Nhà ngoại giao xuất sắc

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh là một nhà hoạt động chính trị, kinh tế, ngoại giao tài đức vẹn toàn, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời với gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã được Đảng và Nhà nước giao phó nhiều trọng trách. Cuộc đời hoạt động của đồng chí gắn với những trang sử hào hùng của dân tộc ta.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở một vùng quê nghèo khó nhưng giàu truyền thống cách mạng của xứ Nghệ, chứng kiến nỗi nhục của kiếp nô lệ, của người dân mất nước, Nguyễn Duy Trinh đã sớm mang trong mình tinh thần yêu nước và ý thức giác ngộ cách mạng. Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1927, khi mới 17 tuổi, ông trở thành một trong những cán bộ cốt cán, gan dạ của Đảng.

Từ năm 1927 đến năm 1945, trải qua hai lần bị địch bắt giam và lần lượt bị đày đi nhiều nhà tù khét tiếng của thực dân Pháp, sau được trả tự do vào năm 1945, đồng chí Nguyễn Duy Trinh tiếp tục hoạt động cách mạng và luôn nắm giữ những vị trí quan trọng trong các phong trào ở Liên khu V. Sự lãnh đạo sáng suốt của ông đối với phong trào cách mạng của Liên khu được thể hiện sắc sảo qua những bài viết, bài nói, báo cáo… của ông thời gian này.

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris về Việt Nam. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris về Việt Nam. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Từ năm 1951 đến đầu 1965, ông Nguyễn Duy Trinh được giao nhiều trọng trách lãnh đạo quan trọng, và ở cương vị nào, qua các tác phẩm của ông cũng cho thấy có những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mà ông là thành viên.

Đặc biệt là ở cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Nguyễn Duy Trinh đã có nhiều bài viết, báo cáo thể hiện rõ sự chỉ đạo toàn diện và sâu sát trong công cuộc đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Những tác phẩm của ông thể hiện rõ tư duy lý luận và thực tiễn sâu sắc về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về các mối quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế quốc dân, về các nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của miền Bắc xã hội chủ nghĩa…

Từ năm 1965, trước yêu cầu mới của cách mạng, Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị yêu cầu thôi kiêm chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước để kiêm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Đây là thời kỳ thử thách gay go khi đế quốc Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, là giai đoạn cuộc đấu tranh diễn ra trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao trong sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng để đưa đến việc ký kết Hiệp định Paris, kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Đây cũng là thời kỳ diễn ra sự bất đồng sâu sắc, sự phân liệt trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, sự chia rẽ trong phe xã hội chủ nghĩa. Do đó, việc giữ vững sự đoàn kết và tranh thủ sự ủng hộ to lớn của bạn bè, cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam là vấn đề nhạy cảm và nhiệm vụ rất nặng nề.

Với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách toàn bộ mặt trận ngoại giao, gồm ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Đảng và ngoại giao nhân dân, ông Nguyễn Duy Trinh đã hóa giải được nhiều bài toán khó trong tình hình căng thẳng kéo dài này.

Cuộc đàm phán Hiệp định Paris, kéo dài từ tháng 5-1967 đến tháng 1-1973, là cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt một cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX, là tâm điểm về sự đối chọi giữa nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường với nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng còn non trẻ. Sau gần năm năm đấu trí đầy bản lĩnh với 200 phiên họp công khai, 45 cuộc họp xuyên cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, cuộc đàm phán Hiệp định Paris đã kết thúc.

Ngày 27-1-1973, ông Nguyễn Duy Trinh, với tư cách Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã cùng đại diện các bên ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hiệp định Paris là thắng lợi to lớn của ngoại giao Việt Nam, ghi đậm dấu ấn của các nhà ngoại giao kỳ cựu của nước nhà, trong đó có đóng góp to lớn của Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh.

Đất nước thống nhất và tiến hành công cuộc tái thiết sau hơn 30 năm bị tàn phá bởi chiến tranh, ngoại giao Việt Nam vừa tranh thủ sự hỗ trợ của thế giới và cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa, vừa đấu tranh chống bao vây cấm vận.

Chính trong thời kỳ khó khăn ấy, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Liên hợp quốc, đánh dấu sự công nhận của toàn bộ cộng đồng thế giới về tư cách pháp lý của Nhà nước Việt Nam tại tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này. Ông Nguyễn Duy Trinh đã thay mặt Đảng và Nhà nước ta tham gia Lễ thượng cờ tại Trụ sở Liên hợp quốc tháng 7-1977.

Có thể nói trong nhiệm kỳ 1965-1980, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã tỏ rõ là một nhà ngoại giao xuất sắc của Nhà nước Việt Nam hiện đại, góp phần cùng các nhà ngoại giao xuất sắc khác xây dựng nên tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đã nêu cao tính nguyên tắc, tinh thần kiên trì, nhẫn nại trong công tác ngoại giao, bình tĩnh, thận trọng trong phát ngôn và hành động. Dấu ấn đồng chí để lại là nhân tố động viên các thế hệ cán bộ và các nhà ngoại giao Việt Nam hiện nay và sau này mà còn là tấm gương sáng làm tròn nhiệm vụ, một lòng vì Đảng vì dân cho mọi đảng viên.

Hơn 30 năm đấu tranh ngoại giao vì độc lập, tự do của Tổ quốc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội; gần 30 năm trên cương vị là một Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí đã đem hết tâm lực và trí tuệ của mình cùng Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta.

Với công lao và phẩm chất cách mạng của mình, đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến Chống Mỹ Cứu nước hạng Nhất; Huy hiệu 50 tuổi năm Đảng. Và những kinh nghiệm, những bài học mà đồng chí Nguyễn Duy Trinh để lại trên mặt trận ngoại giao là bài học quý giá đối với quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế hôm nay.

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nha-ngoai-giao-xuat-sac-201326.html