Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến với những vần thơ về biển, đảo

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến có nhiều bài thơ hay với nhiều đề tài đa dạng, nhưng lĩnh vực nào cũng đầy cảm xúc mới lạ, độc đáo. Có thể nói, đề tài thành công nhất trong cuộc đời sáng tác thi ca của anh chính là đề tài biển, đảo và Tổ quốc.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đọc bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” trước khán giả. Ảnh: Hà An

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đọc bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” trước khán giả. Ảnh: Hà An

Nguyễn Việt Chiến yêu thơ và làm thơ từ rất sớm, có thơ in ở các báo Trung ương từ năm lớp 9 khi đang theo học tại trường Chu Văn An, năm 1969. Nhà thơ từng có 4 năm tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Anh nhập ngũ năm 1970 và xuất ngũ năm 1974, liền đó thi đỗ đại học ngành địa chất, nhưng anh lại có duyên với nghề báo nên năm 1991, anh về công tác tại Báo Văn nghệ và năm 1992, chuyển sang làm phóng viên ở Báo Thanh niên. Có thời gian, anh công tác tại Báo Đời sống và Pháp luật, Tạp chí Nghệ thuật mới của Hội Nhà văn Việt Nam...

Chiến tranh và số phận dân tộc không ngừng ám ảnh Nguyễn Việt Chiến suốt hơn 40 năm trở về từ mặt trận. Ngòi bút của anh với những vần thơ đầy lửa cháy như trong bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” và trước đó là bài thơ “Thời đất nước gian lao”, đã làm lay động hàng triệu trái tim người đọc. Có thể nói, đây là hai bài thơ hay nhất về đất nước của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Nội dung bài thơ cho thấy biển, đảo là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, luôn đau đáu trong mỗi nhịp đập trái tim người dân Việt. Bài thơ đã khơi dậy lòng yêu đất nước trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam:

“ Nếu Tổ quốc đang bão giông

từ biển

Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa

Ngàn năm trước con theo cha

xuống biển

Mẹ lên rừng thương nhớ mãi

Trường Sa

Đất Tổ quốc khi chập chờn

bóng giặc

Các con nằm thao thức phía

Trường Sơn

Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả

Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn...”.

(Tổ quốc nhìn từ biển)

Bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” đã được nhạc sĩ Quỳnh Hợp chắp cánh giai điệu, phổ nhạc và trở thành bài hát được đông đảo người nghe yêu thích. Bài hát đã gợi lên cho người nghe tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu biển cả và lòng tự hào dân tộc. Nó như thôi thúc, giục giã người dân nước Việt cùng hướng về biển đảo thiêng liêng: “... Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo/ Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn/ Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không?...”.

Sau đó, Nguyễn Việt Chiến đã cho ra đời tập trường ca “Tổ quốc nhìn từ biển” gồm 10 chương, trong đó có 4 chương viết về biển đảo, 6 chương viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới phía Bắc với hơn 1.000 câu thơ. Tác phẩm này đã được trao giải B Giải thưởng văn học nghệ thuật của Bộ Quốc phòng về đề tài “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” 5 năm (2009-2014).

Gần cuối năm 2015, anh lại tiếp tục cho ra mắt tập thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” với những bài thơ tâm huyết về biển, đảo của Tổ quốc, trong đó có những bài thơ ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc cả nước như: “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Tổ quốc là tiếng mẹ”, “Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra”, “Tổ quốc bên bờ biển cả”... Tập thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” đã đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều từng nhận xét, tập thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” góp phần bày tỏ ý chí và thái độ của giới văn nghệ sĩ trước các sự kiện liên quan đến vận mệnh đất nước. Tập thơ mang đậm tính thời sự và giá trị lịch sử. Nguyễn Việt Chiến cũng thể hiện sự tài tình trong việc xây dựng các hình ảnh, biểu tượng đặc trưng của nghệ thuật thi ca.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến quan niệm, thơ mới là đời sống đích thực của con người sáng tạo. Với những người viết chuyên nghiệp, họ đặt nghề nghiệp lên trên hết, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người ta cũng vẫn sáng tác. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã cho ra đời nhiều tập thơ có giá trị như: Mưa lúc không giờ (1992), Ngọn sóng thời gian (1998), Cỏ trên đất (2000), Những con ngựa đêm (2003), Trăng và thơ đọc chậm (2012), Tổ quốc nhìn từ biển (2015), Hoa hồng không vỡ (2015) và một tập lý luận-phê bình văn học Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân (2007).

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến sinh năm 1952, quê ở Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Tây (cũ), nay là Hà Nội. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội (2011-2015); Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội (2011-2015); Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội (2015-2020).

Nhờ lao động nghệ thuật nghiêm túc, anh đã nhận được nhiều giải thưởng văn học như: Giải Nhì Cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1989-1990; giải Nhì Cuộc thi thơ hay về biển năm 1992; giải Nhì Cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1998-1999; tặng thưởng thơ hay Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2000; giải thưởng thơ Hội Nhà văn Hà Nội năm 2004 cho tập thơ “Những con ngựa đêm”; tặng thưởng thơ Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004 cho tập thơ “Những con ngựa đêm”; giải Nhì Cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2008-2009; giải Ba Cuộc thi thơ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010; giải Nhì Cuộc thi thơ “Đây biển Việt Nam” năm 2012; giải thưởng văn học 5 năm 2010-2014 cho trường ca về biển của Bộ Quốc phòng; giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2016 với tập thơ “Tổ quốc nhìn từ biển”...

Hà An

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nha-tho-nguyen-viet-chien-voi-nhung-van-tho-ve-bien-dao/