Nhà ở cho công nhân tại Bắc Giang, tắc vì giải phóng mặt bằng

Là địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển các khu công nghiệp, kéo theo lượng công nhân lao động đổ về địa bàn cũng tăng cao, dẫn đến các nhu cầu về nhà ở, ăn uống và các dịch vụ khác cũng tăng tương ứng. Tuy nhiên, trên thực tế, giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân tại Bắc Giang đang gặp nhiều khó khăn, từ cơ chế chính sách kêu gọi đầu tư, đặc biệt là quỹ đất sạch để các nhà thầu tiến hành xây dựng, đáp ứng nhu cầu của công nhân.

Công ty Fugiang Vân Trung đang gặp khó với kế hoạch xây nhà ở công nhân

Nhu cầu lớn

Theo số liệu từ Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang, hiện nay trên địa bàn đã có 4/6 khu công nghiệp đi vào hoạt động với 184 doanh nghiệp và gần 85.000 lao động hiện diện.

Tuy nhiên, mới có 1 doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân (Công ty TNHH Fuhong Precision Compoent Bắc Giang, gồm 5 dãy nhà ở cho công nhân với 960 phòng có diện tích bình quân mỗi phòng 32,8 m2), đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 6.800 lao động; 1 doanh nghiệp xây dựng nhà ở chuyên gia (Công ty TNHH Vina Solar Technology, gồm 205 phòng với diện tích trung bình mỗi phòng là 40m2).

Số lao động còn lại khoảng 40.000 - 50.000 người phải thuê nhà trong các hộ dân gần khu công nghiệp, điều kiện sinh hoạt chật chội, nóng bức, ẩm ướt. Các công nhân này chỉ được hỗ trợ tiền thuê nhà từ các doanh nghiệp với mức khoảng 200.000 - 800.000 đồng/người/tháng.

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, hiện nay, chủ đầu tư Khu công nghiệp Vân Trung (Công ty TNHH Fugiang) đang nỗ lực triển khai dự án xây dựng nhà ở cho công nhân lao động đáp ứng cho khoảng 9.300 lao động làm việc trong các doanh nghiệp khu công nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế dự án này vẫn “án binh bất động” vì gặp nhiều vướng mắc.

Từ việc thiếu nhà ở dẫn đến thiếu các cơ sở phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất cho công nhân ở các khu công nghiệp. Hiện nay, gần các khu công nghiệp tại Bắc Giang mới có 2 khu chợ nhưng chưa đi vào hoạt động.

Công nhân lao động chủ yếu vẫn mua sắm đồ dùng thiết yếu, thực phẩm trong các chợ cóc, chợ quê tại các xã lân cận khu công nghiệp, hàng quán nhỏ mang tính tự phát, xuất xứ hàng hóa không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Vũ Thông, Phó trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 85.000 lao động gặp khó khăn thường xuyên về nhà ở.

Mặc dù Ban quản lý đã kiến nghị với các cấp chính quyền quan tâm hơn đến vấn đề nhà ở cho công nhân, nhưng thực tế những giải pháp hỗ trợ chưa đủ tạo động lực thu hút đầu tư hoặc xã hội hóa nhà ở công nhân.

 Nhiều hộ dân ráo riết xây nhà với mục đích cho công nhân thuê

Nhiều hộ dân ráo riết xây nhà với mục đích cho công nhân thuê

Vừa qua, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang có rà soát lại hiện trạng sinh sống của các lao động tại khu công nghiệp. Kết quả cho thấy, có khoảng 40.000 lao động ở xa nơi làm việc, chủ yếu đi bằng xe máy, ô tô đón đưa của doanh nghiệp. Còn lại khoảng 40.000 lao động đang thuê trọ trong khu dân cư.

“Đặc biệt, số lượng lao động trong thời gian tới được dự báo tiếp tục tăng mạnh nên việc bố trí ăn ở cho công nhân càng khó khăn hơn.

Với làn sóng đầu tư vào Bắc Giang đang rất khả quan, dự kiến đến năm 2020, các khu công nghiệp hiện tại về cơ bản sẽ được lấp đầy và số lượng công nhân dự kiến khoảng 150.000 lao động. Và như vậy sẽ có khoảng 60 - 70% trong số này có nhu cầu về nhà ở.

Việc chưa bố trí được nhà ở công nhân sẽ gây khó khăn cho việc thu hút lao động ngoài tỉnh. Không những vậy, còn ảnh hưởng rất nhiều đến việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của địa phương”, ông Thông nhấn mạnh.

