Nhà sư dẫn dụ trẻ đọc sách

Trong số các cá nhân có công lớn trong việc khuyến đọc được vinh danh nhân tháng sách năm nay, có tên của nhà sư Thích Nữ Quảng Phát. Đây là người mà theo đề cử của biên tập viên nhà xuất bản Phụ Nữ: đã có công 'dẫn dụ' thói quen đọc cho hàng ngàn học sinh ở Thái Bình.

Sư cô Thích Nữ Quảng Phát.

Từng thất bại vì khuyến đọc

Sư cô Thích Nữ Quảng Phát hiện là trụ trì chùa Thiên Phúc, thôn Tân Hóa, xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Từ nhỏ được người cha nông dân hướng đến thói quen đọc sách, sau này theo con đường tu hành, sư cô vẫn là một “mọt sách” có thể “đọc mọi thứ trên đời”.

Giống như tất cả những người mê sách khác, sư cô có thói quen tìm mua và trữ sách. Đến một số lượng nhất định thì giật mình, để yên trong thư viện chùa thì quá phí, thế là nghĩ cách để những cuốn sách có ích với nhiều người hơn. Từ rất trẻ, sư cô đã mong muốn lập các tủ sách, để ai cũng có thể đọc, để những cuốn sách được truyền tay đến cũ mèm, để nhân lên giá trị sử dụng của chúng.

Có người dùng một năm, hai năm, năm năm, có người dùng cả đời mới viết ra được một cuốn sách. Chúng ta chỉ là người thụ hưởng thành quả đó, hạnh phúc thế sao bạn không đọc?”

Sư cô Thích Nữ Quảng Phát

Gần chùa có một lớp học thêm, học sinh đi học ngày nào cũng hai lượt qua chùa. Thấy cảnh chùa đẹp, lại có trẻ con sống ở trong (nhà chùa nhận nuôi 5 trẻ mồ côi), bọn trẻ tò mò vào chơi. Sư cô Thích Nữ Quảng Phát bắt đầu giới thiệu sách cho 54 học sinh này. Bắt đầu từ những cuốn sách có hình, những câu chuyện phiêu lưu và hấp dẫn. Trẻ con nhà quê, các phương tiện giải trí có hạn, cho nên những câu chuyện từ sách giống như mở ra những cửa sổ mới, những chân trời phiêu lưu chúng chưa thấy bao giờ. Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, 54 học sinh bị tủ sách của sư cô hấp dẫn. Ngoài giờ học, chúng gần như có mặt ở chùa, để đọc sách, chơi đùa. Một số thầy cô giáo cho rằng, sự say mê này không ổn nên cấm học sinh đến chùa. Phụ huynh nghe lời thầy cô, cũng cấm con sa đà vào sách. Lớp độc giả đầu tiên cứ thế mà tan!

Mãi đến gần hai năm sau, khi nhóm tình nguyện Hoa Mặt Trời do cô giáo Dương Lệ Nga giới thiệu tìm đến chùa Thiên Phúc, tủ sách khuyến đọc của sư cô Thích Nữ Quảng Phát mới thật sự phát huy công dụng. Nhà chùa trở thành thư viện của toàn bộ học sinh cấp hai, cấp ba huyện Quỳnh Phụ. Không những thế, phụ huynh, khách thập phương cũng từ từ bị sư cô dùng phương pháp “mưa dầm thấm đất” mà trở nên thích sách và có thói quen đi tìm lời giải cho nhiều vấn đề trong sách. Câu nói mà sư cô hay nhắc, và được mọi người nhắc lại là: “Những gì mà chúng ta được học ở trường như nắm lá trong lòng bàn tay, những cái ta chưa biết như nắm lá trong rừng. Vì thế, muốn biết nhiều hơn, chỉ có thông qua sách”.

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Trồng hoa để dụ trẻ con đến thư viện

“Bản chất của trẻ con là ham chơi, rất khó để bắt chúng ngồi cả tiếng đồng hồ đọc sách, trừ khi đó là truyện tranh hay những cuốn sách phiêu lưu ký cực kỳ hấp dẫn. Mà trước khi chúng ngồi đọc, phải thuyết phục được sách hay như thế nào, hấp dẫn làm sao” sư cô kể. Cho nên, một trong những việc đầu tiên của con đường khuyến đọc của một nhà sư là… trồng hoa. “Khuôn viên chùa phải thật đẹp bọn trẻ mới tò mò vào xem. Gặp được chúng mới có cơ hội nói chuyện và giới thiệu sách. Thói quen đọc cũng không phải ngày một ngày hai mà thành, phải kiên trì, lặp lại, mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng. Cho nên, tôi biến chùa thành thư viện, vừa đẹp, vừa mát, lại yên tĩnh, nhiều sách, miễn phí. Trẻ con đến lúc nào cũng được. Sách có thể đọc tại chỗ, cũng có thể mượn về nhà”.

Nói đến vườn hoa ở chùa Thiên Phúc, cũng tốn nhiều công sức của sư cô. Có tiền, sư cô mua giống mới. Đi nói chuyện về khuyến đọc với các nhà xuất bản, sư cô cũng tính, chiều về sẽ qua Hưng Yên mua cây giống vì vừa rẻ vừa lạ. Hơn nữa, nếu mua nhiều còn được tặng thêm những chậu nhỏ. Về, loại nào khó trồng, khó chăm, sư cô tìm thêm kinh nghiệm trong sách. Thường, khi đã “quen tính quen nết” của hoa, sư cô bắt đầu nhân giống, trồng đại trà. Khách đến chùa, nếu yêu hoa sẽ được tặng một hai cây giống về trồng thử. Khu vực đọc sách của chùa Thiên Phúc hiện được đánh giá là địa điểm đọc đẹp nhất ở huyện Quỳnh Phụ bởi phong cảnh hữu tình và có một sư trụ trì bất cứ lúc nào rảnh cũng thấy cầm trên tay một cuốn sách.

