Nhà thầu xin bớt trạm thu phí: Đo lòng tốt vì dân

Bỏ bớt trạm thu phí, chủ đầu tư đã rất khôn ngoan khi vừa tăng được tổng tiền thu về, vừa tiết kiệm được chi phí, lại được lòng dân

Mấy ngày qua, thông tin chủ đầu tư Dự án BOT đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn "bỗng nhiên" xin bỏ bớt một trạm thu phí khiến dư luận hết sức quan tâm. Sự chú ý của dư luận vì, đây là lần đầu tiên có một chủ đầu tư đứng ra giải thích "vì lợi ích của người dân" mà tự nhận phần khó về mình. Bình luận về việc này, PGS.TS Lê Cao Đoàn - Viện kinh tế Việt Nam đồng tình cho rằng, điều tích cực trước hết ông nhìn thấy là người tham giam giao thông sẽ được lợi.

Thi công hợp phần cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Ảnh: Baodautu

Còn muốn soi xét xem lợi ích của người dân tới đâu, chủ đầu tư có thật sự đang làm vì lợi ích của người dân hay còn vì động cơ, mục đích nào khác... thì cần phải đi sâu vào phân tích rõ từng vấn đề trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Theo đó, PGS.TS Lê Cao Đoàn chỉ rõ từng vấn đề.

Thứ nhất, dự án BOT đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn gồm hai hợp phần, hợp phần xây dựng đường cao tốc đoạn Km45+100 - Km108+500 (dài 64 km) và hợp phần tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500 (dài 105km). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng.

Theo hợp đồng BOT đã ký kết giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư trước đây, để đảm bảo phương án tài chính của dự án khả thi, ngoài các trạm thu giá kín (thu giá theo km sử dụng) trên tuyến cao tốc, nhà đầu tư được quyền sử dụng hai trạm giá (hình thức thu hở) trên QL1 gồm: một trạm tại Km24+900 và một trạm tại Km93+160.

Nay nhà đầu tư đề xuất chỉ thu giá dịch vụ đường bộ tại một trạm trên QL1 tại Km93+160 (bỏ trạm Km24+900), nhưng bổ sung đoạn Chi Lăng - Hữu Nghị kết nối vào tuyến cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng và áp dụng thu giá đồng nhất trên toàn tuyến đường cao tốc từ Bắc Giang đến Cửa khẩu Hữu Nghị.

"Tới đây tôi muốn hỏi: 12.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư có bảo đảm tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường hay chưa? Có chuyện nhập nhèm, đẩy vốn đầu tư lên rồi tính vào giá thành sử dụng dịch vụ, bắt người dân phải chịu hay không? Trong số đó, bao nhiêu dành cho đầu tư xây dựng đường mới? Bao nhiêu dành cho hợp phần nâng cấp, thảm nhựa?

Tiếp đến, lý lẽ việc đặt một trạm thu phí hoặc hai trạm thu phí trên tuyến này dựa trên cơ sở nào? Mức thu phí và thời gian hoàn vốn trong bao nhiêu năm?

Khi trả lời được những khúc mắc trên, sẽ lý giải được, việc bỏ đi một trạm thu phí chủ đầu tư thiệt hay lợi? Để đánh giá động thái trên của chủ đầu tư là tốt hay xấu ngay tức khắc đều quá vội vàng và không đủ cơ sở. Tuy nhiên, tôi chỉ lưu ý, đã kinh doanh, không có chủ đầu tư nào sẵn sàng vì dân mà chịu thiệt.

Đặc biệt, trong đầu tư BOT, nhiều tuyến đường còn mang tính chất độc quyền tự nhiên, ép buộc người dân phải sử dụng dịch vụ cao tốc. Vì thế, nếu để nói là chủ đầu tư vì sợ người dân phản ứng hay vì lợi ích của người dân mà "tự nhiên" bỏ đi một trạm thu phí, chấp nhận chịu thiệt thì khó ai tin được", PGS.TS Lê Cao Đoàn thẳng thắn nêu quan điểm.

Chủ đầu tư xin bỏ bớt trạm thu phí: Vì dân?

Thứ hai, trong phương án thay thế, nhà đầu tư đề xuất chỉ thu giá dịch vụ tại một trạm nhưng lại gộp thêm một đoạn dài và áp dụng thu giá đồng nhất trên toàn tuyến đường cao tốc từ Bắc Giang đến Cửa khẩu Hữu Nghị.

Việc này chỉ có thể hiểu chủ đầu tư đã rất khôn ngoan vì, về bản chất, giá thu phí không có gì thay đổi, chủ đầu tư không thiệt mà còn được lòng dư luận. Động thái này chỉ có thể nói "chủ đầu tư đã được cả tiếng, được cả miếng".

Cái lợi trước hết là, chủ đầu tư đã tiết kiệm được một nửa chi phí phải bỏ ra để xây dựng trạm thu phí, thuê nhân viên, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, duy trì hoạt động thường xuyên cho trạm thu phí.

Cái lợi thứ hai, khi bỏ bớt một trạm thu phí sẽ khiến người dân bớt khó chịu hơn, dễ đồng thuận, ủng hộ chủ đầu tư hơn.

"Nhưng về bản chất có gì khác nhau? Nếu giảm trạm thu phí nhưng lại bổ sung thêm đoạn mới và áp dụng thu phí trên toàn tuyến thì liệu mức phí có bị tăng lên, thời gian thu phí có kéo dài lâu hơn không? Trường mức phí tăng, thời gian bị kéo dài thì, hai gộp vào một nói là vì dân nhưng thực tế là vì chủ đầu tư. Giảm trạm BOT nhưng chưa chắc đã giảm lợi ích của chủ đầu tư.

Với cách làm này, chủ đầu tư đã rất khôn ngoan khi vừa tăng được tổng tiền thu về, vừa tiết kiệm được chi phí khi thực hiện thu phí, lại còn được người tham gia giao thông ủng hộ", PGS Lê Cao Đoàn phân tích.

Thứ ba, liên quan tới phương án thu phí.

PGS Lê Cao Đoàn băn khoăn: "Vì sao hai trạm thu phí cũng được mà một trạm chủ đầu tư cũng cân đối được tài chính? Trong hoạt động đầu tư, chỉ cần nhà đầu tư thực hiện hạch toán, tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư thì người dân không bao giờ phản ứng. Tuy nhiên, lâu nay, luôn có nghi ngờ câu chuyện bắt tay, lợi ích nhóm..., đẩy giá trị tổng mức đầu tư để thu phí cao hơn, kéo dài thời gian lâu hơn, mới khiến người dân bức xúc.

Nếu tình trạng trên cũng lặp lại tại dự án này thì tôi chỉ có thể khen lòng tốt của chủ đầu tư trong dự án này chính là "sự ăn gian" với đẳng cấp cao hơn mà thôi".

Nguyễn Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/nha-thau-xin-bot-tram-thu-phi-do-long-tot-vi-dan-3359201/