Nhà Phê bình văn học La Khắc Hòa không có đối thủ trong việc gây cười

Thật hiếm có Nhà Phê bình văn học nào lại gây tiếng cười khi bàn về văn học như La Khắc Hòa. Mỗi lần ông nói, hầu như ai cũng phải bật cười. Mới đây nhất, tại buổi nói chuyện với sinh viên Khoa Văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, một lần nữa, La Khắc Hòa lại khiến sinh viên cười 'rụng rốn'.

Nhà Phê bình văn học La Khắc Hòa (Lã Nguyên) tại buổi nói chuyện với sinh viên Khoa Văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, vào cuối tháng 6/2020. Ảnh Vũ Gia Hà

Nhà Phê bình văn học La Khắc Hòa (Lã Nguyên) tại buổi nói chuyện với sinh viên Khoa Văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, vào cuối tháng 6/2020. Ảnh Vũ Gia Hà

Nhà Phê bình Phạm Xuân Nguyên có biệt tài “câu lai” mỗi lần đăng ảnh tóc râu lên phây búc. Còn Nhà Phê bình La Khắc Hòa lại có biệt tài gây cười khi bàn về văn học. La Khắc Hòa có bút danh khác là Lã Nguyên, cả hai tên này đều “nặng ký” trên văn đàn.

Những cuốn sách như “Lý luận văn học Nga hậu Xô viết”, “Số phận lịch sử của các lý thuyết văn học”, “Phê bình kí hiệu học – đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ”... và nhiều bài phê bình văn học rải rác của La Khắc Hòa giúp cho người yêu văn học có cái nhìn sâu sắc hơn về văn học.

Đọc La Khắc Hòa, chúng ta còn thấy được cái hấp dẫn lôi cuốn bởi những tìm tòi mới lạ của ông. Như khi ông viết về Tố Hữu, Nguyễn Tuân... những tác giả này dường như chẳng còn gì mà “đào xới”, nhưng đến La Khắc Hòa, lại thấy được vàng. Đọc La Khắc Hòa nếu qua loa sẽ không hiểu được, nhưng khi đọc hết, sẽ thấy được nhiều điểm thú vị ngoài văn học.

Ở bài viết ngắn này không bàn về cống hiến về phê bình văn học của La Khắc Hòa, mà bàn về tính hài hước của ông mỗi lần phát biểu. Lần gần nhất, khi nói về sự cô độc của nhân vật trong “Cô độc” của Uông Triều, ông đùa: “Cô độc mà như anh trong tác phẩm này, sảnh ra cái là có gái và rượu, cô độc như vậy ai mà chẳng thích, tôi cũng muốn được cô độc như nhân vật đó”. Rồi ông hứa hẹn sẽ viết bài về “Cô độc” như kiểu hứa hẹn với cô mới quen mà không thích.

Mới đây, tại buổi nói chuyện với sinh viên Khoa Văn – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khi bàn về giai thoại, La Khắc Hòa nói: “Tôi suốt đời cãi trong đầu với Hoàng Ngọc Hiến về giai thoại. Nhưng tôi cãi khe khẽ thôi”. Rồi ông nói tiếp: “Tôi cấm các vị gán ghép các thứ cho tác giả”. Ông nói cứ như kiểu ông là thẩm phán, là công an.

Bàn về “hình dạng” tác phẩm, La Khắc Hòa dùng chữ “chui tọt” nghe thật “rụng rốn”: “Hiện nay, nhiều thể loại chui tọt vào một tác phẩm”. Đương nhiên, bên cạnh sự dí dỏm đó, La Khắc Hòa luôn luôn có những phát hiện mới không ngờ về vấn đề cũ, như khi nói về điểm nhìn, thể loại, ngôn ngữ, lý thuyết, quan điểm... La Khắc Hòa còn khoe riêng với tôi về một phát hiện mới về một giai đoạn văn học Việt Nam, và chắc rằng, khi ông viết ra, nhiều người sẽ... giật mình.

Vũ Gia Hà

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nha-phe-binh-van-hoc-la-khac-hoa-khong-co-doi-thu-trong-viec-gay-cuoi-77844