Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế: Cần đổi mới hơn nữa cách nghĩ, cách làm

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện quyết liệt hơn nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới

Tiếp tục chương trình làm việc tại phiên họp thứ 4, chiều nay 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện quyết liệt để phục hồi kinh tế

Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã được thực hiện và mang lại nhiều kết quả quan trọng. Qua đánh giá cho thấy có 17/22 mục tiêu của Kế hoạch đã được hoàn thành, 5 nhóm nhiệm vụ đã được tập trung triển khai.

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,79% cao hơn mức 4,27% giai đoạn 2011-2015; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt bình quân 45,42% cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 30-35%.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, việc triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Trong đó việc cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm chưa hoàn thành theo mục tiêu Kế hoạch đề ra; thu ngân sách nhà nước chưa thực sự bền vững, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19; việc quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công còn bất cập, gây lãng phí, thất thoát; Nợ công còn tiềm ẩn rủi ro...

Chính phủ cũng nhận định thời gian tới khó khăn, thách thức nhiều hơn. Đặc biệt, dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp và còn có thể kéo dài, tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gẫy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Trước bối cảnh đó, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện quyết liệt hơn nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

Chính vì vậy, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025 đặt ra 5 quan điểm; 6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cũng như xác định 135 nhiệm vụ phân công cho các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu, phát tính huy chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phối hợp đi đôi với tăng cường đánh giá, kiểm tra, giám sát.

Đổi mới hơn nữa cách nghĩ, cách làm

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 một cách đúng hướng, bài bản, đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó có 5 mục tiêu quan trọng hoàn thành vượt xa so với mục tiêu đề ra, cho thấy viêc triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đi đúng hướng, có sự chuyển biến về chất lượng tăng trưởng và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, từ đó tạo tiền đề thuận lợi cho những đổi mới và đột phá trong tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn tiếp theo.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quốc hội

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc không hoàn thành 5/22 mục tiêu, chiếm 22,73% tổng số mục tiêu đề ra tại Kế hoạch cần phải được đánh giá làm rõ nguyên nhân, bởi đây đều là những mục tiêu quan trọng chủ yếu liên quan đến khu vực công như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động.

Cơ cấu lại đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiệu quả đầu tư công chưa cao. Sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DNNN còn chậm tiến độ, đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch, chỉ mới tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn số lượng; hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được giao.

Một số dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài chậm được xử lý dứt điểm, yếu kém trong công tác định giá doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa gây thất thoát vốn, tài sản công. Kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế...

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến cho rằng, việc xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước, đồng thời đưa các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025 đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, không cần thiết đưa nội dung cơ cấu lại nền kinh tế thành một kế hoạch riêng vì khá nhiều nội dung của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 trùng lặp với nội dung đã được nêu tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Về cơ bản, Ủy ban Kinh tế nhất trí với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu để ra tại Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021 - 2025 trên cơ sở tiếp tục các nhiệm vụ cơ cấu lại từ giai đoạn trước, đồng thời tách một số nội dung thành nhiệm vụ riêng để cho thấy rõ nét trọng tâm, trọng điểm và điểm mới trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025

“Cần có biện pháp quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đổi mới hơn nữa trong cách nghĩ, cách làm để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao” – ông Vũ Hồng Thanh nói./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/ke-hoach-co-cau-lai-nen-kinh-te-can-doi-moi-hon-nua-cach-nghi-cach-lam-897399.vov