Nhà sư xin hoàn tục là bình thường, nhưng xin giữ tài sản lại là điều... bất thường

Nhà sư Thích Thanh Toàn (chùa Nga Hoàng, Vĩnh Phúc) xin hoàn tục nhưng lại có thỉnh nguyện giữ lại toàn bộ tài sản đứng tên cá nhân, chính điều 'bất thường' này đã gây bức xúc trong dư luận cũng như niềm tin của phật tử xa gần.

Sư Thích Thanh Toàn tại buổi làm việc với Giáo hội phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc.

Sư Thích Thanh Toàn tại buổi làm việc với Giáo hội phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc.

Đại đức Thích Trí Thịnh - Phó ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Trụ trì Chùa Kim Sơn – Lạc Hồng (Công Viên tâm linh Lạc Hồng Viên) cho rằng, câu chuyện của nhà sư Thích Thanh Toàn – chùa Nga Hoàng, Vĩnh Phúc thời gian qua đang làm dậy sóng dư luận và gây ra những tranh cãi... không cần thiết.

Khi sự việc xảy ra, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và giáo hội địa phương cũng đã có những văn bản trả lời báo chí và dư luận, đồng thời yêu cầu điều tra làm rõ. Tuy nhiên, ngoài quy định của giáo hội, luật giới thì người tu hành vẫn còn phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam về sở hữu tài sản.

Theo Đại đức Thích Trí Thịnh, việc một nhà sư hết duyên xin hoàn tục không phải là hiếm. Nhưng câu chuyện của nhà sư Toàn gây phẫn nộ và mất niềm tin ở dư luận, bởi ông xin mang theo khối tài sản khổng lồ (gần 300 tỷ đồng -PV) mang tên mình trong thời gian đi tu để hoàn tục.

Những con số hàng trăm tỷ đồng chỉ là sư Toàn nhận, còn thực hư số tiền và tài sản cụ thể như thế nào thì cần các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Hơn nữa, theo quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Khi nhà sư hoàn tục, những gì của nhà chùa vẫn là của nhà chùa do giáo hội phật giáo địa phương quản lý; nhưng nếu là tài sản cá nhân thì giáo hội cũng rất khó... can thiệp.

Quan điểm cá nhân trước ý kiến dư luận cho rằng, đi tu đang là “nghề”, Đại đức Thích Trí Thịnh cho rằng "đó là mỗi người khi theo một tôn giáo đều phải có duyên và không phải ai cũng có thể hợp với việc tu hành".

"Có những người đã xuất gia và trong quá trình đó có tới 7 lần họ xin hoàn tục rồi lại vào lại. Bất cứ ai coi tu hành là một nghề là sai mà phải có duyên. Hơn nữa, trường hợp hoàn tục rất bình thường. Sự việc chỉ bất bình thường khi nhà sư Thích Thanh Toàn xin giữ lại nhà, vườn, trang trại mang tên của mình mà thôi", Đại đức Thích Trí Thịnh nói.

Bình luận thêm veefvaans đề này, Thượng tọa Thích Nguyên Hạnh - Giáo hội phật giáo Việt Nam cho rằng, nền giáo dục Phật giáo được Đức Phật khai phá cách đây gần 26 thế kỷ. Đó là nền giáo dục của trí tuệ, của tình thương, đem lại cho mọi người nhiệt tình sống, cuộc sống đạo đức, cuộc sống tâm linh cao cả, cuộc sống trong sáng, thanh tịnh, đầy lòng bao dung…

"Ngài (Đức Phật) đã thiết lập một đoàn thể tu sĩ, những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức, luôn luôn quan sát và phân tích để không bị ảo ảnh vật chất cuộc đời. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực trạng xã hội khủng hoảng ngày nay, con người bị cuốn trong cơn lốc văn minh vật chất, văn hóa ngoại lai sôi động, tư cách đạo đức của người tu sĩ đang đối diện những thử thách rất lớn", Thượng tọa Thích Nguyên Hạnh phân tích.

Cũng theo Thượng tọa Thích Nguyên Hạnh, nhân cách người tu sĩ đang được quan tâm hơn bao giờ hết, "vì đó chính là mạng mạch, là sự tồn vong của Phật pháp" . "Là người con Phật, học theo giáo pháp của Ngài, chúng ta không thể thờ ơ với cuộc sống, không đòi hỏi những hạnh phúc vật chất, không tham cầu bất chánh, mà hàng ngày sống thực hành những lời Phật dạy, trau dồi nhân phẩm... đó mới là chân tu", Thượng tọa Thích Nguyên Hạnh nói thêm.

Khánh Ngọc

Từ khóa: Nhà sư Thích Thanh Toàn nhà sư xin hoàn tục luật giới nhà phật quan hệ của con người luật quy định như thế nào Đại đức Thích Trí Thịnh Thượng tọa Thích Nguyên Hạnh

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/nha-su-xin-hoan-tuc-la-binh-thuong-nhung-xin-giu-tai-san-lai-la-dieu-bat-thuong-post315951.info