Nhà thơ Hoàng Minh Châu: Người cầm bút qua hai cuộc kháng chiến

Hơn 50 năm cầm bút, thao tác trên nhiều lĩnh vực văn chương như làm thơ, viết truyện kí, trường ca, truyện phim, truyện danh nhân, cả giai thoại và dịch thuật… cuộc đời sáng tác Hoàng Minh Châu trải dài theo hai cuộc kháng chiến.

(GD&TĐ) - Hơn 50 năm cầm bút, thao tác trên nhiều lĩnh vực văn chương như làm thơ, viết truyện kí, trường ca, truyện phim, truyện danh nhân, cả giai thoại và dịch thuật… cuộc đời sáng tác Hoàng Minh Châu trải dài theo hai cuộc kháng chiến. Không ồn ào sôi nổi mà nhẹ nhàng sâu lắng, trái tim chân thành của nhà thơ bao giờ cũng gắn bó với quần chúng, với kháng chiến, gần với lối nói dân gian, chi tiết sống động, đậm chất hiện thực.

Làm thơ và theo kháng chiến

Sinh ra trong một gia đình bố là ông đồ Nho, nhờ chèo chống trên sông, vay vốn ngược xuôi mua bán mà trở thành doanh nhân có tiền cho con theo học trường Tây của thành phố. Nhưng mẹ của ông lại thuộc dòng cách mạng, có anh và em ruột bị Pháp bắt đi đày vì đánh trống dẫn đoàn biểu tình năm 1930 - 1931 ở Hưng Nguyên. Ngay từ nhỏ, ông đã ngốn ngấu bao nhiêu sách vở ở tủ sách gia đình, và nhập tâm văn thơ Việt - Pháp - Hán. Rồi những ngày về quê trên bãi sông làng, hoặc nằm đò dọc ngắm trăng suông, gợi cho ông bao ý thơ tuổi học trò.

Học hết bậc trung học, tình cờ được tận mắt xem tờ báo Cờ giải phóng (bí mật) và cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp bằng tiếng Pháp, ông bắt đầu nhận ra đất nước đang bị đô hộ, Vinh cũng như bao làng quê còn bao người đói khổ hơn mình. Cho tới tháng 3/1945, chứng kiến từng đoàn ăn mày lếch thếch kéo vào nằm ngồi la liệt từng góc phố thì biết không còn bụng dạ nào để ngồi ôn thi đíp lôm (diplomat) được nữa. Theo vài bạn bỏ trường, ông rời gác trọ về quê đi "truyền bá quốc ngữ", "treo ống cứu cờ" quyên gạo giúp người nghèo, rồi gia nhập Việt Minh làng, tham gia cướp chính quyền huyện, tỉnh.

Nhà thơ Hoàng Minh Châu. Ảnh: Lê Đăng

Cuộc kháng chiến bùng nổ, kì thi đíp lôm bãi bỏ, theo chủ chương "tiêu khổ tản cư", ông tham gia đục tường phá thành phố Vinh, gia nhập đoàn tuyên truyền lưu động kháng chiến. Về làng, ông tự nguyện cùng gia đình phá ngôi nhà hai tầng của bố, viết lên tường nhà khẩu hiệu địch vận bằng tiếng Pháp, rồi mang ba lô lên đường. Thiếu 3 tháng tuổi quân nhưng được làm anh lính cụ Hồ là nỗi mừng lớn. Cuộc sống trong lòng dân và đơn vị đã thay đổi cảm xúc trong thơ ông. Thơ tuổi học trò, thơ Pháp, thơ Đường, nay dành chỗ cho "thơ lính và dân". Bài Mẹ Thuận mới đọc trong thôn đã vào lòng dân nhiều vùng ở khu tư, chứng tỏ khả năng của ông để năm 1949 được chọn đi học lớp văn nghệ kháng chiến, được giải thưởng thơ nhạc và kết nạp vào đảng, cùng thời làm Hội viên hội văn nghệ Việt Nam.

Trưởng thành trong kháng chiến

Bắt đầu những ngày ba lô với bao gạo trên vai với chức danh phóng viên văn nghệ, bươn chải theo các đoàn dân quân hỏa tuyến, thanh niên xung phong, đại đội sư đoàn, qua các chiến dịch Hà Nam Ninh, Thượng Lào, Trung Lào... cho ông có tập thơ đầu tay Biến đổi và Thơ đường (1960), truyện kí đầy chất thơ Đằng sau phía trước (1971).

