Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: 'Anh nhắm mắt một thiên đường mây trắng'

kể từ giờ phút gia đình báo tin nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo rời cõi tạm ở tuổi 72, các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên mạng xã hội, đã có hàng ngàn bài viết về anh từ những người bạn. Những dòng chữ tiếc thương anh, những bài thơ của anh được viết lại với tất cả sự trân quý và nể phục, những ký ức vọng về đầy dư âm... Để thấy anh đã sống một cuộc đời quá đủ đầy và dấu yêu trong lòng bạn hữu...

Ký ức đầy dấu yêu

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có tiền sử bệnh tai biến. Hồi cuối năm 2017 đầu năm 2018, ông đã phải nhập viện vì tai biến nặng khi đang trên đường về thăm quê nhà ở xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Sau khi được điều trị kịp thời, nhà thơ đã qua cơn nguy kịch, tuy nhiên bị liệt nửa người.

Tháng 4-2018, ông phát hiện thêm bệnh ung thư phổi. Từ sau tết dương lịch, nhà thơ bị hôn mê sâu, phải nhờ máy móc hỗ trợ ở Bệnh viện Bạch Mai. Và đến 19h50 ngày 7-1-2019, gia đình nhà thơ thông báo ông đã qua đời, hưởng thọ 72 tuổi.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là một người sống chân tình và trọn lòng cùng thi ca, cùng bạn hữu. Anh đa tài và ở lĩnh vực nào cũng có những tuyệt phẩm từ thơ, nhạc, họa... Anh là người ấm áp, khéo chiều bạn hữu nên ai đến với anh, chuyện trò cùng anh, cũng như trải lòng được nhiều câu chuyện.

Nhà thơ Tuyết Nga, một người đã có tình bạn 45 năm với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, đã chia sẻ: "Cảm ơn anh 45 năm qua đã dành cho em một tình anh em vẹn nguyên, cao quý. Sự trân trọng, quan tâm, ân cần và độ lượng của một người anh trai từ anh đã động viên và khích lệ em rất nhiều trong nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống. Những thấu hiểu và chia sẻ gan ruột về nghề, về đời từ anh suốt bao năm đã góp phần giúp em trưởng thành như ngày hôm nay.

Em ngồi nhớ, anh đã buồn ra sao ngày anh phải chia tay mẹ cháu Cẩm Ly. Anh đã vui thế nào vào một ngày 4-5 năm sau đó khi gặp mẹ của 2 cháu Trọng Thi và Bảo Chi. Cả cái ngày anh muốn tìm cái chết khi xảy ra chuyện buồn với bạn. Em nhớ cuộc điện thoại anh gọi khi mẹ anh qua đời, nhớ cuộc điện thoại cháu Cẩm Ly gọi khi anh tai biến, đột quỵ và cả tin nhắn của cháu Bảo Chi trong buổi sáng anh phải vào phòng cấp cứu mở nội khí quản...

Em may mắn được làm một người bạn, người em gần gũi của anh, một người cô của các cháu và tự hào vì suốt 45 năm với không ít khó khăn, thử thách, cả 2 anh em mình vẫn giữ gìn được trọn vẹn tình nghĩa anh em trong sáng, tốt đẹp của mình. Cảm ơn anh thật nhiều!".

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà cũng kể lại: Nhớ hồi nhà chị ở Thái Hà, cái phố chật ních cửa hàng bán đồ điện tử, laptop, smartphone,... Ngày nào cái cửa hàng đối diện bên kia đường cũng bật cái đĩa có bài hát “Úp mặt vào sông quê” - thôi chả cần nhớ cái bài ấy tên mĩ miều là gì, cứ gọi là bài “Úp mặt vào sông quê”. Nhà có hai người, đành cằn nhằn với chồng: Ôi ngày nào cũng úp mặt vào sông quê. Cái lão Tạo này tra tấn mình đến kinh. Gặp nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ở đâu, chị cũng cằn nhằn chuyện ấy, anh cười cười bảo: "Chắc chúng nó thích nghe dòng truyền thống".

Hồi học Viết văn Nguyễn Du khóa 4, anh Nguyễn Thụy Kha vào chơi phòng anh Tạ Duy Anh, Xuân Hà cũng ghé vào. Nhà chị Hà ở Hà Nội nên không có suất phòng nội trú. Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đang ngồi đàn, liền buông cây guitar xuống, hỏi: "Bé nào mà nom khá quá". Sau này gặp nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, anh hồ hởi kể, anh Kha vì chưa biết tưởng Xuân Hà là cô bé sinh viên nào. Hồi ấy cánh văn chương toàn dùng cụm từ “Tạo Kha” như cặp đôi không mấy khi tách rời, nổi tiếng chăm sóc cho các tác giả mới chập chững vào nghề".

