Nhà sử học Đức: Vụ thảm sát Mỹ Lai là tội ác chiến tranh khủng khiếp

Theo nhà sử học Bernd Greiner ở Hamburg, vụ thảm sát Mỹ Lai là một tội ác chiến tranh khủng khiếp, song không phải là vụ cá biệt.

Thôn Mỹ Lai sau vụ thảm sát. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Thôn Mỹ Lai sau vụ thảm sát. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngày 28/3, đài phát thanh Đức Deutschlandfunk đăng phát thông tin về vụ thảm sát kinh hoàng do lính Mỹ thực hiện ở thôn Mỹ Lai thuộc làng Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 3/1968, trong đó làng mạc, nhà cửa bị đốt phá; hàng trăm phụ nữ, người già và trẻ em bị bắn giết.

Ba năm sau đó cũng vào ngày 29/3 (năm 1971), tòa án Mỹ chỉ kết tội duy nhất viên chỉ huy vụ thảm sát, người ngay sau đó lại được Tổng thống Mỹ thời đó ân xá, hành động mà theo công tố viên Mỹ Aubrey Daniel là đã biến một kẻ giết người hàng loạt thành người hùng.

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn nguồn tin trên cho biết, vào cuối năm 1965, khoảng 100.000 lính Mỹ đã đồn trú tại miền Nam Việt Nam, và đến năm 1968 thậm chí có lúc lên tới hơn nửa triệu người.

Mặc dù ném bom ồ ạt và sử dụng vũ khí tối tân, nhưng lính Mỹ vẫn không thể phá vỡ được cuộc kháng chiến của lính Bắc Việt và quân Việt Cộng.

Một đội quân được trang bị tốt không thể đạt được chiến thắng quyết định trong cuộc chiến tranh phi đối xứng trước chiến thuật du kích của đối thủ chủ yếu là vô hình.

Vụ thảm sát Mỹ Lai do một đơn vị lính Mỹ thực hiện ngày 16/3/1968, dưới sự chỉ huy của viên trung úy 24 tuổi William Calley không có kinh nghiệm.

Vào sáng sớm, chúng di chuyển bằng trực thăng tới làng Mỹ Lai và được lệnh tắm máu tất cả những gì "chuyển động" được nhìn thấy, dù đó là đàn ông, đàn bà, người già, trẻ em hay gia súc. Có tới 504 thường dân không có vũ trang đã bị lính Mỹ giết hại.

Theo nhà sử học Bernd Greiner ở Hamburg, vụ thảm sát Mỹ Lai là một tội ác chiến tranh khủng khiếp, song không phải là vụ cá biệt.

Theo ông, còn có hàng chục vụ thảm sát khác với quy mô khác nhau và theo ước tính một cách thận trọng, số nạn nhân có thể lên đến vài chục nghìn người.

Ông cũng cho rằng sẽ không bao giờ có thể xác định chính xác có bao nhiêu nạn nhân thực sự bị thương hoặc bị giết do hậu quả của các cuộc tấn công này.

Đài phát thanh Đức cũng dẫn thông tin của những người lính tham gia vụ thảm sát ở Mỹ Lai, trong đó có người sau khi trở về Mỹ trở thành nhà báo đã viết thư cho Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng và Tư lệnh lục quân.

Quân đội Mỹ cũng đã mở một cuộc điều tra nội bộ, nhưng vẫn tìm cách che giấu những tội ác chiến tranh gây ra ở Việt Nam.

Ngoài ra, có binh sĩ đã suy sụp tinh thần sau chiến tranh, bởi khi tới Việt Nam còn là một người chưa biết gì về chiến tranh, nhưng khi trở về đã trở thành kẻ giết người.

Ngày 29/3/1971, tòa án quân sự Mỹ kết án Calley tội cố ý giết chết 22 dân thường và một đứa trẻ 2 tuổi với mức án tù chung thân.

Tuy nhiên, tên này chỉ thụ án 3 năm trong tù do được Tổng thống Richard Nixon ân xá và chịu lệnh quản thúc tại gia/.

Mạnh Hùng (P/v TTXVN tại Berlin)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nha-su-hoc-duc-vu-tham-sat-my-lai-la-toi-ac-chien-tranh-khung-khiep/190921.html