Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: 'Vợ ba' xứng đáng được ứng xử một cách văn minh và cởi mở

Từng được vinh danh ở một số liên hoan phim quốc tế nhưng 'Vợ ba' lại ngừng chiếu chỉ sau vài ngày ra rạp ở Việt Nam. Sự mâu thuẫn này được nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho rằng không quá khó hiểu và chẳng bất ngờ khi 'Vợ ba' vừa ra trận đã phải thoái lui.

– Đạo diễn Nguyễn Phương Anh đã chọn một phương pháp tiếp cận mới khi đưa “Vợ ba” đến các liên hoan phim quốc tế trước rồi công chiếu tại Việt Nam sau. Dù phim đạt nhiều giải thưởng nhưng lại bị không ít khán giả quê nhà phản đối gay gắt. Anh nghĩ là do đâu?

– Nói cho đúng thì gu thưởng thức của phần đông khán giả Việt vẫn là các phim thuộc dòng phim giải trí. Với một phim nặng tính nghệ thuật như “Vợ Ba” thì việc tiếp cận khó khăn với công chúng nước nhà là vấn đề hoàn toàn lường trước được. Tôi tin là ekip sản xuất làm bộ phim này ra với mục tiêu quan trọng nhất là đi dự các liên hoan phim và bán bản quyền trình chiếu ở các nước. Còn việc bộ phim ra mắt chính thức tại Việt Nam giống như “món nợ” cần phải trả. Chứ ekip chắc chắn không kỳ vọng nhiều về doanh thu hay tiếng vang như các thị trường quốc tế mà họ đã mang bộ phim đến.

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt cũng là một cây viết bình luận phim

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt cũng là một cây viết bình luận phim

Thị trường điện ảnh Việt Nam thực tế vẫn đang trong quá trình phát triển, chúng ta vẫn còn phải đi một chặng đường rất dài về nhận thức cũng như là sự cởi mở với các sản phẩm giải trí nói chung và phim ảnh nói riêng. Chưa kể, văn hóa Á Đông còn rất nhiều giới hạn về cách nhìn nhận, tâm lý đám đông còn rất nhiều những khúc mắc bị bện chặt… Nên dù muốn dù không thì một sản phẩm được cho là hấp dẫn ở thị trường quốc tế nhưng bị dè bỉu ở Việt Nam là chuyện cũng rất bình thường.

– Hơi buồn khi vẻ như khán giả Việt luôn ngược chiều với thế giới!

– Với các sản phẩm mang tính phổ quát ai xem cũng hiểu cũng dễ tiếp nhận thì chẳng vấn đề gì. Nhưng với những sản phẩm nặng tính nghệ thuật, tôi tin là khán giả cần trang bị cho mình một vốn kiến thức, một chiều sâu nội tâm nhất định để hiểu trọn vẹn những thông điệp mà bộ phim muốn truyền tải. Tương tự ai cũng có một đôi tai để nghe nhạc nhưng không phải ai cũng hiểu và đồng cảm hoặc thấy được sự tuyệt vời của nhạc giao hưởng nếu như không hiểu biết về nó.

– Việc để diễn viên 13 tuổi đóng những cảnh phim mang tính gợi dục, nếu đứng ở góc nhìn là phụ huynh thì việc này có nằm trong sự chấp nhận của anh hay không?

– Nói một cách chân thành, nếu tôi có con gái ở tuổi ấy tôi sẽ không cho phép tham gia bộ phim. Nhưng đó là quan điểm của tôi, còn với phụ huynh khác thì tôi không chắc – trong trường hợp này là những người thân của bé Trà My – diễn viên chính trong phim. Với tôi một vai diễn như Mây trong “Vợ Ba” là một vai cực kỳ hiếm của điện ảnh Việt, nếu không muốn nói là rất khó có cơ hội lần hai. Đam mê lắm lúc là một cú hích làm thay đổi tất cả.

“Nói một cách chân thành, nếu tôi có con gái ở tuổi ấy tôi sẽ không cho phép tham gia bộ phim”

Trong nghệ thuật, đôi khi có những quyết định làm nghề đứng ở giữa lằn ranh đúng và sai, mà chúng ta là người ngoài hầu như rất khó để phán xét. Việc dùng cảm xúc hay tư duy chủ quan áp đặt trong vấn đề này tôi thấy hoàn toàn không nên. Nếu như chúng ta có hẳn những điều luật trong điện ảnh quy định như thế này, như thế kia với một diễn viên 13 tuổi, tôi sẽ hoàn toàn đồng ý vì cứ chiếu theo luật mà làm. Nhưng nếu chưa có những điều đó, bản thân chúng ta phải ứng xử một cách cởi mở và văn minh nhất có thể thay vì dùng những lời lẽ cực đoan, khiếm nhã với một sản phẩm như là bộ phim “Vợ Ba”.

