Nhà thơ Nguyễn Phan Hách - Cây bút đa tài với tâm hồn lãng mạn

Nhà văn - nhà thơ Nguyễn Phan Hách sinh ngày 13/1/1944 tại làng Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây vùng đất nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, đất đai màu mỡ, thiên nhiên tươi đẹp và là cái nôi của nền văn minh Đại Việt. Sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống, lớn lên trong một gia đình nho học, và dạy chữ Quốc ngữ, tất cả những điều đó đã tạo nên một tâm hồn Nguyễn Phan Hách yêu cái đẹp, nhạy cảm, dễ rung động trước những biến thiên của thời đại cho đến những chuyển động rất nhỏ của cuộc sống xung quanh. QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC

Niềm đam mê văn chương, thơ ca có lẽ đến với Nguyễn Phan Hách từ rất sớm. Khi mới chỉ là một cậu học sinh lớp 5 trường làng, ông đã có sáng tác đầu tay với truyện ngắn Khỏi ốm đăng trên báo Văn nghệ. Khi làm cán bộ ở Ty Văn hóa Hà Bắc, tài năng của Nguyễn Phan Hách tiếp tục được bộc lộ với truyện ngắn Sân tranh. Bài thơ Làng quan họ của Nguyễn Phan Hách là dấu mốc quan trọng đưa tên tuổi của ông đến gần hơn với bạn đọc. Bài thơ về sau được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc và trở thành một bản nhạc bất hủ trong lòng những người con của quê hương Kinh bắc và những người yêu văn nghệ.

Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, Nguyễn Phan Hách đã cống hiến những tác phẩm có giá trị ở nhiều thể loại khác nhau. Với thể loại thơ ca tính đến nay Nguyễn Phan Hách đã sáng tác được 4 tập thơ: Người quen của em (1981); Hoa sữa (2000); Vô tình (2007); Những ngôi sao tuổi thơ (2011). Trong đó, bài thơ Người quen của em Nhìn sao đã nhận giải thưởng của báo Văn nghệ lần lượt trong các năm 1969, 2014. Ở mảng truyện ngắn và truyện vừa ông cũng có các sáng tác tiêu biểu như tập truyện: Vườn hoa cổng ô (1974); Tổ chim sẻ (1978); Sau những cách xa (1984); Khớp ngựa ô (1987); Tình đùa (1996); Cây vĩ cầm cảm lạnh (2000); Đại bàng Kim điêu (2012), Thị xã và anh lính (2015). Bên cạnh thể loại thơ và truyện ngắn, Nguyễn Phan Hách còn thử sức mình trên “mặt trận” tiểu thuyết và kịp ghi dấu ấn với độc giả bằng 4 tác phẩm: Mây tan (1983); Mê cung tình ái (1990); Người đàn bà buồn (1994); Cuồng phong (2008). Trong suốt cuộc đời gắn bó với nghiệp cầm bút, Nguyễn Phan Hách luôn miệt mài sáng tạo nghệ thuật, thử sức ở nhiều thể loại khác nhau và luôn trăn trở về văn chương nghệ thuật cùng các vấn đề về cuộc sống. Suy tư về đời và người vừa là chất liệu cũng là nguồn cảm hứng cho rất nhiều những sáng tác của ông.

Trong thời đại văn hóa nghe nhìn chiếm thế thượng phong như ngày nay, địa vị văn chương không còn được như xưa. Nguyễn Phan Hách đã từng nặng lòng chia sẻ và đặt ra những câu hỏi: Rút cuộc thì giá trị văn chương lớn nhất của văn chương là gì? Đó luôn là những đắn đo trong suy nghĩ của nhà văn - nhà thơ Nguyễn Phan Hách. Khao khát phản ánh hiện thực, những biến thiên của thế kỉ XX đã qua chính là niềm thôi thúc khiến Nguyễn Phan Hách không ngừng tìm tòi, sáng tạo cho đứa con tinh thần của mình. Chính vì vậy dù khi tuổi đời không còn trẻ nhà văn Nguyễn Phan Hách vẫn lăn lộn trên mảng địa hạt tiểu thuyết mà với ông đó là niềm đam mê cũng như khát khao lớn trong cuộc đời cầm bút nhất định ông phải thực hiện được. Tiểu thuyết Cuồng phong ra đời là câu trả lời xác đáng cho khát vọng “ôm trọn” lịch sử mà Nguyễn Phan Hách muốn thể hiện. Được đông đảo bạn đọc đón nhận tác phẩm, Nguyễn Phan Hách cũng thú thực mà chia sẻ rằng “Tôi không có khả năng làm những cuốn sách mang tầng tầng lớp lớp những triết lý theo kiểu hậu hiện đại. Tôi chỉ có tư duy truyền thống thôi. Cuồng phong của tôi có thể hay có thể không nhưng tôi tin là khi gạt đi những cái dốt của anh viết văn, người đọc vẫn thấy cuốn sách thực sự có ích vì có thể tìm thấy câu chuyện của cả một thế kỉ đầy biến động, mà có thể dữ dội nhất trong lịch sử Việt Nam - Thế kỉ XX”. Sự chân thành, niềm đam mê nhiệt huyết với văn chương là điều dễ nhận thấy ở nhà văn Nguyễn Phan Hách. Chính vì vậy, thành công của Nguyễn Phan Hách không chỉ nằm ở những giá trị hiện thực, thông điệp của mỗi tác phẩm ông gửi ngắm mà còn bởi Nguyễn Phan Hách luôn thành thực trong việc phản ánh tâm hồn của mỗi con người. Bởi quan niệm của ông văn chương phải hướng tới con người và những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Không chỉ thành công trong lĩnh vực văn chương, Nguyễn Phan Hách còn có một niềm đam mê mãnh liệt với nghiệp xuất bản. Đó cũng là ngành nghề mà ông gắn bó suốt cả cuộc đời bên cạnh văn học - nghệ thuật. Nặng lòng với công việc biên tập miệt mài trên từng con chữ. Những năm tháng gắn bó với công việc, với ông nếu không có một sự nhẫn nại, kiên cường, bản lĩnh, mọi sự đều thông tuệ thì khó có thể thực hiện được. Khi còn làm Trưởng ban Biên tập tại NXB Hội Nhà văn, Nguyễn Phan Hách chính là người đỡ đầu cho rất nhiều những tác phẩm nổi tiếng, trong đó phải kể đến Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh - một tác phẩm danh giá với nhiều giải thưởng quốc tế và được dịch ra nhiều ngôn ngữ. Trong quá trình làm biên tập và đặc biệt làm quản lý xuất bản, ông luôn có những phát hiện kịp thời, nhạy bén để thấy được những cuốn sách có giá trị văn hóa gửi gắm đến bạn đọc, đồng thời cẩn thận với những cuốn sách đi ngược lại thuần phong mỹ tục, có xu hướng tiêu cực, chống đối để lèo lái con thuyền xuất bản có thể vững vàng trước sóng gió ở thời buổi cơ chế thị trường đầy khó khăn. Vì vậy sau khi nghỉ hưu, năm 2008 ông tiếp tục công tác tại NXB Dân Trí cho đến năm 2018.

