Nhà sản xuất Đức Ngụy chia sẻ những 'bão táp' với bộ phim về thời thanh xuân

Nhìn lại hành trình 3 năm rong ruổi với bộ phim về tuổi thanh xuân, Đức Ngụy gọi đó là hành trình rất 'điên' mà không phải ai cũng liều lĩnh lựa chọn…

Mặc dù là cái tên khá nổi trong giới trẻ từ các bộ phim Bão qua làng, Con đường số phận, Học sinh phố… nhưng cái tên Đức Ngụy thực sự được biết tới nhiều hơn qua các dự án phim sitcom của VTC như: Khi tôi đi học 1,2 và Bố ơi, con sai rồi. Không chỉ đảm nhận các vai diễn với nhiều tính cách, Đức Ngụy còn là nhà sản xuất, viết kịch bản trong các dự án phim ngắn của mình.

Trước khi niềm đam mê diễn xuất cuốn đi, Ngụy Quang Đức (nghệ danh Đức Ngụy), SN 1993, tại Hà Nội từng được bố mẹ định hướng học ngành y theo truyền thống của gia đình. Sau khi tốt nghiệp khoa Quản trị nhân lực trường ĐH Lao động - xã hội, Đức Ngụy rẽ ngang chọn học tiếp trường ĐH Sân khấu – điện ảnh Hà Nội. Quyết định chọn con đường nghệ thuật của chàng trai 9X đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình. Nhưng, bằng thái độ nghiêm túc chuyên tâm với môn nghệ thuật, gia đình dần ủng hộ.

Kỷ niệm Đức Ngụy nhớ nhất khi làm phim học đường là khi quay phim Khi tôi đi học có một cảnh đánh nhau bạn diễn của mình là anh Lynk Lee. Để thực hiện cảnh quay đấy, hai anh em đẩy nhau như sắp đánh nhau thật. Đến đoạn cao trào anh Lynk dừng lại hỏi “anh đẩy em hơi đau tí em chịu khó nha” khiến cả đoàn phim phá lên cười.

Nhà sản xuất, diễn viên Đức Ngụy. (Ảnh: FBNV)

Nhà sản xuất, diễn viên Đức Ngụy. (Ảnh: FBNV)

Đam mê nghệ thuật nên khi học đến năm thứ 2 trường ĐH Sân khấu – điện ảnh cũng là thời điểm Đức Ngụy ấp ủ thực hiện bộ phim thanh xuân vườn trường. Kể từ lần đầu tiên đọc tiểu thuyết “Ranh giới” (tác giả Hoàng Trung Hiếu – Rain8X) được gây sốt trên mạng xã hội là lúc Đức Ngụy học lớp 10. Đức Ngụy ấn tượng với cách kể chuyện của tác giả cũng như những vấn đề gai góc trong từng câu chuyện được nhắc đến.

Có điều lạ là một thời gian ngắn sau, tác giả dừng viết. Đức Ngụy cũng không thể ngờ rằng, gần 7 năm sau, tình cờ vào đọc lại tiểu thuyết và biết thông tin tác giả đã trở lại, cảm xúc ban đầu thôi thúc Đức Ngụy phải tìm gặp được chính tác giả và xin phép chuyển thể tiểu thuyết lên phim. Tuy nhiên, cuộc gặp đầu tiên thất bại. Tác giả Hoàng Trung Hiếu đã ngăn cản ê-kíp làm phim vì sợ nội dung khi chuyển thể nếu làm không khéo, câu chuyện tình yêu, tình dục học đường trở nên phản cảm.

Bằng sự chân thành, Đức Ngụy và Xuân Hùng đã nhận được cái gật đầu của tác giả. Và tác giả Hoàng Trung Hiếu cũng đảm nhận vai trò cố vấn cho dự án phim điện ảnh. Bộ phim “Tháng 5 để dành” gói gọn 1 tiếng rưỡi ra mắt khán giả cả nước với thước phim đẹp, diễn xuất ăn ý của các diễn viên trẻ nhưng bộ phim là một hành trình dài hơn 1.000 ngày.

Nhà sản xuất Đức Ngụy chia sẻ về những khó khăn làm phim khi ê-kíp là những người trẻ tuổi đời và tuổi nghề. Vì tiểu thuyết đều là những câu chuyện thật được tác giả kể với ngôn ngữ văn chương nên đòi hỏi việc chuyển qua ngôn ngữ điện ảnh phải tôn trọng khá nhiều phiên bản gốc. Nhớ lại những ngày đầu đi tìm bối cảnh, cả ê-kíp làm phim đã lặn lội về các địa điểm ở Sóc Sơn, Chương Mỹ tìm kiếm.

