Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo - Cây đại thụ của thi ca Việt Nam

Hôm qua là một ngày buồn vô tận của gia quyến Nhà Thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nói riêng, công chúng yêu thơ và âm nhạc cả nước nói chung, khi nghe tin ông trút hơi thở cuối cùng vào lúc 19h 50 phút ngày 7/1/2019 tức mùng 2 tháng 12 năm Mậu Tuất tại bệnh viện Bạch Mai Hà Nội.

Tất cả đều bàng hoàng dù gia đình, người thân và bạn bè đã biết trước với căn bệnh nan y vô phương cứu chữa, bàng hoàng bởi không ai nghỉ rằng Nguyễn Trọng Tạo lại ra đi nhanh như vậy và cái suy nghĩ trong mỗi con người về ông, tình cảm yêu mến và vô cùng quý trọng một tài năng, một cốt cách lớn của Thi Ca Việt Nam lại có thể vội vàng vĩnh biệt chúng ta.

Sinh ngày 25 tháng 8 năm 1947 tại làng Trường Khê, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. 14 tuổi Nguyễn Trọng Tạo đã viết thơ, tự làm được nhạc cụ để chơi nhạc, sinh ra từ đồng lúa nương ngô, con Sông Bùng ôm ấp làng quê thơ mộng đã nuôi lớn một tâm hồn, một thiên bẩm văn chương.

Năm 1969 ông vào bộ đội, làm công tác thông tin tuyên truyền khu 4, những bài thơ từ nguồn xúc cảm của người lính, ông đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng bạn đọc là chiến sĩ và công chúng cả nước.

Năm 1976 ông được cử đi học khóa 1 trường viết văn Nguyễn Du. Vừa đi học nhưng Nguyễn Trọng Tạo vừa viết thơ, viết báo và sáng tác âm nhạc.

Năm 1978 bước ngoặt của cuộc đời về âm nhạc đó là Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc thành công ca khúc "Làng quan họ quê tôi" từ bài thơ của nhà thơ Phan Hách. Ca khúc ấy đã đi vào huyền thoại, mà NSND Thanh Hoa là người vinh dự hát đầu tiên và thành công nhất, tiếng hát của NSND Thanh Hoa đã đưa tác phẩm lên đỉnh cao nghệ thuật khi nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo mới ở tuổi 30.

Sau ca khúc Làng quan họ quê tôi, một kỷ niệm vui của ông và người bạn văn chương rất thân thiết là nhà thơ nhạc sĩ Thụy Kha đến thăm nhạc sĩ Văn Cao, khi nghe Thụy Kha giới thiệu.

- Đây là Nguyễn Trọng Tạo bác ạ

- Hóa ra đây là anh chàng người Nghệ nhận Quan Họ là quê phải không, 2 thi nhân trẻ ngồi xuống làm vài ly, cậu viết hay lắm, giỏi lắm Tạo ạ, đúng là tuổi trẻ tài cao.

Và từ đó ông trở thành người bạn văn chương thân thiết của Cây Đại thụ âm nhạc Văn Cao.

Bậc đàn anh của ông nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi hỏi về sự nghiệp văn chương ông trả lời rất hóm hỉnh:

- Thưa anh, Tạo làm thơ là để sống, Tạo viết nhạc là để chơi

Quả đúng như vậy, nhưng viết nhạc để chơi như Nguyễn Trọng Tạo cũng thật hiếm có, hơn 100 ca khúc của ông là một tài sản âm nhạc vô cùng quý giá của đất nước. Những tuyệt phẩm nổi tiếng như:

- Làng Quan Họ quê tôi

- Khúc hát sông quê

- Đôi mắt đò ngang

- Bản tình ca bên dòng sông...

Và nhiều ca khúc khác ông phổ nhạc cùng những ca khúc các nhạc sĩ phổ nhạc từ nhiều bài thơ của ông như:

- Cỏ và mưa (nhạc sĩ Giáng Son)

- Một dại khờ, một tôi (nhạc sĩ Phú Quang)

- Câu hát quê hương (nhạc sĩ Hồ Hữu Thới)...

Mà trên sân khấu cả nước mấy chục năm nay luôn vang lên, nhiều ca sĩ đã thành danh từ những ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.

Nhạc của Nguyễn Trọng Tạo là vậy, công chúng cả nước khi nghe và hát ca khúc của ông có người chỉ biết ông là nhạc sĩ chứ không biết ông là nhà thơ hàng đầu sau chiến tranh.

Năm 2007 những ngày cuối cùng cuộc đời của nhà thơ Phạm Tiến Duật, Nguyễn Trọng Tạo đến thăm cây viết Thơ số 1 về chiến tranh đang cấp cứu ở bệnh viện 108, nhà thơ Phạm Tiến Duật cầm tay Nguyễn Trọng Tạo nói:

- Tạo này, nhạc của em hay lắm, anh rất thích nhạc của Tạo nhưng... Tạo nhà Thơ lớn hơn Tạo nhạc sĩ.

- Vâng anh, thế hệ anh em mình là thế hệ cống hiến, anh giữ gìn sức khỏe, chiều nay em vào Sài Gòn, hẹn gặp anh

- Tạo đi mạnh khỏe, nhớ hôm nào ra anh khỏe ta uống rượu.