Hòa bình lập lại, ra Hà Nội dự Đại hội thành lập Hội Nhà văn, làm biên tập báo Văn nghệ, Văn, Văn học cùng với những đợt thi viết dài tại vùng mỏ, công trường sông Đà, ngư trường Thanh Thủy... Kế tiếp lên trận địa pháo Sơn La, về quê Vinh rực lửa (1965)... Cho đến năm trực ở Hà Nội dưới bom đạn B52 rồi vào Sài Gòn giải phóng thống nhất đất nước, tất cả đã cho thơ ông bừng khí thế trong loạt tác phẩm: Người trong trận, Trường ca Vinh, Trường ca sông Đà, Đá Ăng co nước Biển Hồ... Thời kì đất nước khó khăn, thế giới biến động, nhận thức và tiếng lòng Hoàng Minh Châu hiện lên khá rõ trong Xôn xao (1983), ông xác định cái Mơ và tỉnh (1986) để nhận ra nhiều mặt Ở đời (1991)... để khăng khít với đời như Thơ và em (1980) vậy.

16 bản tình ca mà các nhạc sĩ đã phổ từ thơ ông để dấu ấn truyền thống và hiện đại của nhạc và thơ.

Việc tích lũy vốn sống và học hỏi không ngừng còn giúp nhà thơ mở rộng tầm nhìn. Nhờ vốn ngoại ngữ dồi dào, ông đã được cử đi nước ngoài giao lưu văn hóa với nhiều bạn bè quốc tế. Nhà thơ từng viết về Bà mẹ Nga, Xôn xao rừng trúc, kí sự: Bước ngoặt nước Nga, Gặp gỡ ở Pháp, và tập thơ Trung Hoa du ký... hấp dẫn được nhiều bạn đọc quan tâm.

Làm cách mạng phải là con người góc cạnh

Ông quan niệm, chân dung nhà văn từng trải nào cũng thường hiện lên qua ba mặt: Quan niệm về đời, quan niệm về nghề và phong cách lối sống. Đời và khát vọng đổi đời (cách mạng) Hoàng Minh Châu là "nhu cầu, sức sống" của từng cá nhân trong đó có nhà văn.

Theo ông, đã làm cách mạng hay theo cách mạng không thể làm con người tròn trĩnh mà phải là con người góc cạnh, chịu nhiều rủi ro cũng là để vượt qua thử thách mà nhận ra đời còn phải tranh đấu lâu dài. Chính vì vậy mà lúc thiếu thời có lúc bị ngờ oan, ông vẫn chịu thiệt thòi để có ngày nay.

Nhà thơ Hoàng Minh Châu, tên khai sinh là Nguyễn Thanh Trì, sinh năm 1930 tại làng Xuân Hòa, tổng Phù Long - nay là xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Tác giả các tập thơ: Mở đường (1962), Hoa mười giờ (1966), Anh có về thăm (1966), Người trong trận (1971), Mai này năm ấy (1977), Xôn xao (1983), Thơ và em (1990), Mơ hay tỉnh (1991), ở đời (1997), Thơ Trung Hoa du ký (1998), Tuyển tập thơ văn (2001)... Ông còn là tác giả nhiều tập văn xuôi, phê bình tiểu luận.

Ngày nay cách mạng đổi mới, người đọc đã hiểu thời ông biên tập Báo văn, cho in Lời mẹ dặn của Phùng Quán, hoặc Nhà xuất bản cho in tập thơ Cửa mở của Việt Phương cũng là bước trưởng thành của nhận thức thơ, như ông đã từng nhận ra câu thơ một thời: Gieo trong bóng mát/mọc lên trong tôi/ những vần ẽo uột... Ngày nay, ông càng nhận ra "Thơ của mọi người mà nhân vật duy nhất trong thơ là người viết. Thơ để in, để đọc, để bình nhưng không bao giờ để vinh danh hoặc rao bán..."; "Thơ bao giờ cũng cần một điều hay. Nhưng thế nào là hay vẫn tùy người viết và cả người đọc". Theo ông, ba chữ T (thơ trữ tình) không phải là kí hiệu của Tiền, Tài, Tình nhỏ hẹp, với ông đó là ba câu hỏi:

Tâm hồn anh ở đâu trong cuộc sống?

Tầm nhìn anh mở ra bao hướng?

Tấm lòng anh gửi gắm cho ai? (Thơ khối vấn đề - 2010)

Với một nhà thơ Khi cày xong trang giấy/Chỉ mơ chữ nên mùa như Hoàng Minh Châu đến nay 82 tuổi đời, 62 năm tuổi nghề cũng là tuổi đảng, ông đã gặt hái được 12 tập thơ, 12 tập văn xuôi, 3 tập tiểu luận, đã có tuyển tập thơ văn ngàn trang. Ít ai biết rằng, tuổi cao mà ông vẫn vạch chương trình cho mình: đi, đọc, nghe, nhìn và ghi chép để trình làng tác phẩm mới.

Trịnh Huyền

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2776/201305/Nha-tho-Hoang-Minh-Chau-Nguoi-cam-but-qua-hai-cuoc-khang-chien-1968795/