Nhà nổi cho vùng lũ

Mô hình nhà nổi của nhóm sinh viên năm cuối khoa Kiến trúc công trình trường ĐH Kiến trúc TP.HCM sẽ giúp người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể 'sống chung với lũ'.

Tác giả của công trình trên gồm 5 bạn trẻ học cùng lớp K06A1, năm cuối khoa Kiến trúc công trình tại trường ĐH Kiến trúc TP.HCM gồm: Hồ Thị Minh Hà, Nguyễn Bảo Trân, Nguyễn Lê Trí, Nguyễn Thị Thanh Trúc và Nguyễn Hồng Hạnh.

Ý tưởng xuất phát từ Hồ Thị Minh Hà. Hà tâm sự: “ĐBSCL là khu vực ngập lụt thường xuyên. Vậy tại sao chúng ta không nghiên cứu một mô hình khiến người dân có thể "sống chung với lũ" một cách thuận tiện nhất”. Suy nghĩ đó đã đeo đuổi nhóm bạn suốt quá trình học. Cho đến năm cuối ĐH, nhóm mới hoàn thành công trình. Không lâu sau đó, trong một lần truy cập internet tìm tài liệu nghiên cứu nhưng lại tình cờ xem được một đoạn phim về những ngôi nhà nổi trên sông ở Hà Lan, nhóm đã phát hiện mô hình nhà nổi ở Hà Lan, từ đó đề xuất giải quyết về quy hoạch.

Nhóm đã chọn xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An - khu vực có nước lũ hằng năm ngập cao nhất ĐBSCL để làm địa bàn nghiên cứu và khảo sát. Theo Nguyễn Lê Trí, dân cư vùng phân bố theo 3 hình thức chính: Cặp theo các tuyến kênh, cặp theo ruộng, ở khu trung tâm. “Nếu chúng ta thành lập thêm các điểm trung tâm nhỏ, trở thành vị trí neo cặp nhà vào mùa lũ, các điểm này sẽ là nơi sinh hoạt, họp chợ vào mùa khô và là nơi tập trung nhà nổi vào mùa lũ”.

Mô hình nhà nổi có 3 gian 2 chái và nhà nối đôi. Loại nhà này có hệ thống phao nổi EPS (phao EPS được bọc lớp nhựa bên ngoài) được thiết kế liên kết, giúp nhà có thể dễ dàng di chuyển theo phương đứng dọc theo 4 trụ định hướng cố định. Lúc nước lên, nhà sẽ trượt theo nó và nổi lên. Nước xuống, nhà cũng sẽ hạ xuống theo. Để nhà nổi được trên nước, nhóm thiết kế phần móng nhà bằng phao nổi EPS. Phao EPS được bọc nhựa bên ngoài. Sàn nhà có thể lót bằng gỗ hoặc gạch. Sườn nhà thì làm từ gỗ hoặc nhôm. Mái được lợp bằng tôn sandwich. Nhà có diện tích 7,2m x 7,2m. Diện tích sử dụng là 7,2m x 4,8m. Toàn bộ thể tích phao nổi EPS nâng được 27,6 tấn. Trong khi đó, nhà làm bằng khung nhôm chỉ có trọng lượng 7 tấn, khung gỗ là 9,8 tấn.

Nguyễn Thị Thanh Trúc cho biết: “Điểm đặc biệt của căn nhà là khi không muốn di dời, nhà cũng có thể tự nổi tại chỗ vào mùa lũ. Kết cấu hệ khung nhà có thể làm bằng gỗ hoặc nhôm vừa nhẹ, dễ lắp ráp mà độ bền cao. Giá một căn nhà nổi có diện tích 7,2m x 7,2m (đã bao gồm các vật dụng) hoàn chỉnh dùng khung gỗ là khoảng 90 triệu đồng, khung nhôm là 120 triệu đồng. Người dân có thể tận dụng khung gỗ của nhà đang ở để lắp vào phao nổi EPS thì giá thành của ngôi nhà sẽ còn rẻ hơn rất nhiều. Tất cả vật liệu xây nhà đều có bán ngoài thị trường. Tuổi thọ của phao nổi EPS là hơn 60 năm cho nên người dân có thể sống cả đời trong căn nhà này”.

Tuyết Vân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/nha-noi-cho-vung-lu-355998.html