Nhà thiết kế Tôn Hiếu Anh vẫn nghẹn ngào khi nhớ về cha

'Gần đây tôi đã tìm được người giúp tôi nhận ra rằng mình bị rối loạn cảm xúc. Hai tháng trước đây tôi không biết nhưng bây giờ tôi mới nhận ra rõ ràng tôi có vấn đề về mặt tâm lý', Tôn Hiếu Anh - con trai GS Tôn Thất Bách tâm sự.

17 năm qua cảm xúc vẫn nghẹn ngào khi nhớ về bố Bách

Từng một thời, cái tên Tôn Hiếu Anh - con trai GS Tôn Thất Bách nổi lên giữa giới trẻ Hà thành như một dân chơi đầy tai tiếng. Nhưng giờ đây, trải qua nhiều biến cố và trưởng thành, anh ổn định công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam, tính cách cũng trở nên khá điềm đạm, kiệm lời và hay cười.

Tôn Hiếu Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề y, từ ông nội (GS Tôn Thất Tùng), đến bố (GS Tôn Thất Bách) và mẹ đều là bác sĩ. Tuy nhiên, khi lớn lên, cả hai chị em Tôn Hiếu Anh đều không có ý định theo nghề y mà theo đuổi lĩnh vực thời trang, thiết kế. Đáng chú ý, với sự nghiêm khắc của bố nhưng theo Tôn Hiếu Anh cho biết, vợ chồng GS Tôn Thất Bách ủng hộ quyết định này của con trai. Bởi lẽ, với GS Tôn Thất Bách, không quan trọng các con làm nghề gì, miễn là một cái nghề đứng đắn và mình cảm thấy yêu thích là được.

Nhà thiết kế Tôn Hiếu Anh. Ảnh: PV

Nhà thiết kế Tôn Hiếu Anh. Ảnh: PV

"Bố mẹ tôi chỉ buồn một nỗi duy nhất là không giúp đỡ được gì cho con trong con đường phía trước. Bởi nếu học ngành Y thì sẽ khác, một con đường dễ đi hơn nhưng với thời trang bố mẹ xin lỗi vì bất lực, buộc con phải tự lực cánh sinh. Có thể bố tôi buồn vì con cái không theo ngành Y nhưng nỗi buồn để trong lòng chứ chưa bao giờ ông thể hiện ra điều đó. Đặc biệt ông rất hỗ trợ tôi trong việc học thời trang. Bộ sưu tập áo dài cô gái xứ Bắc đạt giải Nhì của Hội đồng Anh năm 2002 cũng nhờ bố Bách mà có", Tôn Hiếu Anh kể.

Chính vì thế, dù 17 năm đã qua đi nhưng anh còn nhớ như in cảm xúc năm đó anh nhận tin dữ và trở về Việt Nam chịu tang bố. Tôn Hiếu Anh nhớ lại: "Tháng 3/2004, ở London mới là 5h sáng, tôi được người bạn thân Kelly Bùi đánh thức dậy. Thấy nó nước mắt nhạt nhòa, tôi nghĩ ngay trong đầu là bà nội mất. Tôi bình tĩnh bảo: "Thôi không khóc, nói cho tao xem nào". Nó bảo: "Bố mày mất rồi!". Tôi nhớ lại mấy tiếng đồng hồ trước đó, tôi còn nhận được email của bố - lá thư đầu tiên bố gửi. Bố thông báo chuẩn bị đi công tác Lào Cai - đó giống như một lời tiên tri định mệnh. Đầu óc tôi trống rỗng. Tôi như rơi vào không gian chẳng có ai, mọi âm thanh gần như biến mất chỉ có tiếng u u vang vang. Tôi chết lặng!

Tôi không khóc và bảo Kelly Bùi để tôi riêng tư. Tôi bình tĩnh xuống nhà mở internet đọc thông tin. Rồi Kelly Bùi lặng lẽ dọn quần áo để chúng tôi trở về Việt Nam. Tôi cũng muốn gào lên cho nhẹ lòng nhưng cứ bình tĩnh đến đáng sợ. Trên chuyến bay trở về, đã có lúc tôi đã nghĩ bố tôi đùa dai, gây bất ngờ vì trước đó tôi từng trốn về Việt Nam để tạo ngạc nhiên cho gia đình. Nhưng khi về đến sân bay tim hơi đập, hơi vỡ vụn nhưng vẫn không khóc. Về đến sân nhà, giống y hệt trạng thái năm 1982 khi ông Tùng mất - nhà đông như kiến. Và tôi trở về dưới ánh mắt nhìn của tất cả mọi người. Tôi rất sợ ánh mắt đó. Tôi thắp hương cho bố mà không khóc. Chỉ đến khi lên phòng thấy mẹ nằm khóc ngất ở đó, tôi kinh hoàng òa khóc. Thực sự đó là những ngày kinh khủng!".