Nhà văn - Nhà thơ Nguyễn Phan Hách luôn đổi mới mình theo từng chặng đường cuộc sống. Khi đã lui về hậu trường sau mọi bộn bề công việc, khi với ông “nguồn” văn thơ đã cạn như ông nói thì Nguyễn Phan Hách lại chuyển sang sáng tác nhạc, thu âm ca khúc và gửi tặng cho bạn bè. Những ca khúc của người “nhạc sĩ tay ngang” này không hề nghiệp dư mà nó được ông đầu tư bài bản, và công phu. Có thể kể đến một số ca khúc nổi bật của ông như: “Chút tình thơ dại”, “Hoa phù dung”, “Mùa thu”, “Tình khúc mùa xuân”…Ông chia sẻ đó là niềm đam mê từ nhỏ của ông mà có lẽ giờ mới thực hiện được và âu đó cũng còn là thú vui khi đã về già.

Nguyễn Phan Hách quả là một con người đa tài. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông nghiêm túc, cần mẫn và sáng tạo trên nhiều lĩnh vực của văn học, nghệ thuật. Sự thành công mà ông có được ngày hôm nay đều trải qua cả một quá trình dài trải nghiệm và thử thách. Khối lượng tác phẩm mà ông đã sáng tác có thể coi là một tài nguyên quý giá với văn học đương đại. Trách nhiệm, niềm tin với nghiệp xuất bản trong nhiều năm cống hiến cũng là điều đáng được trân trọng. Nguyễn Phan Hách với tâm hồn lãng mạn, bay bổng nhưng đôi khi cũng đầy thực tế trong văn chương hoàn toàn phù hợp với nét tính cách hào sảng, vui vẻ, đầy dí dỏm và ẩn trong đó là chiều sâu đầy suy ngẫm của ông ở ngoài đời. Có lẽ mỗi lần nhắc đến ông người ta sẽ chẳng bao giờ quên được cái cảm giác bùi ngùi, say đắm và đầy mơ mộng như những câu thơ trong bài thơ “Hoa sữa”.

Chỉ một mùa thu tròn vẹn nhớ thương

Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ

Hương của mối tình đầu nhắc nhở

Có hai người xưa đã yêu nhau

Thuở còn thiếu thời, Nguyễn Phan Hách theo học trường làng, trường Huyện. Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm, năm 1962 ông về dạy học ở huyện miền núi Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Năm 1967, ông chuyển về làm việc tại ty văn hóa Bắc Hà với nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian. Năm 1973, Nguyễn Phan Hách làm biên tập thơ cho tuần báo Văn nghệ. Năm 1978, ông làm cán bộ biên tập văn xuôi cho Tạp chí Tác phẩm mới (của Hội Nhà văn Việt Nam). Từ năm 1996-2008, ông giữ chức vụ Phó Giám đốc rồi Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Sau khi về hưu, Nguyễn Phan Hách tiếp tục công tác và giữ chức vụ Tổng Biên tập Nhà xuất bản Dân Trí cho đến năm 2018.

CÁC TÁC PHẨM CHÍNH

Thơ ca có 4 tập thơ: Người quen của em (1981); Hoa sữa (2000); Vô tình (2007); Những ngôi sao tuổi thơ (2011).

Các truyện ngắn và truyện vừa: Vườn hoa cổng ô (1974); Tổ chim sẻ (1978); Sau những cách xa (1984); Khớp ngựa ô (1987); Tình đùa (1996); Cây vĩ cầm cảm lạnh (2000); Đại bàng Kim điêu (2012), Thị xã và anh lính (2015).

Tiểu thuyết bao gồm: Mây tan (1983); Mê cung tình ái (1990); Người đàn bà buồn (1994); Cuồng phong (2008).

Nguyễn Thị Thủy

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nha-tho-nguyen-phan-hach--cay-but-da-tai-voi-tam-hon-lang-man-68771