Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch - vị Bộ trưởng 'phá vây'

Ông được biết đến là vị Bộ trưởng 'phá vây', có đóng góp lớn vào việc giải quyết vấn đề Campuchia, bình thường hóa quan hệ với các nước lớn và trong khu vực.

Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Đông Dương tại Phnom Penh tháng 8/1985. Ảnh: TTXVN

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Đông Dương tại Phnom Penh tháng 8/1985. Ảnh: TTXVN

Trên 60 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, trong đó có gần 40 năm trong lĩnh vực đối ngoại, bằng tư duy thông minh, sắc sảo, với bản lĩnh dạn dày và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã để lại cho nền ngoại giao một phong cách tư duy đối ngoại mang đậm tính đổi mới, sáng tạo vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Kiên định lợi ích quốc gia, dân tộc và độc lập, tự chủ

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, độc lập, tự chủ và kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc là sợi chỉ xuyên suốt trong tư duy đối ngoại của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch.

Kiên định lợi ích quốc gia, dân tộc và độc lập, tự chủ, ông đã có những tham mưu quan trọng cho Đảng về đường lối, chiến lược và sách lược đối ngoại trong những giai đoạn cách mạng vô cùng khó khăn, cam go như đàm phán hiệp định Paris về Việt Nam hay trong giai đoạn đất nước bị bao vây, cấm vận; đồng thời, góp phần vào phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc.

Tư duy chiến lược, khoa học và biện chứng là một đặc điểm nổi bật trong tư duy đối ngoại của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Trong nghiên cứu lý luận hay xử lý thực tiễn đối ngoại, ông luôn xem xét, đánh giá một cách toàn diện, nhìn xa trông rộng, khách quan và khoa học, gắn thực tiễn với lý luận, giải quyết mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, khôn khéo…

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch (phải) và người đồng cấp Roland Dumas năm 1989 tại Pháp. Ảnh tư liệu

Với cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú và tư duy khoa học và biện chứng, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là nhà ngoại giao có tầm nhìn chiến lược, đánh giá sắc sảo, đúng đắn tình hình, đặc biệt là nhạy bén nắm bắt các xu thế của thời đại, quy luật phát triển của đất nước, góp phần vào xây dựng phương pháp luận ngoại giao mang bản sắc Việt Nam.

Khởi xướng tư duy ngoại giao phải phục vụ phát triển kinh tế

Say mê tìm tòi, phát hiện cái mới tiến bộ hơn, hiệu quả hơn, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã vận dụng sáng tạo đường lối đối ngoại của Đảng và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong giải quyết các vấn đề đối ngoại.

Điển hình là phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, là sự vận dụng đúng đắn phương châm “thêm bạn bớt thù”, “đoàn kết quốc tế” của Bác Hồ, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước và xu thế của thời đại.

Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch còn được biết đến là vị Bộ trưởng “phá vây”, có đóng góp lớn vào việc giải quyết vấn đề Campuchia, bình thường hóa quan hệ với các nước lớn và trong khu vực, từ đó kiến tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc Đổi mới và phát triển đất nước.

Trong thập niên 1970-1980, khi ngoại giao kinh tế là một vấn đề còn rất mới mẻ ở Việt Nam, sớm phát hiện xu thế quốc tế hóa kinh tế thế giới và các quốc gia, dân tộc đều tập trung nỗ lực cho phát triển kinh tế, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã khởi xướng tư duy ngoại giao cũng phải phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Những năm đầu thời kỳ Đổi mới, ông rất tích cực thúc đẩy tư duy mới về phát triển kinh tế, chỉ đạo Bộ Ngoại giao dịch cuốn sách “Kinh tế học” của Paul Samuelson nhằm phổ biến kiến thức kinh tế thị trường để góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, hoạch định và triển khai các chủ trương của Đảng về đổi mới kinh tế.

Là tư lệnh ngành ngoại giao trong suốt thập niên 1980, ông đã có những đóng góp mang tính đột phá trong xây dựng ngành ngoại giao.

Xác định đây là yếu tố quyết định đối với thực hiện nhiệm vụ đối ngoại, Bộ trưởng đặc biệt coi trọng xây dựng, đổi mới tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại, trong đó nhiều đổi mới cách đây hơn 30 năm đã đặt nền móng cho công tác xây dựng ngành ngoại giao hiện nay, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của ngành ngoại giao.

Di sản tư duy đối ngoại ông để lại đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Dưới ánh sáng đường lối đối ngoại của Đại hội 13 và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, kế thừa và phát triển tư duy đối ngoại của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, ngành ngoại giao nỗ lực phát huy tốt vai trò tiên phong trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài và nâng cao vị thế đất nước để đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bùi Thanh Sơn (Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/nha-ngoai-giao-nguyen-co-thach-vi-bo-truong-pha-vay-736942.html