Nhà thiết kế Việt sợ không kịp may đồ trả khách dịp Tết

Nhà thiết kế Đỗ Long, Adrian Anh Tuấn cho biết những ngày gần Tết, họ chịu nhiều áp lực về thời gian và khối lượng công việc.

Dịp cận Tết, nhiều người dành thời gian tìm kiếm trang phục mới để mặc vào ngày đầu năm. Không ít bạn trẻ có thói quen mua sắm sản phẩm của các nhãn hàng quốc tế. Số khác lại thích diện thiết kế được may đo riêng từ nhà mốt trong nước.

Điều này trở thành lý do khiến các nhà thiết kế Việt luôn gặp áp lực và bận rộn vào những ngày cuối năm. Chia sẻ với Zing, nhà thiết kế Đỗ Long cho biết thời gian này, tất cả nhân viên của anh thường xuyên phải tăng ca để kịp tiến độ công việc.

Bộ sưu tập của nhà thiết kế Lê Thanh Hòa và Đỗ Long cho dịp Tết. Ảnh: FB Đỗ Long, FB Lê Thanh Hòa.

Bộ sưu tập của nhà thiết kế Lê Thanh Hòa và Đỗ Long cho dịp Tết. Ảnh: FB Đỗ Long, FB Lê Thanh Hòa.

"Chỉ có 10 ngày để chuẩn bị bộ sưu tập Tết"

Mỗi nhà mốt đều có kế hoạch riêng cho dịp cuối năm. Áp lực của từng người cũng khác nhau phụ thuộc vào tiến độ công việc.

Nhà thiết kế Đỗ Long cho biết khi vừa kết thúc show diễn tại Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam cuối năm 2020, anh phải nhanh chóng bắt đầu chuẩn bị bộ sưu tập Tết. Thời gian gấp rút nên số lượng công việc nhiều hơn so với bình thường.

Điều khó khăn nhất của nhà thiết kế chính là câu chuyện thời gian. Anh phải tăng tốc để kịp tiến độ. Bộ sưu tập chụp nữ ca sĩ Lệ Quyên và Hoa hậu Lương Thùy Linh cũng tung ra chậm hơn so với dự tính.

So với những năm trước, nhà thiết kế thường dành thời gian một tháng cho bộ sưu tập mùa Tết. Tuy nhiên, năm nay, anh gặp nhiều khó khăn khi chỉ có 10 ngày để chuẩn bị.

Đỗ Long bày tỏ: "Tôi gặp nhiều áp lực ở thời điểm cận Tết. Lúc này, các nhà thiết kế đều bận rộn với kế hoạch, dự án riêng. Trước đó một tháng, khách hàng thường đặt đồ khá nhiều và tôi phải hoàn thành đơn hàng của các nghệ sĩ tham dự sự kiện cuối năm. Tôi không đủ thợ may để giải quyết hết công việc".

"Những tháng cận Tết, doanh số cao hơn so với thời điểm khác. Trong năm 2020, dịch Covid-19 phần nào ảnh hưởng đến ngành thời trang và thương hiệu cũng đạt khoảng 70-80% so với những năm trước. Thời gian cuối năm, tôi và các cộng sự phải nỗ lực để làm việc, phục vụ nhu cầu khách hàng. Ngày nào chúng tôi cũng tăng ca, kể cả chủ nhật, để kịp tiến độ", anh nói thêm.

Nhà thiết kế Đỗ Long bận rộn những ngày cuối năm. Ảnh: Phương Lâm.

Lê Thanh Hòa cũng khá bận rộn những ngày trước Tết. Bởi đây là dịp người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm cao nên anh phải tập trung nhân lực cho việc chăm sóc khách hàng.

Anh nhận định thời điểm cận Tết cũng là khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm với các báo cáo năm cũ cùng kế hoạch năm mới để đề ra mục tiêu và phương hướng phát triển cho thương hiệu.

Nhà thiết kế nghĩ rằng khó khăn và áp lực nhất là thời hạn trả hàng cho khách trước Tết để mọi người có trang phục đẹp mặc vào ngày đầu năm. Một điểm quan trọng nữa Lê Thanh Hòa muốn nhấn mạnh đến từ việc nắm rõ tâm lý khách hàng để sáng tạo thiết kế phù hợp.

