Nhà sư lý giải chuyện gặp 'báo ứng' vì trộm cổ vật, đồ thờ

Trong dân gian vẫn truyền tụng rằng, chùa chiền vốn là chốn linh thiêng nên việc lấy cắp các hiện vật ở đây đều sẽ gặp 'báo ứng'. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, việc trộm cắp vốn là điều cấm kỵ và phạm pháp mà nói theo giáo lý nhà Phật là 'gieo nhân nào, gặp quả nấy'. Dân gian quen gọi đó là 'báo ứng' nhưng thực chất thì đó là hệ quả của việc 'quả báo' mà thôi.

Tượng cổ bằng vàng được người dân ở Quảng Nam đào được, nhưng không báo cho chính quyền mà đem bán “sang tay”. Ảnh: TL

Tượng cổ bằng vàng được người dân ở Quảng Nam đào được, nhưng không báo cho chính quyền mà đem bán “sang tay”. Ảnh: TL

Tưởng "phúc" lại thành "họa"

Việc có hay không chuyện gặp "báo ứng" vì lấy cắp đồ của nhà chùa cho đến nay không thể chứng minh và lý giải, nhưng các ngôi chùa, đình đền, miếu mạo đều là nơi thờ phụng các bậc thánh nhân, những người có công lao nên trong tâm thức của người Việt, đó là chốn linh thiêng nghiêm cẩn. Xét về đạo lý, việc hủy đền, phá miếu, làm thay đổi hiện trạng, lấy của chùa làm của riêng... theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì điều này vốn đi ngược lại truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc. Không ít hành động vì gian tà với chốn linh thiêng mà gặp những bất trắc, vận hạn trong cuộc sống đã được dân gian lưu truyền nhằm răn dạy con cháu biết gìn giữ và trân trọng cổ vật, đồ thờ ở chùa chiền.

Có một chuyện từng xảy ra cách đây 15 năm ở làng Phú Long 1 (xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam), nhưng đến giờ người làng vẫn nhớ như in và thầm nhắc nhau về câu “phúc họa - họa phúc”. Sau khi đào được bức tượng cổ bằng vàng là tượng thần Siva, có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ X, thay vì báo cho chính quyền thì những người đào được tượng đã bán cho giới chơi đồ cổ. Từ mức giá ban đầu là 68 lượng vàng, bức tượng đã được bán "sang tay" cho một trùm đồ cổ ở TPHCM với giá hơn 160 lượng. Trong phút chốc, cả người đào được tượng và người mua bỗng trở thành tỷ phú. Nhưng niềm vui chỉ diễn ra được ít ngày thì ngay sau đó, họ đã bị Công an tỉnh Quảng Nam triệu tập. Vụ án buôn bán hàng cấm được khởi tố. Những người có liên quan bị bắt tạm giam. Toàn bộ số vàng bán bức tượng đều bị tịch thu.

Một câu chuyện tương tự nữa cũng từng xảy ra ở Phật viện Đồng Dương (Quảng Nam) khi người dân đào được một bức tượng Bồ Tát bằng đá, được xác định là cổ vật quốc gia. Thay vì báo chính quyền, họ đã lén mang bán. Sau đó không lâu thì người này bị tai nạn giao thông. Dù khó có thể nói rằng đó là do "báo ứng", nhưng sự việc xảy ra gần với hành động bán cổ vật trước đó nên người dân không khỏi liên hệ để nhắc nhau rằng, nếu có tìm thấy tượng Phật thì cần phải báo cho chính quyền địa phương để phục vị cho ngôi chùa đã mất.

Nhiều con cháu đi "trả nợ" thay cho ông bà, cha mẹ

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm.

Nhiều năm đi giảng pháp ở các chùa lớn, nhỏ cả nước, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm không ít lần được nghe dân gian truyền miệng về các câu chuyện "báo ứng". Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết: “Tôi đã từng gặp nhiều người là con cháu của cha mẹ, ông bà, những người từng lấy đồ vật ở chùa tìm đến chùa, hoặc bảo tàng để trả lại. Có người cố ý, có người chỉ vì thấy viên đá ở chùa đẹp quá mà mang về nhà trưng bày. Do thấy tâm bất an, cuộc sống gặp những chuyện bất trắc nên lặn lội cả nghìn cây số để trả về nguyên trạng”.

Cũng theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm tại chùa Bằng (quận Hoàng Mai, Hà Nội), nơi Hòa thượng đang trụ trì cũng không ít lần xảy ra trộm cắp. Chùa có hai lư hương cổ bằng đồng thì 10 năm trước mất một cái, cái còn lại thì 3 năm gần đây cũng mất nốt. Sau mỗi lần mất trộm, chùa cũng tăng cường các biện pháp an ninh như: Làm thêm cửa, lắp khóa chống trộm, đặt camera... Nhưng theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: “Việc này cũng chẳng ăn thua gì vì kẻ trộm bây giờ nhiều người bị nghiện ma túy. Họ liều mạng đến mức chết còn không sợ thì nói gì đến chuyện sợ “báo ứng”. Nhà chùa có cẩn trọng đến đâu cũng khó mà phòng tránh tuyệt đối. Chẳng lẽ bây giờ lại “phòng” bằng cách lồng dây để khóa lư hương lại? Cũng có người “hiến kế” với tôi là gắn chip cho các pho tượng cổ để tránh mất cắp, nhưng biện pháp này rất khó khả thi so với sự manh động và tinh vi của đạo chích. Đến như hòm công đức ở chùa nặng như thế, tưởng như trộm chỉ có thể phá khóa thôi. Thế nhưng khi bị trộm khiêng hòm công đức, chúng tôi kiểm tra camera mới thấy chỉ có một người thực hiện mà thôi”.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói rằng, trước đây, việc lấy trộm đồ của nhà chùa chỉ diễn ra do thiếu hiểu biết, hay nhặt nhạnh ở các chùa để về làm của riêng. Chùa lại không có người trông coi thường xuyên như bây giờ nên cứ thế "tiện tay" mang về nhà mình. Nhưng qua các vụ mất trộm diễn ra mấy năm gần đây thì kẻ trộm đều có tính toán và thực hiện vô cùng tinh vi. Họ có thể vì tiền mà không sợ nhưng những người mua lại chắc chắn hiểu rất rõ sự nguy hại của việc "tiếp tay" này. Việc mang trả lại các đồ vật quý giá này không chỉ giữ gìn tài sản cho quốc gia mà đó còn là hành động tích đức cho chính họ.

Minh Nhật

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nha-su-ly-giai-chuyen-gap-bao-ung-vi-trom-co-vat-do-tho-20161014083607028.htm