Nhà nước không nên kinh doanh 'vàng giấy'

Ngân hàng Nhà nước trong dự thào Tờ trình Chính phủ bày tỏ ý định muốn độc quyền huy động và kinh doanh vàng tài khoản là quá rõ. Những lý do để Ngân hàng Nhà nước đi tới đề nghị này là do trước đây nhiều người tham gia kinh doanh vàng tài khoản (có thể gọi là 'vàng giấy') đều thua lỗ, nhiều rủi ro, tác động tiêu cực đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng theo tôi, Nhà nước không nên tham gia kinh doanh 'vàng giấy'.

Ảnh: Thành Hoa.

Thật ra, hoạt động kinh doanh vàng tài khoản tức là mua bán “cái gọi là” kim loại vàng trên các sàn tài chính phái sinh hay trên thị trường hay gọi là sàn kỳ hạn vàng. Kiểu kinh doanh này không còn xa lạ với nhiều nhà kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa thương phẩm trên thế giới và ở Việt Nam. Thông qua các sàn kỳ hạn thế giới (futures exchanges), giới kinh doanh mua bán “hàng hóa” trên sàn như cà phê thì trên sàn kỳ hạn cà phê, dầu thô, bắp, bông vải... Tuy nhiên, với trình độ phát triển như hiện nay, các sàn này thực chất chỉ giao dịch mua bán bằng chứng thư có giá, giao nhận và thanh lý hợp đồng, thanh toán thu chi, lời lỗ chỉ bằng chứng thư chứ không còn giao nhận hàng thực (physical) như quan niệm của hàng trăm năm trước nữa.

Thật vậy, trước đây, để ra đời một sàn hàng hóa, chủ sàn phải có một lượng hàng hóa nhất định, thí dụ sàn vàng phải cần “dằn” trước bao nhiêu tấn vàng để bảo đảm thanh khoản. Sau này, các chủ sàn kết hợp với các quỹ đầu cơ tài chính đặt cược mua (long position) một lượng hợp đồng cực lớn để bảo đảm thanh toán, thanh khoản cho các hợp đồng mua (long) và bán (short) của sàn. Vai trò các quỹ đầu tư và các ngân hàng kinh doanh hàng hóa ở hiện nay là cực lớn vì nhờ lượng tiền (đầu cơ) đổ vào để tạo thanh khoản và thường là lời ăn lỗ chịu.

Như vậy, dù là hàng gì đi nữa, khi đưa lên giao dịch trên sàn, là muốn biến loại hàng hóa ấy, trường hợp này là vàng, trở thành một món hàng hóa thương phẩm, có độ rủi ro cao.

Vì là hàng hóa, các sàn này là nơi hoạt động của các tay đầu cơ lớn như các nguồn quỹ tài chính và các nhà đầu tư nhỏ lẻ có máu ăn thua. Đối với dân kinh doanh xuất khập khẩu hàng hóa, đấy là nơi để họ bảo vệ giá mua giá bán (price hedging) cho các hợp đồng hàng thực (physical) bên ngoài sàn. Thực tế các nhà đầu tư lớn giao dịch trên sàn, kể cả các nhà kinh doanh và môi giới trên sàn đề không giao nhận với nhau bằng hàng thực mà chỉ là chứng thư có giá, nên có người gọi nó là “hàng giấy” là vì thế.

Nếu như cá nhân và doanh nghiệp tham gia kinh doanh vàng tài khoản với sàn vàng ở nước ngoài bị thua lỗ thì hiển nhiên doanh nghiệp phải trả giá bằng tiền của mình. Vậy còn Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng tài khoản bị thua lỗ thì ai chịu?

Tôi không rõ khái niệm "độc quyền kinh doanh vàng tài khoản" của dự thảo Nghị định mà Ngân hàng Nhà nước xây dựng có bao gồm cả độc quyền đầu tư mở sàn giao dịch vàng tài khoản hay độc quyền tham gia kinh doanh vàng tài khoản với các sàn vàng nước ngoài nhưng dù mở sàn giao dịch hay chỉ là một "tay chơi vàng giấy" trên sàn cũng đều không nên.

Nhà nước một khi tham gia kinh doanh vàng tài khoản thì đương nhiên phải chấp nhận rủi ro thua lỗ khi thị trường biến động mà các sàn giao dịch hàng hóa, kim loại quý trên thế giới giá lên xuống từng giờ từng phút và giới kinh doanh "vàng giấy" là những người chuyên nghiệp chứ không phải dành cho công chức hành chính.

Nguyễn Quang Bình

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/266068/nha-nuoc-khong-nen-kinh-doanh-vang-giay.html