Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào tiền lương doanh nghiệp: Không dễ nhưng phải làm

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 27) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (DN).

Từ năm 2021, người lao động sẽ thỏa thuận tiền lương với chủ sử dụng lao động, nhà nước không can thiệp trực tiếp vào tiền lương doanh nghiệp. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Theo đó, từ năm 2021, các DN được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể NLĐ. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN.

Sẽ khoán chi phí tiền lương

Theo Nghị quyết số 27, giai đoạn từ năm 2018 - 2020, cải cách đối với khu vực công sẽ đảm bảo các mục tiêu: Tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương cơ sở theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế; không bổ sung các loại phụ cấp mới theo nghề. Hoàn thành việc xây dựng và ban hành chế độ tiền lương mới theo nội dung cải cách chính sách tiền lương, gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết của Trung ương.

Infographic: TUẤN ANH

Đối với khu vực DN, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của DN để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với DN nhà nước theo các nội dung của Đề án cải cách chính sách tiền lương được phê duyệt.

Đối với khu vực DN, từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Các DN được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể NLĐ; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN. Thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong DN nhà nước theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của DN đến năm 2025 và tiến tới giao khoán nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của DN vào năm 2030.

5 tập đoàn, TCty sẽ thí điểm tiền lương mới từ năm 2021

Trao đổi với PV Lao Động chiều 22.8, ông Tống Văn Lai - Phó cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐTBXH) cho biết, về cơ bản mảng công việc của Bộ LĐTBXH chỉ liên quan đến lương của người lao động trong khối doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ vẫn lưu ý trong đề án có các mốc quan trọng và triển khai các công việc bám sát. Cụ thể: Năm 2021 xóa trực tiếp sự can thiệp của nhà nước vào bảng lương của doanh nghiệp, vừa qua Bộ sửa Điều 93 của Bộ luật Lao động có nêu Chính phủ không quy định xây dựng các nguyên tắc thang bảng lương nữa để người lao động tự thỏa thuận với DN. Thứ 2 là năm 2020 mức lương tối thiểu vùng bằng mức sống tối thiểu người lao động. Vừa qua, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 5,3%, còn bao nhiêu thì để đến năm 2019, 2020 bù nốt.

Công nhân làm việc trong KCN Đồng Văn II (Hà Nam). Ảnh: HẢI NGUYỄN

Ông Lai cũng cho hay từ nay đến năm 2021 Bộ sẽ bắt tay vào xây dựng nghị định để thí điểm cho khoảng 5 tập đoàn, tổng công ty áp dụng cơ chế tiền lương như Nghị quyết 27 đã nêu nhằm thí điểm trước để rút kinh nghiệm.

Trả lời câu hỏi về việc để chủ sử dụng và NLĐ tự thỏa thuận tiền lương thì có ảnh hưởng đến đối tượng yếu thế hơn là NLĐ, ông Lai cho rằng, pháp luật bao giờ cũng cân bằng lợi ích cho 2 bên, tinh thần là phải cởi mở cho doanh nghiệp phát triển nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Ngoài ra, ông Lai nhấn mạnh tinh thần những gì mà 2 bên đã thỏa thuận được rồi thì DN vẫn phải đương nhiên thực hiện; những gì cả 2 bên cần thỏa thuận lại thì mới thỏa thuận lại và thống nhất thay đổi. “Nếu không thỏa thuận lại được lại thì vẫn theo quy định cũ để thực hiện”, ông Lai nói.

LÊ PHƯƠNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/nha-nuoc-khong-can-thiep-truc-tiep-vao-tien-luong-doanh-nghiep-khong-de-nhung-phai-lam-626797.ldo