Nhã nhạc cung đình Huế: Còn đó những trăn trở

Năm 2018, cùng với Nhã nhạc cung đình Huế vừa tròn 15 năm được UNESCO vinh danh, Huế còn kỷ niệm 25 năm Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

Tài sản vô giá

Nhìn lại những sự kiện ý nghĩa ấy, khiến cho mỗi người con nước Việt càng thêm tự hào về khối lượng di sản mà cha ông đã xây đắp, cũng như những nỗ lực của thế hệ hôm nay trong việc bảo tồn phát huy giá trị di sản đến với bạn bè thế giới.

Cũng nhờ thế, lượng khách quốc tế đến với Huế ngày một nhiều hơn. Đó không chỉ là kết quả ban đầu từ việc “hồi sinh” di sản Huế một cách toàn diện để chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững mà còn là điểm sáng của du lịch Việt Nam.

Các nhạc công biểu diễn Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam

Duyệt Thị Đường - Không gian diễn xướng được triều Nguyễn xây dựng trong Tử cấm thành cách đây gần 200 năm. Khi chúng tôi đến thăm di tích được xếp vào loại cổ nhất Việt Nam này thì cũng đúng lúc các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế đang biểu diễn Nhã nhạc cung đình cho một đoàn khách nước ngoài xem.

Ngoài một số tiết mục chính như múa Lân mẫu xuất lân nhi, Lục cúng hoa đăng, buổi biểu diễn hôm ấy mọi người còn say sưa thưởng thức thêm nhiều trích đoạn tuồng cổ được dàn dựng công phu như: Hữu biến vô hình, Châu Sáng qua sông, Mạnh Lương bắt ngựa… “Ấn tượng” - Đó là nhận xét chung của nhiều du khách sau khi xem xong chương trình biểu diễn.

Ông Jean Pierre Lartigue (quốc tịch Pháp) đã trầm trồ chia sẻ: Cố đô Huế không chỉ có lăng, tẩm, đền đài hay những món ăn đầy lôi cuốn, Huế còn có giai điệu ngọt ngào của một loại hình nghệ thuật đã được công nhận là Di sản thế giới đó chính là Nhã nhạc.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, cùng với việc biểu diễn phục vụ khách du lịch hàng ngày, di tích Duyệt Thị Đường còn được nhà nước chọn làm nơi nghênh tiếp nhiều đoàn quốc khách trên thế giới đến tham quan và thưởng thức Nhã nhạc.

Gần đây nhất, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko đã đến Duyệt Thị Đường thưởng thức và thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến Nhã nhạc. Vốn dĩ nhà vua có sự quan tâm đặc biệt đến Nhã nhạc cung đình Huế là bởi có sự giao thoa và ảnh hưởng giữa Nhã nhạc cung đình Huế với Nhã nhạc cung đình Nhật Bản (Gagaku).

Từ thế kỷ thứ 8, một nhà sư ở vùng miền Trung Việt Nam bấy giờ đã mang nhã nhạc qua truyền bá tại Nhật Bản. Đặc biệt vào năm 2007, tháp tùng theo đoàn Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang Nhật Bản, các nhạc công Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế đã từng vào Hoàng cung Kyoto biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế cho Nhật hoàng Akihito thưởng thức.

Khi chương trình biểu diễn kết thúc, Nhà vua và Hoàng hậu thay vì từ biệt đã nán lại hỏi han thân mật các nghệ sĩ diễn viên. Đặc biệt, Hoàng hậu Michiko đã bày tỏ sau buổi diễn, bà rất khâm phục Việt Nam, dù trải qua bao nhiêu năm chiến tranh nhưng vẫn giữ được những tài sản văn hóa vô cùng quý giá vốn mong manh như Nhã nhạc.

Từ hồi sinh đến phát triển

Gần 100 bài bản lễ nhạc và vũ khúc cung đình của Nhã nhạc được phục dựng và đưa vào trình diễn kể từ khi loại hình âm nhạc này được UNESCO vinh danh không chỉ là món quà tinh thần vô giá để nhà nước nghênh tiếp các đoàn quốc khách; giao lưu tinh hoa văn hóa khắp nơi mà còn giúp du khách bốn phương thưởng thức và am hiểu hơn về vẻ đẹp “kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” trong lòng di sản vật thể kiến trúc cung đình Huế.

Là loại hình âm nhạc mang tính bác học của các triều đại quân chủ trong xã hội Việt Nam suốt hơn 10 thế kỷ, Nhã nhạc nhằm tạo sự trang trọng cho các cuộc tế, lễ cung đình như tế Giao, tế miếu, lễ Đại triều, thượng triều... Đó là một minh chứng độc đáo về sự sáng tạo văn hóa đặc biệt của dân tộc Việt Nam, được cô đọng lại dưới triều Nguyễn (1802-1945), khiến cho Huế khẳng định hơn về một trung tâm văn hóa tiêu biểu của dân tộc.

Nhưng đã có một giai đoạn, không chỉ giới nghiên cứu mà ngay cả người dân Huế bình thường cũng phải ngậm ngùi khi thời gian có thể khiến cho cả cung đình Huế bị tàn phá. Trong đó, Nhã nhạc cung đình Huế có nguy cơ mai một dần. Các tài liệu lịch sử về Nhã nhạc không còn nhiều, lại phân bố ở nhiều nơi, không có một cơ sở lưu trữ bài bản và hệ thống, các nghệ nhân, người hiểu biết về kỹ thuật diễn xướng cũng như kiến thức về Nhã nhạc còn quá ít...

TS. Phan Thanh Hải cho biết, năm 2003, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Năm 2008, Nhã nhạc lại được UNESCO đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại. Song để “cứu” di sản Nhã nhạc, ngoài sự hỗ trợ của các bộ, ngành, Trung ương, chính quyền địa phương và bạn bè quốc tế còn phải kể đến sự nỗ lực không mệt mỏi từ phía các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế trong việc sưu tầm, nghiên cứu và phục hồi được gần 100 bài cả lễ nhạc lẫn vũ khúc cung đình của Nhã nhạc; Tổ chức các lớp truyền dạy nhạc công, diễn viên ca múa cung đình; Lưu diễn và giới thiệu Nhã nhạc tại nhiều quốc gia trên thế giới…

Bên cạnh, những năm qua Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tiến hành nhiều cuộc điền dã để gặp gỡ, tiếp xúc và trò chuyện với nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, những người vốn trước đây đã có thời gian phục vụ và làm việc trong cung đình dưới thời các vua cuối cùng triều Nguyễn. Nhiều tư liệu quý về các loại hình Nhã nhạc, tuồng và múa cung đình được thu thập, trên cơ sở đó nhóm nghiên cứu đã tập hợp, phân loại và xây dựng thành bộ hồ sơ khoa học về bộ môn Nhã nhạc cung đình Huế…

Giờ đây, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam không chỉ là vốn quý của dân tộc mà còn là tài sản vô giá của loài người. Song việc bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể không chỉ là công việc một sớm một chiều, mà phải có sự nỗ lực của các nhà khoa học, các nghệ nhân, nghệ sĩ mà đặc biệt là sự quan tâm của các nhà quản lý.

Một trong những vấn đề then chốt là phải tiến hành điều tra các giá trị văn hóa liên quan.Qua đó, cần tư liệu hóa các tác phẩm âm nhạc để dàn dựng các chương trình bảo tồn, đồng thời nhân bản tư liệu về Nhã nhạc để lưu giữ, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Huế.

Bài và ảnh Hoàng Anh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nha-nhac-cung-dinh-hue-con-do-nhung-tran-tro-75052.html