Nhà thiết kế Fong Chen Zeuthen: Cây bút chì và một ý tưởng vui vẻ

Fong Chen Zeuthen là nhà thiết kế người Đan Mạch gốc Thái Lan, đến Việt Nam và sáng lập Công ty thiết kế và trang trí nội thất Kaze cùng cộng sự trẻ Đặng Việt Khoa.

Tại Việt Nam, Kaze phát triển và thành công nhờ khả năng tái hiện và tái tạo các vật liệu địa phương theo những cách sáng tạo đầy thú vị.

Trong khuôn khổ Giải thưởng thiết kế Hoa Mai, các nhà thiết kế trẻ Fong Chen Zeuthen đã có buổi trao đổi thú vị mang tên Design talk #02: From design Idea to reality, do HAWA tổ chức tuần qua. Diễn giả Fong Chen Zeuthen đã chia sẻ góc nhìn của mình về đội ngũ thiết kế hiện nay và con đường từ ý tưởng đến hiện thực.

Chia sẻ này có ý nghĩa trong bối cảnh ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đang đặt mục tiêu chuyển từ OEM (gia công) sang ODM (sản xuất có bản quyền). Nhân lực thiết kế được xem là “tiền đạo” của chiến lược này. Tuy nhiên, việc đào tạo thiết kế, nhất là các nhà thiết kế trẻ vẫn chưa như mong đợi.

Bắt đầu vẽ bằng tay

Fong Chen Zeuthen là nhà thiết kế người Đan Mạch gốc Thái Lan. Trước khi đến Việt Nam và sáng lập Kaze cùng cộng sự trẻ Đặng Việt Khoa, Fong Chen Zeuthen có thời gian dài làm việc tại Singapore cho một công ty thiết kế nổi tiếng.

Tại Việt Nam, Kaze phát triển và thành công nhờ khả năng tái hiện và tái tạo các vật liệu địa phương theo những cách sáng tạo đầy thú vị. Đổi mới nhưng vẫn giữ được âm hưởng quá khứ, Kaze phá vỡ giới hạn với quan điểm chỉ sử dụng vật liệu địa phương và ít vật liệu nhất. Từ đây, Fong Chen Zeuthen tạo dựng thương hiệu với thế mạnh cải tạo các thể loại công trình bất kể địa điểm, chi phí và hoàn cảnh.

Nhà thiết kế Fong Chen Zeuthen và đồng sáng lập Kaze, Đặng Việt Khoa

“Tại Kaze, một yêu cầu cơ bản và đầu tiên với bất kỳ ai là khả năng vẽ tay và công cụ mạnh nhất để thiết kế chính là cây viết chì. Có bao nhiêu bạn hiện nay sử dụng máy tính nhiều hơn bút chì?”, nhà sáng lập Kaze mở đầu bằng một câu hỏi.

Theo Fong Chen Zeuthen: “Khi sử dụng bút chì, sự liên kết giữa cảm nhận và bộ não, truyền đến tay cùng nét bút luôn mạnh mẽ hơn qua bàn phím và màn hình. Đôi khi việc thiết kế bắt đầu bằng một hình ảnh mờ nhạt, không chắc chắn của bút chì là một khởi đầu tốt cho bản vẽ. Bởi nét vẽ của máy tính quá rõ ràng. Phối cảnh 3D cuối cùng bản chất vẫn là hình ảnh hoàn thiện, nhưng điều quan trọng với một nhà thiết kế là quá trình phát triển ý tưởng đó. Bắt đầu và kết thúc như thế nào - quá trình đó quan trọng hơn sản phẩm cuối cùng. Tóm lại, đừng ngại sử dụng bút chì”.

Có rất nhiều thử thách mà nhà thiết kế phải đối diện và tố chất quan trọng nhất là tính sáng tạo. Một sản phẩm được thiết kế từ chính trái tim mới là sản phẩm thỏa mãn bản thân và tồn tại lâu dài. Thế nào được xem là một bản thiết kế tốt? Fong Chen Zeuthen đưa ra những chuẩn mực:

“Mọi thứ bắt đầu bằng thỏa mãn công năng của sản phẩm và hình thức hóa bằng một hình ảnh mang tính thẩm mỹ. Hạn chế tối đa sự thỏa hiệp trong sáng tạo để có bản thiết kế vượt ngoài sự mong đợi. Một thiết kế cũng được xem là tốt khi giao tiếp giữa thiết kế và khách hàng được cân bằng. Tiêu chuẩn tốt, cuối cùng, là khi tất cả mọi người đều hài lòng và tự hào về thành quả cuối cùng”.

Kích thước và tỉ lệ là bảng chữ cái đối với nhà thiết kế. Điều cơ bản với một nhà toán học là thuộc bản cửu chương thì với nhà thiết kế là nắm rõ tỉ lệ và kích thước, nhân trắc học...

Trong lịch sử, quan niệm và định nghĩa về cái đẹp cơ bản là không thay đổi, từ thời La Mã cổ đại đến nay, dựa trên một cơ sở tỉ lệ giống nhau mà không ai phủ nhận: các cây cột trong khối kiến trúc Acropolis of Athens hay hình thể lý tưởng của một người đàn ông dựa theo các nguyên tắc cao to, khỏe mạnh và cơ bắp. Hay Patheon là một trong những hình thái kiến trúc đối xứng hoàn hảo nhất về toán học, tạo hình, tỉ lệ lẫn giải pháp thi công mà hiện nay vẫn được sử dụng như bài học cơ bản cho mọi nhà thiết kế.

