Nhà nông ra đồng dưới cái nóng hơn 40 độ

Những ngày đầu tháng 6, dưới cái nóng như thiêu như đốt của mùa hè, người nông dân vẫn phải tất bật lo gặt những sào ruộng cuối cùng để bắt đầu một mùa vụ mới. Dù còn vất vả nhưng nhờ có máy móc cùng công nghệ hiện đại mà công việc đồng áng của bà con bớt được nhiều phần nặng nhọc

Chỉ cách đây chưa đầy 10 năm, người dân thôn Quảng Minh (xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai) phải dậy từ 5h, thậm chí 3h sáng để ra đồng gặt nhưng giờ đây, họ có thêm thời gian nghỉ ngơi và có mặt ngoài đồng khoảng 6h-6h30 bởi việc gặt lúa bây giờ đã có máy gặt công suất lớn, chỉ cần 15-20 phút là có thể gặt xong một sào ruộng(360m2), còn trước khi cả nhà 2-3 người phải mất vài ngày mới gặt xong.

Máy gặt được cho thuê bởi một số doanh nghiệp tư nhân đến từ Nghệ An hoặc Hà Tĩnh. Giá gặt một sào ruộng dao động có giá thấp nhất là 120 nghìn đồng, có thể lên đến 150 nghìn nếu bao gồm cả việc vận chuyển thóc ra ngoài.

Máy gặt được cho thuê bởi một số doanh nghiệp tư nhân đến từ Nghệ An hoặc Hà Tĩnh. Giá gặt một sào ruộng dao động có giá thấp nhất là 120 nghìn đồng, có thể lên đến 150 nghìn nếu bao gồm cả việc vận chuyển thóc ra ngoài.

Mỗi chiếc máy gặt đập liên hợp có giá thành thấp nhất là gần 80 triệu đồng, được vận hành bởi 3 người: một lái, một đóng gói thóc và một vận hành máy gặt, đập.

Dưới cái nóng hơn 40 độ, bà Yến(thôn Quảng Minh) vẫn cùng chồng vẫn ra đồng, bây giờ nhà bà không còn phải xuống ruộng gặt, đập nữa nên có nhiều thời gian để làm những việc khác trong gia đình nhưng vẫn phải ra đồng để gom rơm và chuyển thóc về. Bà chia sẻ, số thóc thu hoạch được cũng chỉ đủ ăn chứ bán ra ngoài không thể có lãi.

Gặt xong, thóc được đóng vào bao và vận chuyển về nhà.

Tại thông Quang Minh, nhiều nhà vẫn đem thóc ra đường làng hoặc trong ngõ phơi. Đây là hình ảnh rất hay gặp vào những ngày mùa ở các làng quê. Một số nhà phơi thóc ngay trong sân nhà nếu có không gian rộng rãi.

Với số thóc thu hoạch được không nhiều, chị Hoa(thôn Quang Minh) trải ngay ra trước cửa nhà phơi. Ngoài làm ruộng, chị còn trồng thêm rau quả trong vườn và mang ra chợ bán.

Khói mù mịt là khung cảnh thường thấy ngoài cánh đồng sau mỗi vụ gặt, khói từ các đụn rơm được người dân đốt ngay tại chỗ sau khi mang thóc về. Rơm cháy còn có tác dụng như một loại phân bón cho đất.

Hình ảnh vô cùng quen thuộc với bất cứ ai sống ở ngoại thành hoặc các vùng quê.

Khói từ việc đốt rơm rạ đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có cả những phân tích khoa học về sự độc hại của loại khói này. Tuy nhiên, cho đến nay các nhà khoa học và cơ quan chức năng vẫn chưa thể tìm ra giải pháp, trước mắt là giúp đỡ người dân xử lý rơm rạ sau thu hoạch?!

Rơm, rạ được chất thành từng đụn to bé khác nhau và châm lửa đốt.

Việc đốt rơm rạ là một phần bắt buộc trong hoạt động làm nông. Nếu ngày xưa, rơm, rạ còn được sử dụng vào nhóm bếp, cho bò ăn... thì giờ đây nhà nhà đều có bếp điện, bếp ga, việc cày bừa cũng đã có máy. Và nếu không đốt ngay tại ruộng thì cũng không có chỗ cho máy cày hoạt động.

P.Sơn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/nha-nong-ra-dong-duoi-cai-nong-hon-40-do-597571/