Nhà thầu cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây gặp khó vì vướng mặt bằng

Đến nay, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã thi công được hơn 8 tháng nhưng chủ đầu tư vẫn chưa có đầy đủ mặt bằng sạch, có những nơi, người dân còn cản trở thi công.

Cầu vượt cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua đường tỉnh 765, tỉnh Đồng Nai phải ngưng thi công vì vướng đường điện.

Cầu vượt cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua đường tỉnh 765, tỉnh Đồng Nai phải ngưng thi công vì vướng đường điện.

Theo kế hoạch, ngay sau khi khởi công, chính quyền các địa phương sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Tuy nhiên, đến nay, cao tốc đã thi công được hơn 8 tháng nhưng chủ đầu tư vẫn chưa có đầy đủ mặt bằng sạch, có những nơi, người dân còn cản trở thi công. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình làm đường, nếu không giải quyết kịp thời sẽ làm chậm tiến độ dự án.

Gói thầu số 2, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, do liên doanh Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải và Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Nhật Việt đảm nhận. Đến nay, gói thầu còn vướng mặt bằng của 24 hộ tại huyện Hàm Tân và Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Dù số hộ chưa bàn giao mặt bằng không nhiều, nhưng do một số hộ quyết liệt ngăn cản, rào chắn đường nên xe của đơn vị thi công không thể đi qua, nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều phối đất.

Tại gói thầu số 2, việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, đa số là đường điện trung thế, hạ thế và đường dây 220kV, 500kV diễn ra rất chậm, dẫn đến vướng mặt bằng tại hàng chục lý trình. Đặc biệt tại lý trình km23+300, km21+300, km21+100, km20+400, km20+700, các cột điện nằm giữa tuyến cao tốc, nhà thầu phải dừng thi công đắp nền đường do máy móc sắp chạm vào dây điện.

Theo đại diện liên doanh nhà thầu gói thầu số 2, đến nay, gói thầu đã cơ bản hoàn thành phát quang, đào hữu cơ, đắp nền đường và chuẩn bị cấp phối đá dăm. Quá trình thi công, vì vướng mặt bằng nên nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển máy móc thiết bị, điều phối đất dọc tuyến.

"Mong chính quyền địa phương đề ra giải pháp quyết liệt, hoàn thành di dời đường điện; đồng thời, không để người dân cản trở nhà thầu. Tại một số đoạn trên tuyến, nếu người dân còn tiếp tục cản trở thì nhà thầu buộc phải ngưng thi công", đại diện liên doanh nhà thầu chia sẻ.

Gói thầu số 3, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài hơn 35 km, đi qua huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, do liên doanh nhà thầu gồm Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Xây dựng Trung Chính thực hiện. Nhiều tháng qua, nhà thầu huy động gần 400 nhân lực, máy móc thiết bị, tổ chức 22 mũi thi công.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc liên doanh gói thầu số 3, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho biết, từ tháng 10/2020 đến nay, nhà thầu tiếp nhận mặt bằng từng phần, rải rác. Việc thi công vì thế không liền mạch, phải chạy theo các phạm vi mặt bằng được bàn giao. Đến nay, tại gói thầu số 3, phần mặt bằng của người dân cơ bản đã giải phóng xong, chỉ còn vướng một số hộ ở huyện Xuân Lộc. Tuy nhiên, trên tuyến còn 23 điểm có đường dây điện trung thế, cáp viễn thông chưa di dời, tập trung chủ yếu tại các vị trí làm cầu, cống.

“Gói thầu số 3 có 24 cầu và 5 hầm chui. Do vướng hạ tầng kỹ thuật nên đến nay có 4 cầu và 3 hầm chui chưa thể thi công. Tại một số cầu, nhà thầu đã thi công mố trụ và đúc dầm, nhưng vì vướng đường điện nên không thể thi công tiếp. Nhà thầu nhiều lần kiến nghị chính quyền tiến hành di dời hệ thống hạ tầng, nhưng đến nay mọi thứ vẫn dẫm chân tại chỗ”, ông Nguyễn Hoàng Hải khẳng định.

Nhà thầu gặp khó khăn, nguy hiểm khi thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dưới đường điện chưa được di dời tại huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, đại diện chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, để xây dựng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Nhà nước phải thu hồi gần 790 ha đất của các cá nhân ở tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận, di dời rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật. Đến nay, toàn tuyến cao tốc còn 45 hộ chưa bàn giao mặt bằng; trong đó, Đồng Nai có 17 hộ, Bình Thuận 28 hộ, riêng hệ thống hạ tầng hầu hết chưa được di dời.

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, tiến độ dự án, đặc biệt là quá trình xây cầu tại cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị ảnh hưởng rất lớn vì giải phóng mặt bằng chậm, chưa triệt để. Thời gian thi công dự án chỉ còn 16 tháng, trong khi đó, hệ thống hạ tầng tại các vị trí nút giao giữa cao tốc với Quốc lộ 1A và một số đường tỉnh vẫn chưa được di dời, việc thi công bị ngưng trệ. Tháng 5 vừa qua, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã có văn bản kiến nghị tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc di dời các công trình hạ tầng; giải quyết các kiến nghị của người dân, bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây trong tháng 6 này. Nếu không sớm tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng, dự án có nguy cơ chậm tiến độ.

Theo ông Nguyễn Hồng Quế, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Đồng Nai, hiện một số hộ tại Đồng Nai đang khiếu nại, chưa đồng tình với phương án đền bù, hỗ trợ khi nhường đất để Nhà nước làm cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Tới đây, ngành chức năng Đồng Nai sẽ họp bàn, tăng cường vận động người dân chấp hành chủ trương của Nhà nước. Về di dời hạ tầng kỹ thuật, theo quy định hiện nay phải đấu thầu, cơ quan chức năng cần thực hiện rất nhiều hồ sơ, thủ tục. Hiện, các địa phương đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ đấu thầu, phấn đấu bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong quý III/2021.

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chiều dài 99 km, từ Bình Thuận đến Đồng Nai. Dự án có 4 gói thầu, khởi công vào tháng 9/2020 với tổng vốn đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Đây là 1 trong 11 dự án thành phần dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Bài và ảnh: Công Phong (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/nha-thau-cao-toc-phan-thiet-dau-giay-gap-kho-vi-vuong-mat-bang-20210609181708318.htm