Nhà sưu tập Nguyễn Bá Đạm: Câu chuyện đầu năm và kỷ niệm với họa sỹ Bùi Xuân Phái

Mùa xuân năm Canh tý 2020 cụ Nguyễn Bá Đạm tròn 99 tuổi, với sự mẫn tiệp của một người đã trải qua mọi hỷ nộ ái ố của kiếp người, chứng kiến bao đổi thay của thời đại, của các thế hệ. Điều tuyệt vời nhất, là tuổi bách niên giai lão cụ có một trí tuệ minh mẫn, một cơ thể khỏe mạnh.

Hằng ngày cụ vẫn đi lại cuốc đất trong vườn nhà, hướng dẫn con cháu sửa soạn nếp nhà đón Xuân mới sang. Một điều đặc biệt nữa, cụ là nguyên mẫu của hơn 240 bức ký họa của họa sỹ tài danh Bùi Xuân Phái.

Cụ bảo, sống trăm năm một kiếp người, điều mà cụ cảm thấy may mắn nhất là được quen biết nhiều bậc nhân sĩ trí thức của thời đại và đặc biệt, với họa sĩ Bùi Xuân Phái, cụ nâng niu, trân trọng từng kỷ niệm đã có, giữ gìn từng kỷ vật mà với cụ, đó là những vật chứng của tình bạn, tình nghệ sỹ…

Những người biết cụ Nguyễn Bá Đạm, đều biết rằng, cụ Đạm là một kỳ nhân tiền cổ bởi cụ là người sưu tầm tiền cổ có tiếng xuất thân từ làng Mọc (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Những năm trước đây, vì tuổi cao, cụ đã để lại bộ sưu tập tiền cổ cho một nhà sưu tập khác để tiếp tục lưu giữ hồn cốt của những đồng tiền cổ đã đi cùng cụ trong suốt cả thời thanh xuân.

Cụ bảo, khi quyết định để lại bộ tiền cổ ấy, cụ đã ốm mất một tháng trời và buồn hết cả năm như mất đi một điều gì trong tâm tưởng. Yêu là vậy. Thú chơi quả thực cũng lắm công phu.

Họa sỹ Bùi Xuân Phái và cụ Nguyễn Bá Đạm thời trẻ.

Họa sỹ Bùi Xuân Phái và cụ Nguyễn Bá Đạm thời trẻ.

Cụ Nguyễn Bá Đạm nguyên là giáo viên dạy Sử của Trường Phan Đình Phùng (Hà Nội). Vốn là người am hiểu lịch sử, nên ngoài việc dạy học, cụ còn có nhiều bài viết về những vấn đề liên quan đến lịch sử. Cụ là bạn tri kỷ của họa sỹ Bùi Xuân Phái và là bạn tâm giao của ba danh họa khác trong bộ tứ huyền thoại: Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng. Điều đặc biệt hơn cả, không phải là ai khác, chính cụ Nguyễn Bá Đạm là “người mẫu” của danh họa Bùi Xuân Phái trong 240 bức ký họa chân dung đặc sắc.

Dịp cuối năm 2019 vừa qua, 60 bức ký họa trong tổng số 240 bức đã được trưng bày tại Nhà Đấu giá Nghệ thuật "Chọn" nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh của họa sỹ Bùi Xuân Phái do nhà sưu tập tranh Thái Lan Tira Vanictheeranont hiện đang lưu giữ mang tới triển lãm. 60 bức tranh thể hiện các sắc thái trong đời thường của cụ Đạm một thời qua con mắt và bàn tay Bùi Xuân Phái.

Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, ông Đạm không nằm trong bộ tứ thân thiết của danh họa Bùi Xuân Phái, gồm: họa sỹ, nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu; nhà thơ Vũ Đình Liên và ông Lê Chính nhưng ông Đạm là một trí thức, nhà giáo xưa… được danh họa Phái quý trọng. Ông có khuôn mặt cá tính, như một khắc họa sân khấu và có lẽ rất hợp với sự tìm tòi nội tâm nào đó về một con người Hà Nội mà họa sỹ Bùi Xuân Phái đi tìm. Không chỉ thân thiết với cố danh họa họ Bùi, ông Đạm còn quen biết nhiều họa sỹ và được họ vẽ chân dung theo cách của mình, xây dựng nhân vật này vượt ra khỏi người mẫu, trở thành nhân vật xã hội trong hội họa.

Lục lại ký ức, nhà sưu tầm tranh và cổ vật Nguyễn Bá Đạm kể: "Tôi quen biết họa sỹ Bùi Xuân Phái vào một buổi tối mùa đông năm 1962 trên căn gác nhà họa sỹ Nguyễn Dung ở phố Quán Thánh. Nghe tiếng ông từ lâu, nay tôi mới được gặp. Qua sự giới thiệu của ông Dung, tôi và ông trở thành quen biết. Ông rút trong túi áo ra một chiếc bút máy, vạch vài ba nét đã thấy hình tôi hiện lên trên trang giấy. Vẽ xong, ông tặng ngay tôi, mặc dầu mới quen biết buổi đầu. Thầm ơn ông, tôi có hỏi thăm địa chỉ.