Nhưng đó là những lời hẹn không thành, những lời chào và cuộc gặp gỡ cuối cùng của 2 nhà thơ lớn của đất nước.

Nói về Thơ của Nguyễn Trọng Tạo, ai đã đọc thơ của ông không khỏi giật mình và thán phục bởi ngòi bút sắc bén, dũng cảm nhưng đầy tính nhân văn và uyển chuyển, cả cuộc đời ông viết không biết mệt mỏi, mỗi bài thơ là một đề tài phản ánh đầy màu sắc cuộc sống, từ cái nhỏ nhất, đời thường cho đến kinh thiên động địa.

Năm 1981 ông viết "Tản mạn thời tôi sống" để hàng triệu sinh viên lúc bấy giờ thi nhau đọc và chép vào sổ tay bởi từng câu từng chữ trong bài thơ phản ánh chân thực, triết lý sống thời chiến tranh, triết lý của một thời bao cấp khốn khổ nghèo nàn.

... "Anh yêu em anh phải đi ra trận

Vợ yêu chồng biết chờ đợi nuôi con

................

Lúa ngậm đòng lụt bão đến xô bồ

Nhà đang dựng thiếu xi măng, thiếu gạch

Bao đám cưới chưa có phòng hạnh phúc

Mây ngổn ngang lam lũ những dáng người

..............

Gạo thịt cửa hàng nhiều khi không đủ bán

Con phe sục khắp ga tàu bến cảng

Giá chợ đen ngoảnh mặt với đồng lương

.............

Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi

Câu trả lời thật không dễ dàng chi "....

..............

Ngòi bút của ông qua hàng trăm tác phẩm đầy trữ tình, lãng mạn đầy sức hút mọi tầng lớp, thơ như tính cách con người của ông vậy, ca từ sáng láng, bay bổng, phóng khoáng, mạnh mẽ mà nhân từ, gần gũi và đầy trách nhiệm với gia đình, quê hương đất nước.

Bài thơ "Cõi nhớ" ông viết năm 1981 rất nhiều người cũng như tôi rất tâm đắc câu thơ triết lý bất hủ mà chỉ có Nguyễn Trọng Tạo mới có thể nói thành thơ:

"Bạn bè ơi nếu mà không các bạn

Những lúc lang thang ta về đâu

Không nơi ĐỂ NHỚ nghèo biết mấy

Ta như sao lạc giữa ban ngày"...

Nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, một đời thơ nhạc, nhưng ông cũng là một Họa sĩ tài ba, ông đã vẽ hàng ngàn bìa sách cho bạn bè, một người Nghệ sĩ đa tài, đa tình, hài hước và dí dỏm, bởi vậy ông đi đến đâu cũng được đón tiếp nồng hậu bởi cái chất lãng tử pha lẫn tính hiên ngang bất cần của người Nghệ.

Ông có phong cách nói chuyện có duyên và lôi cuốn người nghe, những cuộc rượu với ông bao giờ cũng để lại trong trí nhớ và tình cảm bạn bè sâu đậm.

Ông đi nhiều, cả trong nước và nước ngoài nên cảm xúc của ông vào thơ luôn là đẳng cấp thời thượng, hơn 1.000 bài thơ ở nhiều thể loại đã đem về cho ông nhiều giải thưởng ở địa phương như quê hương Nghệ An, Huế, Vũng Tàu...

Năm 2012 ông đã được giải thưởng Nhà nước về Văn Học với Trường ca và thơ gồm:

- Đồng giao cho người lớn (tập thơ)

- Con đường của những vì Sao (trường ca Đồng Lộc).

Thật tự hào người con quê hương Xứ Nghệ, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo Nguyễn Trọng Tạo một cây bút hàng đầu của thi ca Việt Nam, một nhạc sĩ tài Hoa đã để lại cho công chúng cả nước những bài ca bất hủ, một nhà báo với ngòi bút dũng cảm, sắc bén trên mặt trận đấu tranh tiêu cực, bài thơ "NHÂN DÂN" ông viết năm 2010 là một minh chứng cho cốt cách Văn chương đầy khí phách của ông mà công chúng đọc ai cũng tâm đắc nuốt từng câu chữ, cốt cách ấy để thấy một Nguyễn Trọng Tạo hiếm có, một thi nhân lấy mực sông Bùng viết nên thi phẩm chói lọi ngàn năm.

Nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã vĩnh biệt chúng ta về cõi vĩnh hằng, nhưng Thơ của ông, âm nhạc của ông để lại là tài sản vô giá, thơ nhạc của ông là vũ khí đấu tranh, là ngọn gió mát lành, du dương lãng mạn, yêu kiều bay bổng và trong sáng như pha lê, như vầng trăng soi sáng.

Vĩnh biệt ông, nhà thơ, nhạc sĩ đa tài, cầu mong ông yên giấc ngàn thu, gia đình bè bạn và công chúng cả nước xót thương, luyến tiếc tiễn biệt ông về với Tổ tiên, mong linh hồn ông được siêu thoát, an nhiên.

8/1/2019

Nguyễn Trung Hợi

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nha-tho-nhac-si-nguyen-trong-tao-cay-dai-thu-cua-thi-ca-viet-nam-333820.html