Nhà ở cho công nhân lao động mới chỉ đáp ứng 28%

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 24/9, tại TPHCM.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh T.D

Quang cảnh hội thảo. Ảnh T.D

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, theo báo cáo của các địa phương, tính đến cuối năm 2018 cả nước có khoảng 1,2 triệu công nhân các khu công nghiệp có nhu cầu về nhà ở. Dự kiến năm 2020 vào khoảng 1,7 triệu người có nhu cầu nhà ở. Trong đó, lao động ngoại tỉnh chiếm trên 50% tổng số lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp. Tập trung nhiều nhất là tỉnh Bình Dương (hơn 90%), TPHCM (30%), Đồng Nai (60%)…

Thời gian vừa qua, các địa phương đã hoàn thành 100 dự án nhà ở cho công nhân lao động với quy mô khoảng 41.000 căn hộ. Tuy nhiên, số căn hộ trên mới mới chỉ đáp ứng 28% nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động. Còn lại, phần lớn công nhân lao động đang phải ở trọ tại các nhà dân với điều kiện sống rất thấp, ảnh hưởng sức khỏe, tác động xấu đến năng suất lao động.

Trước nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng lớn của công nhân lao động, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất giai đoạn 2016-2020 cần bố trí khoảng 10.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho 4 ngân hàng thương mại để thực hiện cho vay ưu đãi theo quy định của Luật Nhà ở. Tuy nhiên, trên thực tế nguồn vốn được bố trí rất hạn chế chỉ vài chục phần trăm so với kế hoạch đề xuất.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Ninh, báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện có 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, quy mô khoảng 182.000 căn, hầu hết đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thị công, thậm chí một số dự án chủ đầu tư xin chuyển sang nhà ở thương mại. Ngoài nguồn tín dụng vay ưu đãi chưa được bố trí, một khó khăn lớn nữa là hầu hết các DN kinh doanh bất động sản không mặn mà đầu tư nhà ở xã hội do vướng mắc thủ tục, lợi nhuận bị khống chế; nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến nhà ở xã hội…

Công nhân lao động có nhu cầu lớn về nhà ở.

Bên cạnh đó, mặc dù nhà ở xã hội đã được nhà nước hỗ trợ rất nhiều, giá bán thường thấp hơn giá nhà ở thương mại cùng loại trên thị trường từ 20 đến 30%, tuy nhiên do mức thu nhập của người dân nói chung, đặc biệt là công nhân lao động thu nhập thấp tại các khu công nghiệp nên rất khó khăn để mua nhà ở.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, nguồn cung nhà ở xã hội dành cho đối tượng công nhân lao động hiện nay chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế của thị trường.

Cụ thể, TPHCM hiện có khoảng 1.100 DN với 377.000 công nhân lao động đang làm việc trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và 21 cụm công nghiệp. Tuy nhiên, hiện TPHCM mới chỉ giải quyết được 15% nhu cầu về nhà ở của công nhân. Tương tự, tỉnh Long An có 16 khu công nghiệp, 20 cụm công nghiệp đang hoạt động, với hơn 10.100 DN và khoảng 300 ngàn lao động trong, ngoài tỉnh, tuy nhiên việc xây dựng nhà ở cho công nhân đáp ứng chưa được 2 - 3% nhu cầu...

Trong khi đó, việc triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp vẫn còn chậm, do các chính sách đối với đối tượng này mới được hoàn thiện, cần thời gian để phổ biến và đi vào thực tế, đặc biệt là cần nguồn lực tài chính lớn phải huy động xã hội hóa, ông Minh nhấn mạnh.

Để thực hiện các mô hình phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, các đại biểu cho rằng, Nhà nước cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách kiến tạo môi trường kinh doanh “minh bạch, lành mạnh, bình đẳng, thông thoáng”. Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bất động sản, nhà ở.

Trong đó, cần hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội và phát triển căn hộ vừa túi tiền. Cần cho phép DN được phát triển các dự án nhà trọ, phòng trọ để giải quyết nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, người lao động thu nhập thấp, người nhập cư.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nha-o-cho-cong-nhan-lao-dong-moi-chi-dap-ung-28-112053.html