Khó trăm bề

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Bắc Giang cũng có đề án phát triển hạ tầng xã hội, trong đó có phát triển các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân bên cạnh các khu công nghiệp Quang Châu, Quang Trung, Song Khê, Tăng Tiến, Đình Trám…

Được biết, Bắc Giang đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án nhà ở công nhân. Chẳng hạn, tại xã Vân Trung, trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản, ông Vũ Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã chia sẻ, chính quyền xã đã thành lập các tổ công tác, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, đến từng hộ dân giải thích các chế độ, chính sách liên quan.

Đến nay, không chỉ tuyên truyền đủ 4 lần theo quy định, xã còn cung cấp tài liệu, hồ sơ liên quan để bí thư chi bộ, trưởng thôn niêm yết công khai, trực tiếp trao đổi, hướng dẫn để người dân hiểu thêm về dự án.

Tại huyện Việt Yên, UBND huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lập kế hoạch, hoàn thiện quy trình, thủ tục thu hồi đất.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết, thủ tục thu hồi đất thực hiện các dự án trên đã được tiến hành đúng trình tự, thủ tục quy định.

Những vướng mắc liên quan cũng đã được Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện trả lời rõ. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã tích cực đối thoại, vận động các hộ dân đồng thuận.

Tuy nhiên, có một vấn đề khiến tiến độ triển khai dự án rất chậm là khó bố trí vốn, chi phí hỗ trợ để làm nhà ở cho công nhân và khó khăn về giải phóng mặt bằng.

Đơn cử, khu nhà ở xã hội lớn nhất tỉnh Bắc Giang với 43 tòa nhà ở, tòa nhà thương mại cao từ 3 tầng đến 18 tầng, ngoài ra còn nhiều hạng mục khác, dự án xây dựng Khu nhà ở xã hội Vân Trung trên địa bàn xã Vân Trung đáp ứng diện tích bố trí gần 2.500 căn hộ.

Tuy nhiên, hiện khu vực triển khai dự án vẫn là bãi đất "da beo". Nguyên nhân là do vẫn còn 42 hộ với tổng diện tích đất khoảng 2 ha chưa đồng thuận phương án giải phóng mặt bằng khiến chủ đầu tư không thể thi công các hạng mục liên quan.

Theo tìm hiểu của phóng viên, giai đoạn 1 của dự án với quy mô khoảng 10 ha liên quan đến hơn 200 hộ dân. Các hộ chưa đồng thuận, bàn giao mặt bằng do cho rằng giá đền bù thấp...

Tương tự, gần hai năm nay tại khu vực các thôn Hoàng Mai 1, Hoàng Mai 2 và Hoàng Mai 3, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên cũng đang được Công ty TNHH Vương Vĩ đầu tư dự án xây dựng nhà ở công nhân Khu công nghiệp Đình Trám rộng gần 3 ha.

Dự án gồm các hạng mục 4 tòa nhà chung cư từ 6 đến 9 tầng cùng chợ dân sinh phục vụ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của khoảng 4 nghìn lao động. Đến nay, UBND huyện Việt Yên đã phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 đối với 93 hộ, diện tích 2,4 ha nhưng vẫn còn 73 hộ chưa đồng ý nhận tiền, 15 hộ chưa ký hồ sơ, phương án giải phóng mặt bằng, gây khó khăn cho việc triển khai.

Theo phản ánh của người dân, ngoài lý do giá bồi thường thấp, trên địa bàn có hàng chục nghìn phòng trọ mới được xây dựng, thậm chí nhiều hộ đã vay mượn, đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng nhà trọ, nên nếu dự án hoàn thành sẽ thu hút lượng lớn lao động đến ở gây bất lợi cho các hộ đầu tư. Do đó, người dân không muốn bàn giao mặt bằng khiến dự án chậm tiến độ cả năm nay.

Tương tự, khu nhà ở xã hội Khu công nghiệp Vân Trung được quy hoạch nhằm phục vụ nhu cầu ăn ở tại chỗ của người lao động đang làm việc tại đây.

Tuy nhiên, dự án hiện đang gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng. Song đến thời điểm này, khu công nghiệp đã cơ bản lấp đầy, hàng chục nghìn lao động vẫn phải chen chúc sinh hoạt trong các khu nhà trọ lụp xụp, không bảo đảm an ninh; thiếu an toàn phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường.

Theo Báo Đầu tư Bất động sản

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/quy-hoach/nha-o-cho-cong-nhan-tai-bac-giang-tac-vi-giai-phong-mat-bang-3470451.html