Bối cảnh ở nhà bà cụ Mai Ngọc (Minh Trang thủ vai) là khó khăn nhất. Nhưng may mắn, trong một lần thực địa, ê-kíp tìm được một ngôi nhà cũ nằm cạnh vách núi na ná với bối cảnh tác giả viết trong tiểu thuyết. Việc tuyển các diễn viên không khó khăn thì bộ ba diễn viên chính là Xuân Hùng (vai Hiếu) – Huyền Trang (vai Mai Ngọc) – Đức Ngụy (vai Sơn) đều là những người bạn đúng nghĩa cả trên phim và ngoài đời. Thời điểm làm phim, máy quay điện ảnh ở miền Bắc không nhiều. Nhà sản xuất đã phải thuê máy quay phim chuyển từ miền Nam ra Hà Nội.

Bộ phim quay từ năm 2016, dự tính sẽ phát hành năm 2017. Tuy nhiên, với yêu cầu của nhà sản xuất Đức Ngụy đối với đạo diễn trẻ Lê Hà Nguyên là cần nhiều góc máy quay hơn, các diễn viên có độ diễn xuất cao hơn, mạch phim sâu,… nên ê-kíp đã phải làm 3 bản phim trong 3 đợt quay khác nhau. Nhà sản xuất Đức Ngụy thấm thía về thảm cảnh khi đến bản chỉnh sửa lần 2, bộ phim đã rơi ra khỏi nhân vật. Dự án phim điện ảnh đầu tay rơi vào khoảng chơi vơi.

Chính đam mê đã trở thành động lực để ê-kíp quyết tâm hoàn thành đúng mục tiêu ban đầu. Bản chỉnh sửa lần 3 khá ưng ý. Nhưng, bối cảnh quay phim rơi vào mùa đông cũng là phép thử đối với diễn viên. Đức Ngụy thẳng thắn chia sẻ sự khâm phục với diễn viên Minh Trang, Xuân Hiếu khi cả hai vẫn diễn xuất ăn ý ở bờ sông trong thời tiết 5 độ C.

Thời điểm hiện tại, phim điện ảnh miền Nam chiếm sóng cũng là áp lực đối với những nhà làm phim điện ảnh phía Bắc. Nhà sản xuất Đức Ngụy bộc bạch: “Nhìn lại hành trình gần 1.000 ngày, em chỉ muốn nhắc đến từ rất “điên” khi đã điên hết mình cho bộ phim. Nhiều người khuyên không nên làm vì làm phim điện ảnh phía Bắc xác định “lỗ” vì khó cạnh tranh với các phim miền Nam. Nhưng, chúng em, độ 22 tuổi, đơn giản là quá yêu câu chuyện và mong mang câu chuyện đẹp đến với nhiều người hơn trên màn ảnh rộng”. Dù không bật mí về kinh phí thực hiện bộ phim, nhưng Đức Ngụy cho hay, cậu có một Cty về xuất nhập khẩu và sự hợp tác với Xuân Hùng, cả hai đã bỏ tiền túi để đầu tư làm phim.

Đảm nhận vai Sơn, chàng học sinh “quậy”, Đức Ngụy đã phải không cắt tóc trong gần 1 năm. Thậm chí, còn phải nối tóc giả. Đức Ngụy vẫn còn ám ảnh mỗi cảnh quay phải nối tóc và gội đầu vào mùa đông. Hay những ngày quay hình không ngủ 36 tiếng, rồi thức đêm để dựng phim,… đối với Đức Ngụy, ngày tháng ăn, ngủ với phim là những kỷ niệm đáng nhớ. Có lúc, Đức Ngụy ngủ cũng mơ về bộ phim, giật mình tỉnh giấc và lại cặm cụi viết kịch bản về giấc mơ đó.

Bộ phim về thời thanh xuân mới ra rạp độ hơn gần chục ngày nhưng đã để lại nhiều ấn tượng với khán giả. Đối với ê-kíp “Tháng 5 để dành”, bộ phim đông khán giả đến rạp, rồi có khán giả thực hiện chuyến bay tìm về thanh xuân dài nhất từ Tokyo (Nhật Bản) về Hà Nội xem phim, có khán giả 9 lần xem phim hay khán giả 88 tuổi đến xem phim và còn mong nhanh có “Tháng 5 để dành” phần 2 là những “kỷ lục” đáng yêu để những nhà làm phim trẻ có thêm động lực trên con đường chinh phục hành trình nghệ thuật sắp tới.

Vi Giáng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nha-san-xuat-duc-nguy-chia-se-nhung-bao-tap-voi-bo-phim-ve-thoi-thanh-xuan-150556.html