Sư cô trong một chuyến đi từ thiện.

Từ tấm gương của nhóm Hoa Mặt Trời, các phụ huynh ở Quỳnh Phụ không còn cấm con vào chùa đọc sách nữa. Bọn trẻ được thả lỏng, đi học tranh thủ rẽ vào chùa, tan học cũng phải tranh thủ đọc mươi mười lăm phút mới về nhà.

Nguyễn Hoàng Hà - học sinh lớp 8 trường Trung học cơ sở Quỳnh Hội, thôn Tân Hóa, xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, trưởng nhóm Câu lạc bộ Đọc sách của Chùa Thiên Phúc, Thái Bình chia sẻ: các bạn thích đọc sách trong chùa vì ở đây sư cô khuyến khích vừa đọc vừa chơi. Mà toàn là chơi các trò chơi dân gian như ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, nhảy lò cò… Cũng có lúc sư cô dạy tụi em ngồi thiền hoặc hướng dẫn các bạn làm vệ sinh chùa, nhặt rác, gom lá cây. Vào các kỳ lễ, tết, ở chùa sẽ có những hoạt động khuyến đọc như tổ chức cây sách (sách treo trên cây để mọi người cùng thưởng thức), tổ chức trò chơi, bán hàng tự nấu để gây quỹ v.v… Hội đọc sách chùa Thiên Phúc giờ đã được nhiều nơi hưởng ứng, có cả các trường ở tỉnh khác cũng đến học tập mô hình đọc sách này”.

Hơn 5.000 đầu sách

Ngẫu nhiên, qua sự giới thiệu của bạn bè facebook, mô hình thư viện sách miễn phí ở chùa Thiên Phúc nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người khắp trong Nam ngoài Bắc. Sách được tặng nhiều lên, hiện thư viện chùa Thiên Phúc có tới hơn 5.000 đầu sách các loại. Việc sư cô Thích Nữ Quảng Phát thích nhất là tìm được một cuốn sách hay, sau đó thuyết phục mọi người cùng đọc nó. Tất nhiên, thuyết phục xong, sư cô sẽ đem sách ở chùa tặng cho người cần. Không ít người sau đó kể lại đời họ thay đổi sau khi tìm được các “kho vàng” trong sách.

Cây sách ở chùa Thiên Phúc.

Mô hình khuyến đọc của sư cô cũng thu hút cả những người đọc đặc biệt, như thần đồng Đỗ Nhật Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa, người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam (bình chọn của Forbes Việt Nam) Bùi Trân Phượng v.v… Một phó hiệu trưởng tận tỉnh Bắc Giang cũng đã tìm về tận Thái Bình để học tập cách khuyến đọc của sư cô Thích Nữ Quảng Phát.

Bây giờ, người tìm đến sư cô để mượn và xin sách ngày một nhiều. Bản thân sư cô vẫn không ngừng thói quen giới thiệu sách mới và khuyến khích già, trẻ, gái, trai cùng đọc sách. “Tác giả và dịch giả đã bỏ thời gian, trí tuệ để cho ra đời những cuốn sách hay. Có người dùng một năm, hai năm, năm năm, có người dùng cả đời mới viết ra được một cuốn sách. Chúng ta chỉ là người thụ hưởng thành quả đó, hạnh phúc thế sao bạn không đọc? Chúng ta chỉ thụ hưởng thôi mà”. Status này của sư cô đã được hội yêu sách nồng nhiệt chào đón, gần như thành slogan cho những chương trình khuyến đọc sau này.

Trước đây, sư cô từng là hiệu trưởng một trường mầm non trong chùa (lập ra để nuôi dạy những trẻ mồ côi) từ năm 2003 đến năm 2015 mới nghỉ. Tác dụng của sách được sư cô nhấn mạnh: “Khi nuôi dạy trẻ con, người ta hay la mắng vì bất lực. Tôi cũng có lúc la mắng. Không phải nhà tu hành nào cũng đắc đạo đến mức chuyện gì cũng chỉ cười xòa một cái. Tôi cũng lầm lỗi như thế. Sau này, khi đọc được cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương”, tôi học được rất nhiều bài học, để giải quyết sự bực mình và bất lực của mình. Đơn giản là chỉ cần thay đổi ngôn ngữ. Thay vì ra lệnh, la hét trẻ, thì hãy biến những ý muốn của mình thành trò chơi, hoặc những câu chuyện. Phật có dạy: Nếu muốn ai làm theo ý mình, cho họ cái họ muốn. Trẻ con muốn vui chơi, cho nên, giáo dục nó, chỉ cần vừa học vừa chơi. Cuốn sách đã thay đổi phương pháp giáo dục của tôi. Tôi rất muốn tặng cho giáo viên ở gần chùa mỗi người một cuốn sách này. Và sẽ tìm cách để tặng”.

Đạt Nhi

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/nha-su-dan-du-tre-doc-sach-1264748.tpo