Nhà sư nói về vụ tài xế taxi đuổi sản phụ xuống xe: Tài xế giúp sản phụ đẻ trên xe không hề đen đủi mà là đang tạo phúc

Theo Thầy Thích Trí Thịnh – trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng (Hòa Bình), vì kiêng kị đẻ trên xe nên đuổi sản phụ xuống giữa đường dẫn tới cái chết đau lòng của em bé khi vừa chào đời là vô cảm và mê tín một cách mù quáng. Ngược lại, nếu anh ta cứu giúp sản phụ trong lúc lâm nguy ấy thì ngay cả việc sản phụ đẻ trên xe cũng không hề đen đủi mà là anh tài xế đang tạo phúc.

Vì sao con người trở nên vô cảm?

Đến hôm nay, sức khỏe của sản phụ Y ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước – người bị tài xế taxi đuổi xuống xe đã ổn định trở lại. Sản phụ Y vẫn đang được theo dõi tại bệnh viện sau sự cố bị bỏ mặc sinh con giữa đường. Về phía tài xế xe taxi sau sự việc cũng đã đến xin lỗi gia đình nạn nhân trong tình trạng tinh thần hoảng loạn.

Trước đó, theo giải thích của tài xế, do xe chạy dịch vụ nên kiêng sinh đẻ trên xe. Khi xe đang trên đường đến bệnh viện chị Y có dấu hiệu sắp sinh nên lái xe đã vô cùng hoảng sợ. Sau đó ông lấy tấm nilon trải xuống bên lề đường rồi yêu cầu chị Y và chồng xuống xe rồi lái xe bỏ đi.

Hành động thiếu tình người của tài xế taxi này đã gây phẫn nộ cho xã hội. Nhiều câu hỏi đặt ra là tại sao người tài xế lại có hành động như vậy? Con người có lòng từ bi thì lúc nào cũng cần ưu tiên việc giúp đỡ, cứu người, trong khi đó người tài xế lại đang chở một bệnh nhân vậy mà bỏ lại giữa đường mặc họ sống chết chỉ vì sợ xui xẻo.

Đây có lẽ không phải là chuyện duy nhất thể hiện sự "vô cảm" của một số người. Cách đây không lâu, dư luận đã lên án khi xem video clip ghi lại vụ tai nạn giao thông xảy ra ở Q.Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh). Người gây tai nạn đã xuống xe xem nạn nhân còn sống không rồi bỏ lên xe đi thẳng và có khá nhiều người đi qua ngó lơ hoặc xì xào rồi đi tiếp. Vụ tai nạn đó khiến một nữ nạn nhân bị tử vong trước sự bàng quang, vô cảm của người gây tai nạn lẫn nhiều người bất ngờ chứng kiến nhưng bình thản bỏ đi.

Sự vô cảm trong một vụ tai nạn giao thông

Sự vô cảm trong một vụ tai nạn giao thông

Sự vô cảm diễn ra ở nhiều góc độ khác nhau nhưng nhìn chung đều thấy nguyên nhân là sợ vạ lây, sợ mất thời gian cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng… Và chính trong sự việc người lái xe đuổi sản phụ xuống xe ở Bình Phước, ngoài việc kiêng kị mù quáng mê tín dị đoan, cũng xuất phát một phần từ "bệnh vô cảm" này. Người ta không nghĩ rằng việc làm của mình có thể dẫn tới hại người khác như vậy. Ở đây người mẹ được tiếp tục đưa đi cấp cứu kịp thời, nếu không thì cũng không biết chuyện gì xảy ra.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh từng có bài "sự vô cảm xuất phát từ việc khủng hoảng niềm tin" đã phân tích rằng, tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh, lối sống theo kiểu "đèn nhà ai nấy sáng", hàng xóm sát vách cũng không biết mặt nhau và cùng với đó là sự lên ngôi của chủ nghĩa vật chất, tính vị kỷ khiến mọi người chỉ chăm chăm lo cho hạnh phúc của bản thân hoặc gia đình mình. Do đó, khi có người gặp nạn người ta vô tình không để ý hoặc cố tình thờ ơ cho rằng đó không phải là việc của mình.

Tác hại của thái độ vô cảm trong cuộc sống không phải là chuyện nhỏ, nó không chỉ làm cho con người ngày càng trở nên sa sút về đạo đức mà còn có thể đưa đến nhẫn tâm. Và đau lòng hơn cả là những cái chết oan từ sự vô cảm đó.

Hành thiện là đang giúp chính bản thân

Về việc kiêng sinh đẻ trên xe vì sợ xui xẻo, trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội thầy Thích Trí Thịnh – trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng (Hòa Bình) cho rằng, điều này là hoàn toàn không đúng. Việc có xui hay may mắn chỉ là quan niệm, suy nghĩ của cá nhân mê tín một cách mù quáng.

Có những trường hợp sản phụ đã sinh con ở trên máy bay, người taxi tự tay đỡ đẻ cho sản phụ… Hãy thử xem lại những người đấy tới bây giờ có gặp điều xui xẻo hay không? Ngược lại, những hành động của họ lại được mọi người tán dương. Trong trường hợp này nếu như người tài xế cứu giúp người sản phụ lại là đang tạo phúc.

Theo thầy Thích Trí Thịnh, mặc dù người lái xe đuổi sản phụ xuống xe ở Bình Phước sau khi xảy ra việc này đã rất ân hận, lương tâm day dứt nhưng có làm điều này đã quá muộn. Giáo lí nhà Phật vẫn dạy rằng cứu khổ ban vui, nghĩa là việc gì đó đem lại hạnh phúc cho người, cho mình thì mình nên làm chứ không thể thờ ơ trước những việc ngay trước mắt. Điều đó không phù hợp với lương tâm, đạo đức hay bất kể một đạo nào chứ không riêng gì đạo Phật.

Sản phụ Y bị tài xế đuổi xuống xe. ảnh TL

Không sẵn lòng giúp đỡ những người gặp khó khăn hoạn nạn khi mình có điều kiện có thể giúp đỡ được, hoặc đi đường gặp người bị tai nạn vẫn bỏ đi không cứu giúp, thậm chí "hôi của" của người bị nạn là những việc làm đang thể hiện rõ sự vô cảm. Đó là do thiếu tính từ bi.

"Gieo nhân lành sẽ thu được quả lành, gieo nhân xấu thu được quả xấu. Hành thiện tích đức không chỉ là giúp người mà cũng chính là đang giúp bản thân mình. Việc làm tốt thì cuộc sống mình an lạc, an vui và đem lại sự an vui cho mọi người thì bản thân mình cũng được an vui. Khi cứu giúp người trong nguy kịch đừng quá đắn đo mà hãy nhanh tay cứu giúp, đừng để sinh mạng của họ mất đi, ta chỉ còn kịp nói lời hối tiếc thì đã quá muộn màng" – thầy Thịnh chia sẻ.

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/nha-su-noi-ve-vu-tai-xe-taxi-duoi-san-phu-xuong-xe-tai-xe-giup-san-phu-de-tren-xe-khong-he-den-dui-ma-la-dang-tao-phuc-20190820230537696.htm