Ý tưởng vui vẻ và công năng sản phẩm

Lời khuyên của Fong Chen Zeuthen cho các nhà thiết kế trẻ là hãy bắt đầu ý tưởng thiết kế bằng một niềm vui đơn giản, đừng quá nghiêm trọng:

“Sự nghiêm túc chỉ đi sau niềm vui. Tác phẩm Ant Chair (Ghế con kiến), ý tưởng bắt đầu từ quan sát hình thể con kiến của nhà thiết kế lừng danh người Đan Mạch Arne Jacobsen. Hoặc ghế Quả trứng (Egg chair) rất phổ biến ở các quán cà phê hiện nay cũng được ông sáng tạo dựa trên cảm giác bao bọc, ôm gọn thứ bên trong khi quan sát quả trứng. Arne Jacobsen vì vậy được gọi là bậc thầy về tỉ lệ. Những thiết kế của ông tạo ra ảnh hưởng lớn đến phong cách thiết kế hiện nay”.

Nguồn cảm hứng và trí tưởng tượng tạo nên hình thái mới liên quan đến con người. Một ví dụ khác là hai nhà thiết kế Lund và Eva Paarmann, họ luôn tìm kiếm những ý tưởng mới mà không cần quá quan tâm đến xu hướng mới hay đòi hỏi mang tính thị trường. Bằng cách này họ sáng tạo ra Ghế Tôm hùm lấy cảm hứng từ hình thể và đường nét của loại tôm này.

Phẩm chất sáng tạo của một nhà thiết kế được Fong Chen Zeuthen ví dụ về trường hợp một huyền thoại thiết kế đồ gỗ khác là Hans Wegner.

Cuối những năm 1940, ông cho ra đời bộ sưu tập ghế có ảnh hưởng từ ngai vàng của những vị hoàng đế Trung Hoa. Sản phẩm của ông được sử dụng khắp thế giới và 99,9% là copy, 0,1% bản gốc còn lại được sử dụng như là khoản đầu tư. Rất nhiều người Trung Quốc mua bản gốc thiết kế của Weg ner, để càng lâu càng lên giá như đầu tư bất động sản.

Ông nổi tiếng với tác phẩm China chair lấy cảm hứng từ một chiếc ghế Trung Hoa, đưa vào đó sáng tạo cá nhân và kỹ thuật sản xuất hiện đại. Hiện nay, ghế China chair vẫn được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Sau bản này, ông tiếp tục sáng tạo thêm bằng cách thu nhỏ tỉ lệ thành bản Wishborn chair.

“Một người bạn thời sinh viên của tôi bây giờ là một nhà thiết kế đồ gỗ nổi tiếng tại Đan Mạch, Thomas Pedersen, gương mặt đại diện cho thế hệ thiết kế đương đại”, nhà sáng lập KAZE tiếp tục.

Năm 2002, Thomas đã chọn đề tài kiến tạo lại chiếc ghế bập bênh (Rocking chair) truyền thống cho bài thi tốt nghiệp chuyên ngành kiến trúc tại đại học Asrhus. Thomas muốn tạo ra một sản phẩm tạo cảm giác thoải mái và thư giãn. Khi mới trình bày ý tưởng, các giáo sư đã rất hoài nghi về đề tài này.

Tuy nhiên, điều khác biệt mà Thomas là ý tưởng từ sự chuyển động của cơ thể. Anh không vội đặt tên sản phẩm mà bắt đầu nhấn vào công năng của chiếc ghế khi muốn tạo ra cảm giác mới lạ hơn so với ngồi trên chiếc “Rocking chair” truyền thống. Người dùng có thể lựa chọn cách ngồi, và cả nằm, thay vì bị bó buộc tư thế ngay từ đầu. Khi dùng sản phẩm này, cơ thể có thể thay đổi nhiều tư thế khác nhau và đu đưa lắc lư cùng thời điểm.

Ý tưởng hình thành bắt nguồn từ con cá đuối. Và đó là lý do sản phẩm có tên là The Stingray (Con cá đuối). Hình dáng bắt đầu như một bề mặt lớn được di chuyển trong không gian 3 chiều – tương tự như một con cá đang bơi trong nước. Để tạo hình cá đuối, Thomas đã rất vất vả tìm tòi nhiều loại vật liệu khác nhau để đạt được cả hình thức lẫn công năng. Anh dùng lưới kim loại để tạo dáng sau đó dùng bột trét, keo để ráp, sau đó dùng ván ép để uốn thành khung.

Ngày nay, sản phẩm này đã phát triển dễ dàng hơn nhờ khung uốn bằng sợi thủy tinh. Bản thiết kế của Thomas ngay sau đó được một nhà sản xuất lớn tại Đan Mạch mua để phát triển tiếp và sản xuất hàng loạt.

Nhà thiết kế Fong Chen Zeuthen kết luận: “Bài học ở đây là nhà thiết kế phải kiên định với ý tưởng táo bạo và đừng ngại khổ tự tay làm thủ công sản phẩm của mình. Hãy bắt đầu bằng một niềm vui, không ngại khó để phát triển ý tưởng, cộng với sự nhạy cảm về tỉ lệ, nhà thiết kế sẽ có sản phẩm tốt”.

KHOA TƯ

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/nha-thiet-ke-fong-chen-zeuthen-cay-but-chi-va-mot-y-tuong-vui-ve-12189.html