Lê Thanh Hòa khẳng định: "Với tôi, việc ra mắt bộ sưu tập Tết không gặp quá áp lực bởi đây là kế hoạch năm nào cũng chuẩn bị kỹ lưỡng. Doanh thu các mặt hàng ở thời điểm này cao nhất trong năm nên mọi người rất chú tâm và chăm chút cho từng sản phẩm".

"Thông thường, tôi sẽ chuẩn bị bộ sưu tập Tết từ 3-4 tháng trước. Vì mô hình bên tôi chuyên về sản xuất thủ công từng sản phẩm để mang lại trải nghiệm cao cấp cho khách hàng nên sẽ có sự hạn chế về thời gian và số lượng sản xuất. Do đó, thương hiệu bắt buộc phải tung bộ sưu tập khá sớm để người tiêu dùng chọn lựa, đặt sản phẩm phù hợp mặc ngày đầu năm", anh tiết lộ.

Nhà thiết kế Lê Thanh Hòa không gặp nhiều áp lực trong thời điểm cận Tết. Ảnh: FB Lê Thanh Hòa.

"Tôi chịu áp lực từ chính đội ngũ của mình"

Mỗi nhà thiết kế đều có lịch trình, dự án riêng. Với Adrian Anh Tuấn, ngoài công việc thường niên như ra mắt bộ sưu tập Tết, gửi quà tặng đến khách hàng, câu chuyện mở thêm cửa hàng hay chuẩn bị cho show diễn mới tại Phú Quốc phần nào khiến lịch trình trở nên bận rộn hơn so với mọi năm.

Anh chia sẻ với Zing: "Tôi nghĩ một nhà thiết kế thường có những khoảng thời gian bận rộn khác nhau. Riêng tôi, một năm có hơn 3 show diễn nên thời điểm chuẩn bị trước đó là lúc khối lượng công việc nhiều nhất. Trước Tết, tôi chủ yếu tập trung vào việc bán hàng và chuẩn bị quà gửi đến khách hàng tin tưởng thương hiệu trong năm qua".

Nhà thiết kế Adrian Anh Tuấn cho biết thêm với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong ngành thời trang, anh hiếm khi gặp khó khăn để chạy theo một người nào và áp lực từ cộng sự diễn ra thường xuyên hơn. Bởi anh luôn phải suy nghĩ để mỗi năm công ty có sự tăng trưởng, tạo ra niềm hứng khởi cho năm kế tiếp.

Adrian Anh Tuấn bận rộn với nhiều show diễn thời trang cuối năm 2020. Ảnh: Kiếng Cận.

Còn nhà thiết kế Nguyễn Tiến Truyển nhận định khó khăn lớn nhất của thương hiệu chính là tiến độ gấp rút do mọi người vừa trải qua giai đoạn phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, anh và ê-kíp đã có sự tính toán kỹ để xử lý vấn đề trong thời gian này.

Thời điểm cuối năm, nhiều sự kiện giải trí diễn ra, đồng thời nhu cầu khách hàng mua sắm cao hơn, nên khoảng thời gian cận Tết khá bận rộn với anh và các cộng sự.

Anh chia sẻ: "Tôi không gọi thời điểm cuối năm là áp lực, mà đây là lúc nhu cầu thị trường trong nước tăng cao. Chúng ta phải tiếp cận và bám sát câu chuyện kinh doanh nếu muốn trụ vững, phát triển bản thân trong ngành thời trang".

"Thông thường, thời gian từ lúc lên kế hoạch đến khi ra mắt bộ sưu tập Tết mất khoảng 2 tháng. Một số sản phẩm đặc biệt cần xử lý kỹ thuật cầu kỳ thì thời gian có thể lên đến con số 6 tháng", nhà thiết kế bày tỏ.

Nguyễn Tiến Truyển trong show diễn thời trang của mình. Ảnh: FB Nguyễn Tiến Truyển.

Thiên Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nha-thiet-ke-viet-so-khong-kip-may-do-tra-khach-dip-tet-post1180078.html