Cách vài ngày sau, tôi có tới thăm ông ở bên trong số 87 phố Thuốc Bắc, một gian nhà không được rộng, tiếp tôi ở trên gác xép, nếu đứng thẳng người thì dễ chạm đầu nên phải cúi lom khom. Diện tích vừa đủ trải một chiếc chiếu rộng, gần chỗ nằm kê một chiếc tủ con đựng đồ lặt vặt. Mấy chồng báo cũ sắp xếp xung quanh. Trên tường treo vài bức tranh sơn dầu không khung. Một chiếc bóng đèn 75W xoay ngang mọi chiều để chiếu sáng. Hộp rửa bút là chiếc hộp sắt, ngổn ngang mấy tuýp sơn dầu đang dùng dở dang. Trong hộp thuốc vẽ bê bết màu sơn.

Gần ông tôi thấy dễ mến vì ông ăn nói có duyên, là con người lịch thiệp, những câu chuyện ông thường nói đùa mang chất châm biếm, hài hước rất tế nhị. Vui câu chuyện, ông cười một cách sảng khoái, tiếng cười giòn giã rất khó quên. Nhiều lần qua lại, tôi với ông trở nên thân thiết và tôi cũng học hỏi ở ông được nhiều điều hay. Tôi thường đến thăm ông vào buổi tối thì chuyện trò mới được lâu hơn, có khi ông vừa vẽ, vừa tiếp chuyện. Cuộc sống của ông thời kỳ ấy rất chật vật, cũng may được người vợ đảm. Sự nghiệp của ông cũng do người vợ đóng góp đôi phần”.

Cụ bà Nguyễn Thị Sính vợ họa sĩ Bùi Xuân Phái và cụ Nguyễn Bá Đạm trong đợt triển lãm cuối năm 2019.

Trong hơn mấy chục năm trời thâm giao, họa sỹ Bùi Xuân Phái đã vẽ tặng cụ Đạm 242 bức chân dung, thường là vẽ trên những giấy nhỏ hoặc bao thuốc lá.

Năm 1967, họa sỹ Bùi Xuân Phái đã vẽ một bức chân dung cụ Đạm bằng bút chì theo trí nhớ. Đây là bức chân dung được vẽ rất đặc biệt, làm đậm một số chi tiết trên gương mặt như mắt, mũi... Bức tranh này cụ Đạm rất yêu thích, đã tồn tại hơn 50 năm và không bán dù đã được giới sưu tầm tranh hỏi mua nhiều lần.

Các tác phẩm của Bùi Xuân Phái, đặc biệt là các bức vẽ về cụ Đạm đã ra đời trên căn gác nhỏ, bên bạn bè, trong gia đình ấm áp, trong tiếng nói tiếng cười của những người con nhỏ. Nhà ông Phái dù bé nhỏ nhưng dường như ngày nào cũng có khách, có bạn bè đến chơi. Hồi đó, tranh ông vẽ chưa có người mua, chủ yếu chỉ để tặng bạn bè.

Cụ Nguyễn Bá Đạm ngoài là ông giáo của một thời, cụ còn viết báo, viết sách. Cụ đã ra hai tập sách viết những ký ức về Hà Nội và bè bạn. Trong những ngày mùa xuân, cụ Nguyễn Bá Đạm nhớ lại câu chuyện mình được họa sỹ Nguyễn Dung mời đến xông nhà:

“Được cái tôi dễ vía nên Dung thường mời tôi đến xông nhà đầu năm. Ngày Tết vào những thập kỷ 60-70 thế kỷ XX, còn đang trong hoàn cảnh chiến tranh nhưng không khí ngày Tết vẫn tràn ngập. Riêng sáng mồng Một người qua lại trên đường rất vắng. Nhưng tiếng loa đài vẫn văng vẳng tiếng hát của các nghệ sĩ nam nữ danh ca nhất là chèo và quan họ. Đúng hẹn, sớm mồng Một tôi đến xông nhà họa sỹ Nguyễn Dung.

Ông Dung lúc này ăn mặc chỉnh tề, comple, caravat trông oách đáo để, mở cửa tay bắt mặt mừng cùng nhau chúc sức khỏe và gặp nhiều may mắn trong năm mới. Căn nhà ông trang trí gọn gàng, đẹp mắt. Bàn thờ trải khăn thêu đính kim sa óng ánh. Trên bàn thờ là đỉnh hương, mâm ngũ quả, hai bên đèn nến lọ hoa, một cặp bánh chưng, một hộp mứt. Kéo ghế mời ngồi, Nguyễn Dung mời tôi ăn miếng bánh lấy may và kể nhiều câu chuyện bạn bè hội họa. Ấy mà thoắt đã mấy chục mùa xuân nữa trôi qua”...

Trần Hoàng Thiên Kim

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/nhan-vat-su-kien-noi-bat/nha-suu-tap-nguyen-ba-dam-cau-chuyen-dau-nam-va-ky-niem-voi-hoa-sy-bui-xuan-phai-579558/