Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo qua đời ở tuổi 72

Sau hơn hai tháng chiến đấu với bệnh ung thư phổi, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo qua đời lúc 19h50 ngày 7-1-2019 tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947 ở Nghệ An. Ông là nhà thơ, họa sĩ, nhà báo. Nguyễn Trọng Tạo từng là Trưởng ban biên tập báo Thơ thuộc báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2003 đến 2004. Ông cũng viết nhiều tập thơ, trường ca như Đồng dao cho người lớn, Nương thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc). Trên cương vị là nhà thơ đi trước, ông từng đỡ đầu cho nhiều cây bút trẻ trước đây như Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Vi Thùy Linh, Lê Thị Mỹ Ý…

Ông đoạt nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật như: Giải thưởng thơ Nghệ An 1969, Giải thưởng thơ hay báo Văn nghệ (do độc giả bình chọn) năm 1978, Giải thưởng thơ hay báo Nhân dân 1978, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô (1989-1994) cho tập truyện Miền quê thơ ấu...

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo được biết đến là một nghệ sĩ tài hoa trên nhiều lĩnh vực như thơ ca, hội họa, âm nhạc...

Không chỉ thành danh với thơ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo còn được biết đến là tác giả của nhiều nhạc phẩm đậm chất dân gian được nhiều người yêu mến như Làng quan họ quê tôi, Đôi mắt đò ngang, Tình ca bên một dòng sông, Non nước Cao Bằng, Mẹ tôi... Ngoài Giải thưởng đặc biệt của UBND tỉnh Hà Bắc năm 1981 cho ca khúc Làng Quan họ quê tôi, ông còn đạt 5 Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho các ca khúc: Mặt trời trong thành phố (1983), Đường về Thạch Nham (1984), Con dế buồn (1997), Đồng Lộc Thông ru (1998), Khúc hát sông quê (2005).

Đặc biệt, nhắc đến tên tuổi Nguyễn Trọng Tạo, công chúng còn nhớ đến ca khúc Khúc hát sông quê, được phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Lê Huy Mậu. Tên ca khúc sau này được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chọn làm đêm thơ, nhạc diễn ra vào tháng 9-2017 tại Hà Nội và tiếp đó là tại quê nhà Nghệ An vào tháng 8-2018.

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và nhạc sĩ Giáng Son trong đêm thơ, nhạc "Khúc hát sông quê" tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9-2017.

Theo chia sẻ của nhà thơ Lê Huy Mậu, việc bài thơ Khúc hát sông quê được phổ nhạc có ý nghĩa lớn rất lớn đối với ông. Bài hát có trước lúc Lê Huy Mậu vào Hội Nhà văn Việt Nam và đã tạo ra sức lan tỏa không nhỏ. Nhờ đó, nhà thơ không gặp nhiều khó khăn khi vào Hội Nhà văn Việt Nam vì nói đến Lê Huy Mậu, người ta mặc nhiên nhớ đến Khúc hát sông quê. “Có thể Khúc hát sông quê chưa phải là bài thơ hay nhất của tôi nhưng nhờ được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc, nên được mọi người chú ý đến mình, giúp mình có thêm động lực trong sáng tác. Tôi nghĩ rằng đó là nhờ sự gặp gỡ với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo rồi có Khúc hát sông quê là một bước rất quan trọng giúp sáng tác của tôi có điểm nhấn và có sự thay đổi”, nhà thơ Lê Huy Mậu chia sẻ.

Dù đã linh tính được chuyện chẳng lành, nhưng khi nghe tin nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo qua đời, nhà thơ Lê Huy Mậu không tránh khỏi cảm giác bàng hoàng. Tác giả bài thơ Khúc hát sông quê xúc động: “Trước hết, tôi cảm ơn số phận đã cho tôi được gặp nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, có cùng ca khúc được nhiều người yêu mến. Giữa tôi và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tuổi cũng sàn sàn nhau nhưng tôi vẫn luôn xem Nguyễn Trọng Tạo là một người anh, một người bạn rất thân thiết. Ngoài chuyện nhà thơ với nhạc sĩ ra, chúng tôi xem nhau như anh em. Trong một linh tính nào đó, tôi vẫn luôn cảm nhận được sự tin tưởng của Nguyễn Trọng Tạo dành cho mình từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Vậy nên, khi hay tin nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo qua đời, tôi có cảm giác như mất một điều gì quý giá với mình”.

Với nhà thơ Lê Huy Mậu, điều khiến ông quý trọng ở con người tài hoa Nguyễn Trọng Tạo chính là sự chân thành. Nhà thơ Lê Huy Mậu bộc bạch: “Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo sống chân thành và hết lòng với mọi người. Ngoài cái thông minh sắc sảo của nhà văn, Nguyễn Trọng Tạo sống hồn nhiên và chân thành. Chính phẩm chất đó giúp ông được nhiều người quý trọng”.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nha-tho-nguyen-trong-tao-qua-doi-o-tuoi-72-569631.html