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo gắn bó với nhiều miền quê gắn bó, sinh ra ở xứ Nghệ, trưởng thành trên đất Thủ đô hoa lệ nhưng cuộc đời anh lại gắn bó nhiều với cố đô Huế. Nhưng đối với anh, xứ Nghệ luôn là một miền quê thương yêu mà anh dành nhiều tứ thơ và dành nhiều tình cảm nhất. Tôi có nhiều dịp được ngồi cùng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ Hoàng Trần Cương, hai nhà thơ xứ Nghệ mà tôi trân quý. Trong những cuộc nhậu, mỗi lần nhắc đến quê hương xứ nghệ là các anh có thể đọc lên những câu thơ như từ gan ruột mình và có lúc những dòng nước mắt ứa ra vì thương quê mẹ nghèo khó. Mảnh đất xứ Nghệ đã hun đúc nên hồn thơ Nguyễn Trọng Tạo.

Có lần anh chia sẻ cùng tôi: Anh làm bài thơ đầu tiên năm 14 tuổi, một bài thơ lục bát sau khi đọc cuốn sách của Trần Thanh Mại viết về thi sĩ Hàn Mặc Tử. Bài thơ này ảnh hưởng thơ Hàn Mặc Tử. Thân phụ của nhà thơ là người đầu tiên đọc nó và bảo “con làm thơ được đấy nhưng làm thơ thì khổ lắm”. Mấy năm sau, Nguyễn Trọng Tạo lại làm thơ và gửi lên tỉnh cho nhà thơ Trần Hữu Thung mấy bài. Nhà thơ Trần Hữu Thung và nhà thơ Quang Huy thấy được, đưa vào một cuộc thi và trao giải thưởng cho anh.

Nhà thơ Nguyễn Trọng tạo cùng hai con gái.

Khi vào bộ đội, anh lại gửi thơ về tỉnh, nhà thơ Trần Hữu Thung và Quang Huy in luôn vào Tuyển tập thơ Nghệ An. Từ đó, Nguyễn Trọng Tạo có mối quan hệ rất thân thiết với cả hai bậc đàn anh này. Ngoài ra, nhà thơ Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Vũ Cao cũng là những người có ảnh hưởng tới nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo...

Nhà thơ Vũ Cao khi làm Chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ quân đội đã gửi cho Nguyễn Trọng Tạo một lá thư dài đến 4 trang giấy pơ-luya khuyến khích anh làm thơ. Nhà thơ Xuân Diệu đưa thơ anh in vào tạp chí Tác phẩm mới và báo Văn nghệ. Nhà thơ Chế Lan Viên viết thư nhận xét những bài thơ Nguyễn Trọng Tạo khi mới vào bộ đội và sau này viết mấy lời ủng hộ bản thảo “Trường ca Đồng Lộc” cho nhà xuất bản in...

Khát vọng về một bầu trời

Đối với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, quê nhà vất vả và lam lũ nhưng cũng đầy thơ mộng đã nuôi cho cậu bé nhà quê khát vọng đi ra cùng thế giới. Anh bảo, nếu mất đi khát vọng tuổi thơ ấy thì anh cũng chẳng có thơ như đã có. Đó là nguyên cớ cho anh viết được bài thơ "Cỏ may trên sân thượng", một bài thơ mà anh rất tâm đắc.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo kể lại: "Tôi sinh ra từ nông thôn và xê dịch qua nhiều nơi, cuối cùng sống trong một căn hộ tầng 6 ngôi nhà tập thể cũ kỹ giữa lòng Hà Nội. Trên sân thượng ngôi nhà, cỏ dại mọc nhiều vì có đất vương vãi. Một buổi sáng tôi lên sân thượng hít thở khí trời, khi về lại căn phòng thì thấy ống quần găm đầy cỏ may. Đó là một điều kỳ diệu làm tôi ngỡ ngàng, tưởng như làng quê vẫn theo mình về chốn thị thành.

Và tứ thơ “Cỏ may trên sân thượng” xuất hiện trong đầu tôi, rồi hiện nhanh ra những câu thơ “Cỏ may khâu áo làng quê/ Cớ chi gió thổi bay về trời cao/ Ta lên sân thượng, chạm vào/ Cỏ may! Ta cúi xuống chào cỏ may!...”. Rồi tôi viết một mạch xong luôn bài thơ.

