Nhà thầu đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đòi bồi thường 81 triệu USD: Chưa đủ cơ sở pháp lý

Theo Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt Hà Nội Nguyễn Cao Minh, việc đưa ra mức bồi thường 81 triệu USD, khoảng hơn 1.800 tỷ đồng, về việc chậm giải phóng mặt bằng, mới chỉ là đề nghị và tính toán đơn phương từ phía nhà thầu. Nhà thầu cũng chưa chắc chắn về mặt pháp lý. Đây cũng không phải lần đầu tiên trong quá trình triển khai dự án phía nhà thầu đưa ra yêu cầu như vậy.

Thi công đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: INT

Thi công đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: INT

Tính toán đơn phương

Tại cuộc làm việc của lãnh đạo UBND TP Hà Nội với các bên liên quan về gói thầu CP03 gồm hầm và các ga ngầm thuộc tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội mới đây, đại diện nhà thầu là liên danh Hyundai - Ghella (Hàn Quốc, Italy) đã nêu những khó khăn do thành phố chậm giải ngân và bàn giao mặt bằng.

Theo đại diện nhà thầu, gói thầu CP03 có bốn ga ngầm (từ S9 đến S12) nhưng nay mới nhận mặt bằng tại ga S9, một phần mặt bằng ga S10. Hai ga S11 và 12 chưa được bàn giao mặt bằng. Cùng với đó, nhà thầu cũng phản ánh chưa nhận được thanh toán các phần việc đã hoàn thành gây khó khăn về tài chính cho họ. Với những lý do nêu ra, nhà thầu yêu cầu chủ đầu tư “bồi thường khoảng 81 triệu USD”.

Ngày 4/4, trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ, Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt Hà Nội Nguyễn Cao Minh xác nhận thông tin trên và cho biết “đó mới chỉ là đề nghị và tính toán đơn phương từ phía nhà thầu”. Ngoài số tiền 81 triệu USD phát sinh do chủ yếu liên quan đến chậm giải phóng mặt bằng, nhà thầu cũng đề nghị được nhận thanh toán tiền cho phần đã thi công và đề nghị có mặt bằng sớm để tiếp tục thi công.

Ông Nguyễn Cao Minh cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin đề nghị của phía nhà thầu, Ban Quản lý dự án đường sắt Hà Nội và tư vấn giám sát đã yêu cầu nhà thầu làm rõ đề nghị theo yêu cầu của hợp đồng. Theo đó, nhà thầu phải lập kế hoạch thi công tổng thể, trên cơ sở đó mới xác định được các sai khác so với ban đầu và phải có báo cáo rõ ràng về thiệt hại, chi phí phát sinh, cơ sở tính toán để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đồng thời, nhà thầu cũng được hướng dẫn các văn bản pháp lý hiện hành của Việt Nam về quản lý chi phí để lập báo cáo.

Công nhân đang thi công các hạng mục của đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: INT

Không ảnh hưởng chất lượng

Ông Nguyễn Cao Minh cho biết thêm, trong quy định của hợp đồng và theo thông lệ giải quyết tranh chấp thì có 3 cấp, một là hai bên trao đổi với nhau, hai là có ban hòa giải và cuối cùng mới ra đến trọng tài kinh tế. Hiện khoản tiền 81 triệu USD mới dừng lại ở cấp trao đổi ban đầu giữa bên. “Việc đưa ra mức bồi thường 81 triệu USD, khoảng hơn 1.800 tỷ đồng, mới chỉ là đề nghị và tính toán đơn phương từ phía nhà thầu. Nhà thầu cũng chưa chắc chắn về mặt pháp lý. Đây cũng không phải lần đầu tiên trong quá trình triển khai dự án phía nhà thầu đưa ra yêu cầu như thế này”, ông Minh nói.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có tổng mức đầu tư là 1.176 triệu EUR, tương đương gần 33.000 tỷ đồng. Tuyến đường được lên kế hoạch hoàn thành vào tháng 12/2022. Theo Ban Quản lý dự án đường sắt Hà Nội, chủ đầu tư đang chậm thanh toán cho các nhà thầu toàn tuyến trên 200 tỷ đồng, tương đương 7,8 triệu EUR; chậm thanh toán cho tư vấn hơn 72 tỷ đồng (2,7 triệu EUR). Việc chậm thanh toán này được cho là không ảnh hưởng chất lượng công trình nhưng có thể ảnh hưởng tiến độ công việc. Dự kiến trong tháng 4/2019, Chính phủ sẽ bố trí vốn để giải ngân cho các nhà thầu và tư vấn.

Ông Nguyễn Cao Minh ví von, việc nhà thầu và chủ đầu tư có lúc “va chạm” giống như “bát đũa còn có lúc xô”. Trong quá trình thi công thực hiện dự án, không phải chỉ có nhà thầu mới “có ý kiến” mà phía chủ đầu tư cũng có những điều không hài lòng, đồng tình với nhà thầu.

Tuy nhiên, quan điểm của Ban Quản lý dự án đường sắt Hà Nội là vì kết quả chung của dự án, mọi vấn đề tranh chấp phải dựa trên điều khoản quy định của hợp đồng và thương thảo giữa hai bên. Liên quan đến tiến độ dự án, ông Minh cho biết, nhà thầu đã có chuyển biến tích cực từ nửa sau năm 2018, nhất là sau khi có cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo TP Hà Nội và lãnh đạo nhà thầu. Hiện nhà thầu đã mở được 3/5 công trường để có thể triển khai theo đúng cam kết thay đổi phương án thi công là triển khai từng phần. Cuối tháng 4 này sẽ mở công trường ga S12 và dự kiến tháng 6 mở công trường ga S11 khi có mặt bằng.

Theo nguồn tin riêng của Báo GD&TĐ, trước những đề nghị của nhà thầu về khó khăn trong thiếu mặt bằng thi công, từ nửa cuối năm 2018, UBND TP Hà Nội đã rất rốt ráo, quyết liệt trong giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Dự kiến trong quý II/2019, TP Hà Nội sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công cho dự án này.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/nha-thau-duong-sat-nhon-ga-ha-noi-doi-boi-thuong-81-trieu-usd-chua-du-co-so-phap-ly-3993284-b.html