại kiến trúc được xây dựng nhiều nhưng lại rất đa dạng. Nhà thờ lớn Hà Nội (nhà thờ chính tòa) rất kinh điển với phong cách Gothique, Nhà thờ Cửa Bắc (Hà Nội) in đậm dấu ấn kiến trúc Đông Dương; Nhà thờ Đức Bà Thành phố Hồ Chí Minh (được phong Vương cung Thánh đường) có phong cách Roman cải biên pha lẫn Gothicque – được coi là một kiệt tác kiến trúc làm nên bộ mặt kiến trúc đô thị Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh; Nhà thờ Phủ Cam (Huế) là một tác phẩm kiến trúc hiện đại…

Nhà thờ không phải là một loại hình kiến trúc mang tính thời điểm lịch sử, bởi cho tới bây giờ, nhà thờ vẫn tiếp tục được xây dựng. Nhưng cũng đáng tiếc là trải qua thiên tai, chiến tranh, và những biến động của thời cuộc; nhiều kiến trúc nhà thờ chỉ còn là phế tích!

… Và tiếng chuông

“Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung…”

Nhạc sỹ Văn Cao đã phác họa cảnh làng quê như thế: Bóng tre xanh và tiếng chuông nhà thờ. Tiếng chuông nhà thờ đã trở nên quen thuộc với không gian làng quê từ khi nào?! Tiếng chuông gắn liền với nhà thờ, với xóm đạo, với không gian thanh khiết tôn nghiêm.

Tháp chuông là một phần quan trọng của kiến trúc nhà thờ, và tiếng chuông là yếu tố linh thiêng không thể tách rời. Tháp chuông là nơi đặt chuông, là nơi để tiếng chuông vang lên. Tháp chuông thường là nơi cao nhất của nhà thờ, cũng tượng trưng cho vị trí quan trọng của những quả chuông, và trên đỉnh tháp đặt cây thánh giá. Tháp chuông có thể là kiến trúc gắn liền với kiến trúc nhà thờ, hoặc có thể độc lập. Những kiến trúc kinh điển thường đối xứng, có tháp chuông ở giữa hoặc hai bên.

Nhưng cũng có những công trình độc đáo với tháp chuông “lệch” như nhà thờ Cửa Bắc, hay một ngôi nhà thờ nhỏ trên núi Ba Vì đã bị sập đổ mái, hoang phế mà vẫn được gọi là “Nhà thờ đổ”… Tháp chuông và những quả chuông là những kỳ công trong kiến trúc nhà thờ. Đó là đỉnh cao trong nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật và nghệ thuật đúc - luyện kim, điêu khắc. Tháp chuông càng cao thì tiếng chuông càng bay xa.

Nhà thờ Đức Bà (TP Hồ Chí Minh), với hai tháp chuông cao 60,5m (tính đến đỉnh cây thánh giá). Nhà thờ Đức Bà là Nhà thờ Chính tòa của Tổng giáo phận TP Hồ Chí Minh, xây dựng năm 1877.

Tháp chuông Nhà thờ Đức Bà (TP Hồ Chí Minh) được xây dựng hoàn thiện vào năm 1895, cao tới 60,5m (tới đỉnh thánh giá), là tháp chuông nhà thờ cao nhất ở Việt Nam. Ở hai tháp chuông đó có tới 6 quả chuông (6 âm: sol, la, si, đô, rê, mi) nặng tổng cộng 28,85 tấn. Chỉ vào đêm Giáng sinh, tất cả 6 quả chuông mới cùng vang lên, tiếng chuông ngân xa tới 10km. Trên thế giới có nhiều nhà thờ có những dàn chuông có đủ âm theo cao độ, hoàn toàn có thể diễn tấu được giai điệu các bản nhạc bằng tiếng chuông.

Tiếng chuông nhà thờ là âm thanh của sự yên lành, thanh bình, thánh thiện. Chuông nhà thờ thường đổ để báo giờ lễ cho giáo dân trong những ngày cầu nguyện, trong các dịp lễ quan trọng. Vào dịp Noel, tiếng chuông khắp mọi miền rộn rã vang lên…

“Jingle bell, jingle bell, jingle all the way…” giai điệu bài hát Giáng sinh đã rộn ràng trên đường phố. Lại một mùa Noel sắp tới, tiếng chuông nhà thờ lại ngân lên những tiếng vọng nguyện cầu cho một thế giới an lành./.

CTV Hà Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/blog/nha-tho-va-tieng-chuong-goi-cam-xuc-thieng-lieng-580405.vov