Khi được hỏi rằng, vì không vượt qua được cảm xúc năm đó nên đều đặn 17 năm qua đến ngày giỗ bố, anh cũng viết thư gửi như cách giải tỏa, Tôn Hiếu Anh tâm sự: "Không hẳn là tôi viết thư, đó là những tâm sự, là nỗi lòng của tôi viết về bố, viết để nhớ bố. Khi viết những cảm xúc của mình thì tôi cứ viết thôi, viết theo những gì con tim đang thổn thức vì nhớ bố. Khi viết xong, cũng có lúc tôi nghĩ sẽ gửi cho bố. Đó như là một cách riêng để tôi nhớ về bố".

Ước ao có được một người để chia sẻ

Tôn Hiếu Anh và bố - GS Tôn Thất Bách.

Đặt câu hỏi rằng, anh có nghĩ đến việc sẽ tìm một người lắng nghe và chia sẻ cảm xúc với mình thay vì viết những điều đó lên mạng xã hội, Tôn Hiếu Anh thẳng thắn: "Tôi cần sống trong sự thấu hiểu chứ. Tôi ước ao có được một người để mình chia sẻ, bộc lộ tất cả mà không phải che đậy gì, cái xấu nhất của mình. Gần đây cũng có tìm ra được một vài người như vậy…".

Như sợ hiểu lầm, anh chia sẻ: "Đấy là nói thêm chữ "vài" cho oai thôi. Gần đây tôi đã tìm được người giúp tôi nhận ra rằng mình bị rối loạn cảm xúc. Hai tháng trước đây tôi không biết, nhưng bây giờ tôi mới nhận ra rõ ràng tôi có vấn đề về mặt tâm lý.

Tôi vô tình gặp người bạn có chung tâm bệnh và họ vén màn cho tôi biết hóa ra có một thế giới của những người có nhiều vấn đề khác nhau trong tâm lý. Tôi cũng đọc tâm lý học từ hồi ở Anh nhưng không đi sâu theo kiểu lâm sàng, những triệu chứng tăng động giảm tập trung. Sau khi tham khảo nhiều tài liệu tôi tin rằng mình có vấn đề và đang tìm ra giải pháp để đưa mình ra khỏi vấn đề đó".

Đặt câu hỏi cho rằng, công việc nghệ thuật, làm thời trang, liên quan đến cái đẹp thì chắc hẳn anh phải nhận được nhiều sự hâm mộ, sao có thể cô đơn đến thế, anh cho biết: "Công việc đứng lớp cho các bạn trẻ về thời trang cũng nhận được nhiều tình cảm của sinh viên. Thậm chí có em sinh viên yêu thầm, rồi mù quáng đến mức đến nhà và nói với mẹ tôi rằng: "Cháu là người yêu của Hiếu Anh". Nhưng mẹ nói cảm ơn và chỉ tin điều đó do chính Hiếu Anh thông báo điều đó. Tôi vẫn luôn có người âm thầm yêu thương phía sau và trân trọng điều đó nhưng trong tình yêu không phải cứ cho đi là nhận lại".

Anh tâm sự, có khoảng thời gian 5 năm liền anh không đi đâu ra khỏi nhà. Ghét gặp bạn bè. Ai cũng tò mò 5 năm đó anh đi đâu, làm gì, không ai biết. Cô đơn trong chính cuộc sống của mình. Lúc đó anh không tìm thấy ý nghĩa hoặc là đang tự hàn gắn bản thân mình chính anh cũng không biết nữa.

"Bạn thử tưởng tượng, một cuộc sống tuổi trẻ ngày nào cũng đi bar, đi nhảy, xô bồ rồi thì sẽ đến lúc mà mình thấy chán tất cả. Đi làm về là nằm lì trong nhà. Rủ đi đâu cũng từ chối. Từ tết giờ tôi mới trở lại bình thường mà tôi nói đùa là "hòa nhập cuộc sống" trở lại", Tôn Hiếu Anh kể.

Thanh Hà - Ngọc Mai

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/nha-thiet-ke-ton-hieu-anh-toi-co-van-de-ve-tam-ly-20210407151854884.htm