Bài thơ được in ra, rồi có người thuộc. Một lần tôi đến thăm bạn ở trụ sở công ty, anh Kim Quang Minh đề nghị tôi đọc bài thơ đó cho mọi người nghe. Nghe xong, Minh lại đề nghị tôi chép cho anh làm kỷ niệm. Trong khi tìm giấy bút, Minh nhìn lên tấm bản đồ Hà Nội đóng khung lớn treo trên tường và mắt anh sáng lên như vừa nảy ra ý tưởng độc đáo. Anh hạ tấm bản đồ xuống và lấy cây bút dạ màu đen, bảo tôi viết bài thơ lên tấm bản đồ.

Tôi viết những con chữ to, đậm. Bài thơ hiện lên trên nền bản đồ Hà Nội và tấm bản đồ như một minh họa bất ngờ cho nội dung bài thơ. Khi công ty chuyển đi nơi khác, Minh đã mang bài thơ ấy về treo ở nhà và bảo quản cẩn thận, như một thứ gia bảo".

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cùng gia đình con gái lớn.

Là một người rong chơi và phiêu lãng với thơ ca, nhạc họa, nhưng đối với các con, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vẫn luôn là một người đầy chu toàn. Trên trang cá nhân của mình, con gái út nhà thơ Nguyễn Vũ Bảo Chi đã viết: "Nhớ lúc nhỏ, mẹ đón con từ trường mẫu giáo về rồi nói ngày ni Bống có bạn đợi ở nhà, con đoán mãi không biết là ai. Ra là ba về. Nhớ lúc nhỏ, hè lại được ba đón ra Hà Nội chơi một tháng. Nên con thích Hà Nội vì có ba và chị Ly.

Nhớ lúc nhỏ mỗi lần con ra Hà Nội đều có ít nhất một lần tai nạn gì đó, có lần hai ba con ngồi xe ôm từ ga tàu, vừa ra xe taxi đã quẹt vào chân con. Ba nhảy xuống vừa xoa dầu, miệng vừa mắng chú xe ôm là không nhìn đường để mình bị quẹt xe. Con biết ba lo.

Nhớ có lúc đi ăn tất niên với ba ở cơ quan chú Ngoạn, người ta có bày thịt chó ra và bảo con ăn, ba bảo là cho nó ăn cái khác, thịt chó Bống không ăn. Con biết ba quan tâm. Có hôm dỗi ba, ra ghế salon nằm ngủ không muốn đắp chăn, nửa đêm ba ra đắp cho con. Con biết ba thương. Trong đời này con biết trước sau gì cũng phải có những lúc như hôm nay, chỉ là không đủ thời gian cho con chuẩn bị tinh thần. Mà cũng không bao giờ đủ. Chỉ là, ba có đọc được những dòng này không ba? "Ngày ba ngủ giấc dài/ Mưa phùn không ướt vai/ Ba có biết con gái/ Muốn thấy ba mãi hoài?...”.

Người ta nói rằng, nhà thơ luôn có những dự cảm về cuộc đời và số phận mình, nên, trong rất nhiều áng thơ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết nhiều về cõi mộng, về một chân trời khác. Trong bài "Không đề năm mới" năm 2009, anh đã viết: "Cởi trời xanh cởi đất nâu/ Bốn mùa gửi lại bên cầu gió bay/ Rồi ra nhặt tháng nhặt ngày/ Nhặt buồn vui nhặt đắm say hững hờ/ Nhặt cười nhặt khóc làm thơ/ Nhặt mây làm áo lụa tơ cưới trời/ Thời gian tiếng nhạc không lời/ Đầu năm là sóng cuối đời là mưa...".

Có thể nói, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ra đi, là một mất mát lớn đối với văn chương, thơ nhạc, song, đối với anh, tôi tin rằng, anh bình an và siêu thoát ở cõi thiên thai cùng những người bạn tri âm tri kỷ của đời anh đã chờ ở nơi chân trời ấy. Và tôi tin rằng, trong cõi mộng ảo ấy, anh là người hạnh phúc, bởi hơn bao giờ hết, anh đã sống hết mình và chân tình những ngày đã sống.

Và trong lòng những người ở lại, anh là một người được nhớ mãi trong ký ức. Vì biết rằng, trong cõi mộng, anh được sống với cõi người, cõi thơ mà anh hằng viết: "Anh thấy mình bay là trên cỏ ướt/ trên cánh trần tay em/ đêm dồn đêm/ ngày cũng là đêm/ anh nhắm mắt một thiên đường mây trắng...".

Trần Hoàng Thiên Kim

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nha-tho-nguyen-trong-tao-anh-nham-mat-mot-thien-duong-may-trang-528432/