Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ được phục dựng như thế nào?

Khi những đám tro tàn còn chưa hết hơi ấm sau vụ cháy kinh hoàng ở Nhà thờ Đức Bà Paris, công việc phục dựng công trình cổ kính này đã bắt đầu. Bởi từ nhiều thế kỷ qua, Nhà thờ Đức Bà Paris đã đóng vai trò như một biểu tượng mang giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo của nước Pháp, châu Âu và được cả thế giới biết tới.

Giới chuyên gia đánh giá công việc phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ phải mất nhiều năm, cũng có thể là hơn một thập kỷ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết rằng, người Pháp sẽ “cùng nhau tái thiết” công trình luôn là niềm tự hào của nước Pháp này. Hưởng ứng lời kêu gọi chung tay xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris của ông, chỉ trong 24 giờ sau khi ngọn lửa bùng lên ở đây, các nỗ lực quyên góp đã mang lại 670 triệu USD. Sự đóng góp hào phóng ban đầu cho thấy vấn đề tài chính-luôn là phần khó khăn nhất trong bất kỳ dự án khôi phục lớn nào-có thể không còn đáng lo ngại mà giờ đây, vấn đề được quan tâm lớn nhất là quá trình phục dựng sẽ được tiến hành như thế nào đối với một công trình đã trải qua nhiều thế kỷ như Nhà thờ Đức Bà Paris.

 Nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ cháy kinh hoàng. Ảnh: Getty Images.

Nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ cháy kinh hoàng. Ảnh: Getty Images.

Sau vụ hỏa hoạn, giới chức Pháp cho biết, phần kiến trúc chính và hai tháp chuông có thể cứu được và bảo tồn, nhưng các phần còn lại của nhà thờ vẫn có nguy cơ sụp đổ ngay tại chỗ. Theo nhà lịch sử kiến trúc, ông Jonathan Foyle, trước khi phân biệt giữa phần có thể cứu được với phần không thể phục hồi, cần phải bắt tay ngay vào ngăn chặn việc có thêm tổn hại, ít nhất có thể là một mái che tạm. Ông cho biết hiện công trình đã bị ẩm ướt bởi nước phun dập lửa nên cần phải có các tấm phủ bên trên.

Đây sẽ không phải là nhiệm vụ đơn giản. Người đứng đầu nhóm công ty phục chế các di tích lịch sử Pháp, ông Frederic Letoffe nói: “Có nhiều việc phải làm, vì ngoài việc che chắn và gia cố, cần phải xây dựng một giàn giáo với một chiếc ô che có thể phủ toàn bộ phần mái đã bị đổ sập sau vụ cháy, nhằm bảo vệ những gì còn lại của công trình trước thời tiết”.

Kiến trúc sư John Burton, nhà giám định việc bảo tồn công trình nhà thờ Canterbury và tu viện Westminster ở Anh theo phong cách kiến trúc Gothic cho biết, các nhà phục chế sẽ ưu tiên lắp đặt một mái nhà tạm thời bên trên nhà thờ. Công việc này sẽ giúp các chuyên gia kiểm tra kỹ lưỡng hiện trường để xác định mức độ an toàn của cấu trúc nhà thờ. Theo ông, các cấu trúc theo trường phái Gothic đều dựa trên sự cân bằng. Nhà thờ Đức Bà Paris đứng vững là nhờ các thành phần được nén lại với nhau. Các trụ chống trước đây từng chống đỡ cho toàn bộ công trình, giờ đây có thể đã mất cân bằng. Sau khi bảo vệ những phần còn lại của công trình, các nhóm phục chế sẽ bắt đầu đánh giá mức độ thiệt hại. Riêng quá trình này có thể mất vài năm.

Đối với giới chức Pháp, trước khi có thể đưa ra quyết định về việc sẽ phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris như thế nào, cần phải hiểu rõ hơn công trình từ thời Trung cổ này được xây dựng ra sao. Nhưng điều đáng tiếc là công trình Nhà thờ Đức Bà Paris gần như không có hồ sơ xây dựng. Chỉ biết rằng công trình này bắt đầu được khởi công vào năm 1163 và cơ bản được hoàn thiện vào khoảng năm 1240, nhưng không có sổ sách ghi chép việc xây dựng. Các bằng chứng về quá trình phát triển của tòa nhà thể hiện ở kết cấu vật lý, nên sẽ cần một đội ngũ các nhà khảo cổ học để có thể nắm rõ hơn phần nào cần sửa chữa.

Giới phân tích cho rằng, mục tiêu của công việc khôi phục các di tích không phải lúc nào cũng là tái tạo quá khứ. Thị hiếu và công nghệ hiện đại có thể ảnh hưởng đến việc các cấu trúc bị hư hỏng được mô phỏng lại như thế nào. Chẳng hạn, việc phục chế con tàu Cutty Sark của Anh có từ thế kỷ 19 chi phí khoảng 65 triệu USD sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng. Người ta đã thêm vào con tàu cổ cấu trúc bằng kính hiện đại với các phòng ở tiện nghi. Giờ đây, con tàu là một điểm du lịch hút khách ở thủ đô London của Anh.

Nhiều người có thể muốn trung thành với những cấu trúc ban đầu của nhà thờ. Nhưng cũng có thể Pháp sẽ có hướng đi táo bạo mới với một trong những di tích quốc gia mang tính biểu tượng bậc nhất của đất nước. Bởi cách phục hồi nguyên trạng như trước không phải là con đường duy nhất, theo giới chuyên gia nhận định. Thực tế là trong quá khứ, Nhà thờ Đức Bà Paris cũng đã từng bị hỏa hoạn và công trình này đã được xây dựng lại theo nhiều phong cách khác nhau trong thời gian qua.

MAI NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nha-tho-duc-ba-paris-se-duoc-phuc-dung-nhu-the-nao-572203