Nhà ống bê tông bóp nghẹt Đà Lạt

Do quy hoạch thiếu hợp lý, Đà Lạt đang bị bóp nghẹt bởi tình trạng bê tông hóa, nhà ống tràn lan. Từ đó thành phố dần đánh mất vẻ đặc trưng 'đô thị ẩn trong thiên nhiên' hiếm có.

Có biệt danh là "thành phố ngàn hoa" nhưng Đà Lạt giờ đây đã không còn nhiều khoảng xanh thơ mộng, thay vào đó là những căn nhà ống nằm san sát.

 Việc quy hoạch thiếu đồng bộ đã khiến tình trạng bê tông hóa đô thị tràn lan. Bê tông bóp nghẹt những khoảng xanh ít ỏi còn lại của thành phố.

Việc quy hoạch thiếu đồng bộ đã khiến tình trạng bê tông hóa đô thị tràn lan. Bê tông bóp nghẹt những khoảng xanh ít ỏi còn lại của thành phố.

Theo công bố hiện trạng rừng của Bộ NN&PTNT, độ che phủ rừng của Đà Lạt chỉ chiếm 49%.

Nhìn từ trên cao, quang cảnh nơi từng là địa danh nghỉ dưỡng nổi tiếng được người Pháp khám phá và xây dựng nay không khác gì những đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội.

Nếu không tính các rừng phòng hộ ở khu vực ngoại ô như đèo Prenn, đèo Tà Nung… thì có thể nói Đà Lạt đã không còn mảng xanh.

Kiến trúc Đà Lạt được xây dựng dựa theo địa hình đồi núi, nhà phía trước thấp hơn nhà sau để đảm bảo khoảng không gian tầm nhìn, nhà được xây với mái ngói nhọn. Nhưng hiện nay, các dãy nhà mọc chen chúc, nhà trước chắn nhà sau, mái ngói thay thế bằng mái bằng, mái tôn.

Giới kiến trúc cũng nhận định quy hoạch Đà Lạt đang có nhiều điểm bất hợp lý, đánh mất bản sắc "đô thị ẩn trong thiên nhiên" của thành phố. Nhiều kiến trúc sư cho rằng nhà ống hiện đã bóp nghẹt thành phố và không thể nhìn ra địa hình độc đáo của Đà Lạt nữa.

Ông Nguyễn Ngọc Cẩm (sinh năm 1946) chuyển từ Huế vào Đà Lạt gần 60 năm, ông cùng vợ ở trong căn nhà chỉ có tầng trệt. Ông cho biết 5 năm trước, phía trước nhà vẫn là một bãi cỏ dại. Ngồi nhìn từ nhà, ông có thể ngắm phố phường và một phần nào đó của Đà Lạt. Nhưng bây giờ, trước mặt ông là bức tường của ngôi nhà 5 tầng án ngữ.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bích Thu (vợ ông Cẩm) tranh thủ chút nắng chiều lách qua những ngôi nhà cao tầng xung quanh để phơi quần áo. “Nhà tôi ở trong hẻm nên người ta cũng không muốn đầu tư để xây khách sạn, nhà nghỉ vì bên cạnh quá nhiều nhà cao tầng, xây lên thì không có tầm nhìn, phải xây đến tầng 7 thì mới thấy được”, bà chia sẻ.

Khu vực nhà nghỉ, khách sạn chen chúc nhau trong khoảng không gian chật hẹp. “Đất chật mà vẫn phải tính toán để đủ diện tích của các phòng nên khu vực chung bị hạn chế nhưng đành phải chấp nhận”, chị Thảo Vy, chủ một khách sạn trên đường Phan Như Thạch (phường 1) cho biết.

Đà Lạt dù đang vào mùa mưa nhưng có những buổi trưa không khác Sài Gòn, Hà Nội khi nhiệt độ trên 30 độ C. Khách du lịch thoải mái mặc quần áo mùa hè để dạo chơi.

Sau khi UBND TP Đà Lạt công bố quyết định “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt” ngày 15/3. Sau đó, giá đất tại đây lại càng tăng phi mã. Một số môi giới cho biết lượng người mua bất động sản tăng 60% so với trước thời điểm đó.

Nhiều chuyên gia lo ngại với quy hoạch yếu kém, không chỉ bộ mặt đô thị của Đà Lạt bị phá vỡ mà thị trường bất động sản tại đây cũng đứng trước nguy cơ vỡ bong bóng do cò đất lợi dụng quy hoạch gây ra. Có những mảnh đất được cò đất hét giá lên đến 1 tỷ đồng/m2.

Tuy nhiên, khi phóng viên tham khảo giá đất tại một số công ty bất động sản thì hiện nay, giá đất khu trung tâm Hòa Bình ở ngưỡng 200-250 triệu/m2. Trong khi đó, 5 năm trước, giá đất ở khu trung tâm Hòa Bình chỉ từ 30-40 triệu đồng/m2, tăng gấp 6-7 lần.

Dạo quanh các con phố, không khó để bắt gặp hình ảnh các nhà cao tầng đang được xây dựng.

Đà Lạt từng nổi tiếng là nơi không có đèn giao thông. Tuy nhiên, việc bùng nổ về xây dựng cũng kéo theo những áp lực không nhỏ lên hạ tầng giao thông của thành phố.

Theo Zing News

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/dia-oc/nha-ong-be-tong-bop-nghet-da-lat-3510758.html