Nhà thơ của phố núi Kon Tum

Kon Tum - vùng đất Tây Nguyên bao la, hùng vĩ không phải là nơi sinh ra nhà thơ Tạ Văn Sỹ nhưng đã níu kéo ông định cư nơi này, để rồi những văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số đã thôi thúc ông khám phá tìm hiểu. Vì vậy, nói đến Kon Tum, người ta nhắc ngay đến 'nhà thơ xe ôm' nổi tiếng kiêm 'nhà địa phương học' - Tạ Văn Sỹ.

 Nhà thơ Tạ Văn Sỹ. Ảnh: Hồng Hà

Nhà thơ Tạ Văn Sỹ. Ảnh: Hồng Hà

Tạ Văn Sỹ yêu thơ, làm thơ từ năm 13 tuổi. Đến năm 15 tuổi, Tạ Văn Sỹ đã có thơ được in trên các báo và tạp chí ở Sài Gòn. Cuộc đời Tạ Văn Sỹ, “tai nạn” do thơ mang lại không ít, nhưng niềm đam mê thi ca thì cứ thế thấm đẫm trong con người ông.

Rời quê hương Tây Sơn, Bình Định từ năm 1965 lên “định cư” tại Kon Tum, ông là người từng vác cuốc đi vỡ đất hoang làm rẫy sinh sống, rồi kể từ đó, ông đã chính thức trở thành “người con” của mảnh đất Tây Nguyên.

Kon Tum - phố núi tuy không rộn ràng nhưng ấm áp, bởi những con đường chen núi đá, đá chen rừng. Thiên nhiên ban tặng cho Kon Tum một vẻ hoang sơ mà vương vấn lạ, đặc biệt, dòng sông Đăk Bla như dải lụa mềm uốn lượn, vắt ngang qua thành phố.

Ngay từ năm 1992, nhà thơ Tạ Văn Sỹ đã sáng tác bài thơ “Một chút Kon Tum” như tấm lòng tri ân với mảnh đất quê hương thứ hai của mình. Lời thơ sâu lắng, thiết tha, thay tiếng lòng của người Kon Tum nhắn với khách phương xa về thăm phố núi. Bài thơ được nhạc sĩ Võ Ngọc Minh phổ nhạc phổ biến rộng rãi, ngay sau khi Kon Tum vừa chia tách khỏi tỉnh chung Gia Lai - Kon Tum.

“Bởi lần đầu anh đến thăm em

Em đưa anh thăm phố yên lành

Kon Tum nhỏ bởi lòng thung nhỏ

Chầm chậm thôi, vội bước chi nhanh

Anh thấy không, phố bốn bề xanh

Rừng vây quanh, núi cũng vây quanh

Đất vẫn xuôi mà sông chảy ngược

Trời rộng thênh, mây trắng yên lành...”

(Một chút Kon Tum).

Tạ Văn Sỹ là một nhà thơ đặc biệt, người ta thường gọi ông là “nhà thơ xe ôm phố núi”. Ông là hội viên duy nhất của Hội Nhà văn Việt Nam không bằng cấp. Trên con đường mưu sinh bởi chiếc xe máy cà tàng, ông luôn mang trong mình tình yêu đối với quê hương, xứ sở, yêu người, yêu đời tha thiết để rồi bật lên những vần thơ thấm đẫm tình người:

“Vâng, thì tôi - kẻ đa tình

Dở - hay, thôi, cũng trời sinh vậy mà

Làm sao trong cõi người ta

Mà không yêu đến thiết tha hết mình

Mẹ cha cho cái xác hình

Trời thương cho cái tính tình thế thôi

Tôi si mê hết mọi người

Và yêu thương cả cuộc đời đáng yêu...”

(Đa tình).

Hay:

“Sống tràn qua những tuổi

Ngày tháng tuột sau lưng

Mắt quen nhìn thấy núi

Nên hồn xanh như rừng”

(Ở Kon Tum).

Tạ Văn Sỹ đã dành cho Kon Tum - quê hương thứ hai của mình một tình cảm đặc biệt. Có quãng thời gian dài, ông đã cất công sưu tập, tuyển chọn và biên soạn Tuyển tập Kon Tum - Thơ với 123 tác giả, 123 bài thơ tiêu biểu về Kon Tum. Cuốn sách được đông đảo bạn đọc đánh giá như là một cuốn lịch sử Kon Tum bằng thơ.

Tuy không bằng cấp, nhưng nhà thơ Tạ Văn Sỹ lại là người có vốn hiểu biết sâu rộng, đặc biệt là vốn hiểu biết về văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Kon Tum, đến nỗi người ta còn gọi ông là “nhà địa phương học”. Nếu đến Kon Tum mà muốn tìm hiểu về vùng đất này, bạn cứ tìm gặp “nhà thơ xe ôm” Tạ Văn Sỹ.

Ngoài sáng tác thơ, ông còn hăm hở viết báo, viết ký, phần nhiều trong đó là những bài viết về các vấn đề văn hóa - xã hội Kon Tum. Ông cũng đã cho ra mắt tập ký với nhan đề Tạp ký Kon Tum trên 280 trang, tập hợp những bài viết có liên quan đến những vấn đề văn hóa - xã hội của vùng đất Kon Tum đã được giới thiệu trên các báo và tạp chí cả nước.

Tạ Văn Sỹ tuy nghèo nhưng rất khí khái. Ông hay rong ruổi khắp nơi bằng chiếc xe máy cà tàng của mình để lấy tài liệu bài viết. Ông yêu thơ và thơ cũng đã đáp đền tấm chân tình của ông bằng bạn bè văn chương ở mọi miền đất nước. Đối với thơ, ông quan niệm: “Cuộc đời mỗi con người như một cuộc dạo chơi trong vườn hoa đầy hương và sắc. Muốn làm một nhà thơ, nhà văn, trước hết hãy là một con người có văn hóa, hãy trở thành nhà văn hóa. Văn hóa ở đây mang nghĩa rộng chứ không bó hẹp trong sách vở. Cái cần nhất vẫn là cái cốt cách một con người có văn hóa mới là người nhân văn...”.

Nhà thơ Tạ Văn Sỹ, sinh năm 1955, tại Tây Sơn - Bình Định. Năm 1965, ông lên định cư tại Kon Tum cho đến nay. Ông là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Kon Tum; Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam. Đến nay, nhà thơ Tạ Văn Sỹ đã xuất bản các tập thơ: Mặt đất (tập thơ, 1997), Cõi người (tập thơ, 2003), Trời xa (tập thơ, 2006), Tùy khúc (tập thơ, 2010), Thơ Kon Tum 100 năm (hợp tuyển, 2012), Kon Tum tạp ký (tạp văn, 2012), Ở núi (tập thơ, 2013). Ông đã được giải C cuộc thi thơ Tứ tuyệt của tập san Áo trắng - Nhà xuất bản Trẻ 1991, giải B về thơ của UBND tỉnh Kon Tum 2001, giải C cuộc thi thơ Lục bát của tuần Báo Văn nghệ trẻ 2002, giải A của UBND tỉnh Kon Tum năm 2013...

Nguyễn Thị Hồng Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nha-tho-cua-pho-nui-kon-tum/