Nhà thờ Tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng được xếp hạng di tích quốc gia

Sáng 8-4, UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia nhà thờ Tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng xã Xuân Liên. Dự lễ đón nhận có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư, tỉnh Hà Tĩnh cùng đông đảo bà con nhân dân xã Xuân Liên.

Nhà thờ Tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng ở xã Xuân Liên, đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia.

Nhà thờ Tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng ở xã Xuân Liên, đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia.

Tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng còn gọi là Lượng, hiệu là Xuân Sơn tiên sinh. Ông sinh năm 1546, trong một gia đình có truyền thống nho học. Là cháu huyền tôn của Lưu quận công Nguyễn tướng công làm quan đại thần vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Sinh trưởng trên quê hương xứ Nghệ nổi tiếng đất học, trong dòng họ danh gia vọng tộc, cùng họ với Nguyễn Xí công thần khai quốc thời Lê Thái Tổ, Nguyễn Bật Lãng đã thừa kế truyền thống hiếu học của quê hương, thừa hưởng những nét tinh hoa nơi đất học.

Năm 1577 (Đinh Sửu) niên hiệu Gia Thái, đời Lê Thế Tông, nhà Lê tổ chức chế khoa thứ hai để chọn nhân tài, Nguyễn Bật Lãng đã 31 tuổi, ghi tên tham dự và thi đỗ chế khoa. Chế khoa năm Đinh Sửu (1577), triều đình nhà Lê lấy ba người đỗ đệ nhất giáp chế khoa xuất thân, trong đó Nguyễn Bật Lãng được xếp thứ hai, đệ nhất giáp đệ nhị danh sau Lê Trạc Tú. Chế khoa này được triều Lê đánh giá rất cao. Điều đó được ghi nhận tại bia tiến sĩ năm Đinh Sửu dựng ở Văn miếu Quốc Tử Giám, văn bia nêu rõ: “Khí vận quốc gia quan hệ đến nhân tài, hay dở cốt ở khoa mục. Nước có nhiều nhân tài ắt sẽ đi tới thái bình thịnh trị”.

Sau khi đậu tiến sĩ, Nguyễn Bật Lãng ra làm quan giúp triều Lê, ông nhận chức Chính sứ ty Chân Lộc đại phu Nam tước Thái thường Tự khanh, phụng sai Nhị xứ hùng nghĩa quân doanh. Trong cuộc đời mình, Nguyễn Bật Lãng đã cống hiến tài năng, trí tuệ, sức lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Lê Trung Hưng.

Tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng đã dành hết tài năng, sức lực phục vụ đất nước, phục vụ quê hương. Với đất nước, ông là người trung quân; với quê hương, nhân dân ông là người hết sức tận tụy; với dòng tộc, ông là người luôn mẫu mực chăm lo cho hậu thế. Công lao của ông đối với triều đình Lê trung hưng nói riêng và đối với đất nước nói chung còn được ghi nhận thêm qua nội dung các đạo sắc hiện được lưu giữ tại nơi thờ tự ông.

Di tích nhà thờ Tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng tại thôn Lâm Hải (xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân) là trung tâm của con cháu trong dòng tộc về tế lễ trong những dịp giỗ, lễ Tết thường niên để tưởng nhớ, tri ân bậc tiền nhân đã có công lớn gây dựng một dòng tộc có bề dày lịch sử và khoa bảng trong vùng. Trước đây, lễ tế được tổ chức khá long trọng, có sự tham gia của giới chức sắc làng, làng đứng ra lo việc tế lễ.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các hình thức hoạt động tín ngưỡng ở đây vẫn được duy trì. Sau năm 1954, do nhiều biến cố lịch sử tập tục tín ngưỡng ở đây bị mai một dần. Những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn các hoạt động văn hóa tín ngưỡng được phục hồi. Vào ngày đông chí hằng năm, người dân làng Cam Lâm và con cháu dòng tộc trong vùng đều về đây để tổ chức lễ tế Danh thần Nguyễn Bật Lãng tại đền thờ một cách long trọng.

Và vùng Cam Lâm còn có một tục lệ là đúng ngày lễ khai hạ hằng năm ở đền làng Cam Lâm, trước lúc làm lễ, các vị chủ tế đều phải tổ chức làm lễ tại nhà thờ Nguyễn Bật Lãng, rước linh vị về đền rồi mới được tiến hành tổ chức lễ tế. Tục lệ này hiện nay đang được bảo lưu đúng theo phong tục của nhân dân trong vùng.

Những năm gần đây, chính quyền địa phương và con cháu dòng họ đã phát huy có hiệu quả các giá trị truyền thống về văn hóa dòng tộc, các tổ chức hội như Hội khuyến học khuyến tài, Hội Dâu hiền - Rể thảo, CLB không sinh con thứ ba, CLB con Dâu, CLB Thể dục Thể thao... hoạt động rất hiệu quả. Hằng năm đều được UBND Nghi Xuân và UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng bằng khen và được chọn làm điểm điển hình về hoạt động văn hóa dòng họ của tỉnh Hà Tĩnh.

Với những giá trị văn hóa của di tích nhà thờ Nguyễn Bật Lãng (xã Xuân Liên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh), ngày 29-1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định công nhận nhà thời Nguyễn Bật Lãng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Tin, ảnh: NGÔ TUẤN, ĐÌNH PHƯỢNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/di-san/item/39781602-nha-tho-tien-si-nguyen-bat-lang-duoc-xep-hang-di-tich-quoc-gia.html