Nhà sử học Dương Trung Quốc: Không nên khắt khe với vẻ đẹp dao kéo

Dù đánh giá cao các nỗ lực bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên của BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, tuy nhiên nhà sử học Dương Trung Quốc vẫn cho rằng, đã đến lúc cần nhìn nhận xu hướng làm đẹp thẩm mỹ như một hướng phát triển tất yếu.

Nhà sử học Dương Trung Quốc trong vai trò trưởng BGK cuộc thi HHVN 2018 cùng Hoa hậu Đặng Thu Thảo. Ảnh: BTC

“Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần từng bước thay đổi khái niệm về vẻ đẹp tự nhiên so với hiện tại. Thế nào là vẻ đẹp tự nhiên, thế nào là không can thiệp? Khi công nghệ làm đẹp đã phát triển bùng nổ trong đời sống của giới trẻ thì chúng ta có nên tiếp cận vẻ đẹp đó không? Rõ ràng, theo xu hướng hiện nay, quyền làm đẹp với họ là chính đáng”, ông nói.

Trưởng ban giám khảo cuộc thi HHVN 2018 nhấn mạnh, vì những quy định cũ mà năm nay, ở cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018, nhiều thí sinh bị loại vì can thiệp thẩm mỹ. Sửa một chiếc răng hay việc chỉnh sửa một chút ở mũi cũng làm họ bị mất cơ hội. Cuộc thi bị hạn chế phần nào về số lượng.

Theo ông, vẻ đẹp tự nhiên là đáng quý nhưng đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận thoáng hơn về “sự tự nhiên”, không nên khắt khe với vẻ đẹp dao kéo.

Việc tiếp cận và chấp nhận vẻ đẹp nhân tạo cần có quá trình, có sự nhận thức đúng đắn, chuẩn mực, khoa học và thấu đáo. Đây là xu thế để có sự hội nhập với thế giới.

Nhà sử học Dương Trung Quốc tin rằng, khi đời sống dần thay đổi thì các quy định cũng sẽ phải thay đổi.

“Nhấn mí mắt có nên xem là can thiệp thẩm mỹ không? Nâng mũi, chỉnh răng đến mức độ nào, trong hoàn cảnh phải theo ý kiến bác sĩ để đảm bảo sức khỏe, thẩm mỹ thì vẫn có thể chấp nhận”, ông bày tỏ.

Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh tại Miss World 2017. Ảnh: MissWorld

Ông Dương Trung Quốc cho rằng, rất khó đưa ra tiêu chí trở thành Hoa hậu Việt Nam 2018. Ngoài sự đồng thuận của giám khảo, điều quan trọng còn là sự đồng thuận từ dư luận. Tuy nhiên, không một hoa hậu nào có thể nhận được sự nhất trí tuyệt đối. Chuẩn mực về cái đẹp là không có chuẩn mực.

Trưởng BGK HHVN 2018 khẳng định, thực tế xã hội rất quan tâm đến việc một hoa hậu có phát huy được vai trò sau đăng quang hay không? Như thế, cuộc thi hoa hậu mới có giá trị bền vững.

Một hoa hậu có thể gây tranh cãi sau đăng quang. Nhưng họ có hai cơ hội để tỏa sáng, cơ hội thứ nhất là trong giây phút đăng quang. Cơ hội thứ hai là trong hai năm hoàn thành nhiệm kỳ hoa hậu của mình.

Không ít hoa hậu vì hoàn cảnh riêng hoặc vì cách quản lý mà không phát huy hay hoàn thành vai trò đương nhiệm của mình. Đó là điều đáng tiếc.

"Nhưng cũng có những người trong 2 năm đương nhiệm đã tỏa sáng hơn ở giây phút đăng quang. Ví dụ như trường hợp hoa hậu Đỗ Mỹ Linh. Tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của cô gái này, nhất là với các dự án xã hội mà cô đã được trao giải Hoa hậu Nhân ái trong cuộc thi Miss World 2017", nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.

Đào Bích

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/nha-su-hoc-duong-trung-quoc-khong-nen-khat-khe-voi-ve-dep-dao-keo-620690.ldo