Nhà sáng lập Daum: Việt Nam có thể trở thành 'nông trại' nuôi dưỡng các kỳ lân

Ông Lee Jae Woong, nhà sáng lập Daum- kỳ lân công nghệ đầu tiên của Hàn Quốc cho rằng, trong tương lai gần, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành 'nông trại' nuôi dưỡng các kỳ lân (giá trị vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD) mới của khu vực và thế giới.

Tham gia chia sẻ tại Tech Summit do Forbes Việt Nam tổ chức sáng nay (14/03) tại TP.HCM, ông Lee Jae Woong đánh giá, thị trường công nghệ Việt Nam hiện nay có nhiều điểm tương đồng so với Hàn Quốc thời điểm năm 1995.

“Khi thành lập Daum, độ tuổi trung bình người Hàn Quốc khi đó là 29 rất tương đồng với thời điểm hiện tại của Việt Nam cùng với đó là văn hóa doanh nhân với thế hệ đam mê công nghệ”, ông Lee Jae Woong nói.

1995 là năm Lee Jae Woong tròn 26 tuổi và bắt đầu thành lập Daum, với nhiều khó khăn nhưng chỉ 5 năm sau đó, công ty này niêm yết và trở thành kỳ lân công nghệ đầu tiên của Hàn Quốc. Năm 2005, Daum được định giá 10 tỷ USD, với 4.000 nhân viên.

Daum Communications khi đó nay là Kakao -một công ty truyền thông Internet công cộng lớn và dẫn đầu ở châu Á.

Trong nhận định của nhiều quỹ đầu tư, bao gồm cả quỹ đầu tư mạo hiểm Yellowdog do ông Lee sáng lập, Việt Nam không chỉ nổi lên với lợi thế về đông dân, dân số trẻ, hay lao động giá rẻ,…mà kinh tế tăng trưởng và văn hóa doanh nhân, cũng như cơ sở hạ tầng đang phát triển sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng trở thành thị trường thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư vào giới start-up.

“Việt Nam có thể trở thành trang trại tương lai nuôi dưỡng các công ty kỳ lân (Việt Nam is future unicorn farm- PV). Khi kỳ lân đầu tiên của Việt Nam xuất hiện sẽ trở thành tấm gương, tạo hiệu ứng cánh bướm cũng như góp phần xây dựng hệ sinh thái cho nhiều kỳ lân con xuất hiện”, ông Lee Jae Woong nói và đánh giá, hiện là thời gian để start-up Việt Nam nhảy vọt.

Cùng với đó là cần nuôi dưỡng những tham vọng lớn hơn, để hướng đến mục tiêu cao hơn, như vươn ra thị trường Châu Á, cũng như toàn cầu.

Nhà đầu tư đầu tiên của Daum đến từ Đức được ông Lee Jae Woong ví von như que diêm nhỏ bé nhưng tạo nên sự thay đổi vô cùng to lớn với Daum, cũng như nhận định của thị trường.

Bởi sau 4 năm thành lập, Daum không thể gọi được vốn đầu tư cũng như các nhà đầu tư trên thị trường, bởi họ quan tâm đến ngành da như sản xuất thắt lưng da, chứ không phải doanh nghiệp công nghệ.

Vì mục tiêu phát triển trên toàn cầu nên đội ngũ sáng lập Daum đã tiếp cận nhà đầu quốc tế. Nhà đầu tư Đức chỉ rót vào vài triệu USD nhưng đã góp phần thay đổi nhìn nhận của thị trường về công ty Hàn Quốc khi đó.

Nhìn vào thị trường Việt Nam, ông Lee đánh giá, chú trọng đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc sẽ trở thành nền tảng tốt để start-up Việt Nam có cơ sở nhảy vọt.

Ông Lee cũng là giám đốc điều hành của Socar – một trong những công ty chia sẻ xe hơi lớn nhất thế giới và là cổ đông lớn nhất của công ty với 45% cổ phần.

Năm 2008, sau khi rời vị trí CEO của Daum, ông bắt đầu tập trung vào xây dựng hệ sinh thái đầu tư tạo tác động xã hội (impact investment ecosystem).

Jaewoong Lee cũng là người sáng lập Mediati – vườn ươm khởi nghiệp về truyền thông, Yellowdog – quỹ đầu tư mạo hiểm, Sopoong – vườn ươm liên doanh xã hội và nhiều công ty khác trong lĩnh vực đầu tư tạo tác động xã hội.

Hồng Phúc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nha-sang-lap-daum-viet-nam-co-the-tro-thanh-nong-trai-nuoi-duong-cac-ky-lan-d96849.html