“Sau khi xem phim ‘Vợ ba’, cảm giác của tôi, nói thật, không có một chút dung tục hay ám ảnh nào với những cảnh tình dục. Chỉ đơn giản là trong lòng ngập tràn một nỗi buồn với vẻ đẹp của những nhân vật, câu chuyện vừa đi qua màn ảnh” – nhà thơ Nguyễn Phong Việt chia sẻ.

– “Vợ ba” được đầu tư khủng với con số 28 tỷ và khá chỉn chu trong việc xây dựng cốt chuyện, hình ảnh. Anh nghĩ thế nào khi phim bị dừng chiếu để kiểm tra lại quy trình cấp phép, liệu đây có phải là một bước lùi của nghệ thuật?

– Theo thông tin mà tôi biết được thì chính bên ekip sản xuất đã chủ động đề xuất xin ngừng chiếu bộ phim vì lo lắng cho tâm lý của các diễn viên trước áp lực nặng nề của dư luận. Một giải pháp mà tôi nghĩ hợp lý trong thời điểm mà mạng xã hội cùng các kênh truyền thông mới xuất hiện trên Internet có thể tạo nên những sự nghiệt ngã đến tận cùng. Như tôi đã nói ở trên, việc “Vợ Ba” bị phê phán hay đến lúc này là bị dừng chiếu không phải là việc quá bất ngờ. Và nó cũng không hề là một bước lùi gì đó quá ghê gớm để chúng ta phải e ngại. Có những thứ ngày hôm nay chúng ta chưa thể tiếp nhận một cách trọn vẹn thì 10 năm sau có thể việc tiếp nhận ấy sẽ trở nên bình thường, không còn bất cứ tranh cãi nào nữa cả. Với trường hợp của “Vợ Ba”, tôi nghĩ phải cần thời gian để đi đến sự trọn vẹn đó.

Có những thứ ngày hôm nay chúng ta chưa thể tiếp nhận một cách trọn vẹn thì 10 năm sau có thể việc tiếp nhận ấy sẽ trở nên bình thường, không còn bất cứ tranh cãi nào nữa cả. Với trường hợp của “Vợ Ba”, tôi nghĩ phải cần thời gian để đi đến sự trọn vẹn đó.

– Trước đây cũng có một triển lãm về cơ thể người từng được trưng bày ở rất nhiều nước trên thế giới, được giới chuyên môn đánh giá là khá hữu ích nhưng lại gây xôn xao dư luận ở Việt Nam dẫn đến việc buộc phải đóng cửa. Trường hợp của “Vợ ba” theo anh là có quá khắt khe, chiều theo đám đông hơn là công nhận giá trị của một tác phẩm?

– Ở Việt Nam rất hay xảy ra những tình huống kiểu như nếu chúng ta cảm giác không an toàn, dư luận lên tiếng quá mạnh… thì việc đầu tiên là cấm hoặc dừng hoạt động ấy lại. Đó là một phản ứng hoàn toàn có thể hiểu nếu chúng ta chưa đủ những lập luận chặt chẽ hoặc quy định pháp luật cần thiết để bảo vệ sự việc hay sản phẩm ấy.

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt chia sẻ rằng, tính biểu tượng và ẩn dụ ngập tràn trong các khuôn hình của “Vợ Ba” đòi hòi khán giả phải cố gắng tập trung vào tầng nghĩa bên dưới của những hình ảnh ấy, nhìn sâu hơn qua lớp bề mặt của những điều mà mắt chúng ta nhìn thấy.

Với bộ phim như “Vợ Ba” nếu như việc dừng chiếu mang lại những lợi ích xác đáng về văn hóa và cả con người với những bằng chứng cụ thể thì tôi ủng hộ. Còn ngoài ra tôi nghĩ là hơi khắt khe. Vì hoàn toàn có thể có phương án cắt bớt những cảnh phim – mà chúng ta cho rằng ảnh hưởng đến khán giả hay thậm chí cổ xúy cho những điều gì đó – để sau đó phim có thể tiếp tục trình chiếu…

– Cám ơn những chia sẻ của anh!

Thực hiện: Mỹ Khánh

Nguồn Đẹp: https://dep.com.vn/nha-tho-nguyen-phong-viet-vo-ba-xung-dang-duoc-ung-xu-mot-cach-van-minh-va-coi-mo/