Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa: Sổ toẹt quá khứ là vô ơn với cha ông

Khi kẻ xấu lấy manh động và hung khí để đối đầu với hiệp sĩ đường phố thì chuyện không đơn thuần là bắt kẻ gian nữa, mà đã là chống lại bạo lực, tính mạng trực tiếp bị đe dọa. Nên mỗi khi biết hiệp sĩ đường phố bắt được kẻ xấu, ngăn chặn được cướp bóc,… tôi rất kính trọng họ. Kính trọng nhưng tôi lo lắng, vì nhiệt huyết, sức khỏe, võ nghệ,… đến thế nào chăng nữa thì vẫn khó đương đầu với dao kiếm, súng đạn của kẻ xấu.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa

Hồng Thanh Quang: Tôi nghĩ điều này anh còn biết rõ hơn tôi. Ở thời hiện đại, tên gọi hiệp sĩ ở nhiều quốc gia được xem là tước hiệu danh dự dành cho những người đã có công trạng nhất định đối với xã hội. Ở Việt Nam thì khác, tên gọi hiệp sĩ không chỉ được người dân, các phương tiện truyền thông mà cả đại diện chính quyền cũng sử dụng rộng rãi để nói về những người tình nguyện tham gia các nhóm săn bắt trộm cướp trên đường phố ở một số địa phương như một sự tôn vinh “ứng trước” cho lực lượng giàu nhiệt huyết này. Anh nhìn nhận thế nào về câu chuyện đó?

Nguyễn Hòa: Độ tuổi của tôi thời còn nhỏ, hiệp sĩ được coi như thần tượng. Đó là thời Chế Lan Viên viết câu thơ “Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt”. Hẳn vì chúng tôi lớn lên cùng hình ảnh Thánh Gióng, Trần Quốc Toản, Yết Kiêu, Dã Tượng,… rồi đọc sách nước ngoài mà hâm mộ từ La Thành, Triệu Tử Long, Lâm Xung,… đến D’Artagnan, Aivanho… Tôi vẫn nhớ thần tượng của mình một thời là hiệp sĩ mặc áo giáp, mũ sắt gắn chùm lông bay phất phới, hông đeo kiếm, lưng khoác cung tên, cưỡi tuấn mã, chiến đấu dũng cảm và sẵn sàng hy sinh vì lẽ phải, song cũng rất lịch sự, phong lưu mã thượng. Thế nên hồi lớp 7, tôi và ba tay bạn mỗi thằng chọn một biệt danh để lập “bang tứ long” gồm Thanh Long, Hoàng Long, Bạch Long, Hắc Long. “Bang tứ long” này chưa kịp ra tay nghĩa hiệp lần nào thì Thầy chủ nhiệm nghe phong thanh và truy vấn đến nơi đến chốn, thế là “bốn con rồng” cúp đuôi, thu vây, nằm im thin thít. Giờ gặp nhau, thi thoảng nhắc chuyện cũ, mấy thằng bọn tôi vẫn cười rinh rích.

Ở phương Tây, hiệp sĩ có lịch sử lâu đời và gắn với con ngựa, cung kiếm. Rồi sự ra đời của các chiến cụ ngày càng hiện đại làm vai trò hiệp sĩ dần dà mờ nhạt, đến lúc chỉ còn là hình ảnh kiêu hùng của quá khứ. Như giờ ở Vương quốc Anh, hiệp sĩ là một tước vị. Nữ hoàng Anh có thể ban tặng cho người có nhiều cống hiến với xã hội, như Alex Ferguson thành Sir Ferguson, Elton John thành Sir Elton… Ở Việt Nam, lâu nay khái niệm hiệp sĩ được dùng chỉ những người đã lập ra, hoặc tình nguyện tham gia các nhóm săn bắt trộm cướp trên đường phố. Tôi nghĩ với trường hợp này, tên gọi hiệp sĩ chủ yếu thiên về tinh thần nghĩa hiệp và được mọi người tôn vinh, như ngày trước “diệt ác, trừ tà”. Nhưng thú thực, mỗi khi nghe nói đến hoặc đọc tin tức về các hiệp sĩ này, tôi vừa khâm phục, vừa thấy lo ngại.

- Thật sự tôi cũng có tâm trạng như anh, vừa khâm phục, vừa lo ngại. Lo cho họ, lo cho cả xã hội nữa. Lo cho họ vì họ tuy được nhân dân và chính quyền hoan nghênh, thậm chí còn khích lệ nữa, nhưng trong thực tế họ lại chưa được sự bảo vệ chính danh về cả pháp luật lẫn các điều kiện vật chất. Lo cho xã hội vì phong trào hiệp sĩ đường phố nếu không được tổ chức tốt thì rất dễ bị lạm dụng, lợi bất cấp hại. Tất nhiên, tôi cũng hiểu, một xã hội nhân văn là nơi các thành viên của nó không thể dửng dưng với nhau…

- Xét đến cùng, xã hội được tổ chức từ vô số cá nhân có các quan hệ ràng buộc, trong đó có quan hệ mang tính bản chất, xã hội vận hành như thế nào cũng bắt đầu từ các quan hệ đó. Như vậy có thể nói, tính nhân văn của một xã hội tỷ lệ thuận với tính nhân văn của các quan hệ mà con người trong xã hội đó tổng hòa. Tôi nghĩ không ngẫu nhiên Aleksander Dumas (cha) lại để D’Artagnan cùng ba người lính ngự lâm giao ước qua khẩu hiệu: “Một người vì tất cả, tất cả vì một người”. Hẳn là ông hiểu rằng ngay cả nhóm nhỏ gồm bốn người ấy, nếu không biết vì nhau thì khó có thể tồn tại. Với xã hội cũng vậy, nếu mọi người dửng dưng trong các quan hệ thì đó chỉ là một kết cấu lỏng lẻo, rất dễ “quân hồi vô phèng”.

- Trong thời chiến, chúng ta luôn thuận theo chủ thuyết nhân dân, theo cách “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, và “ra ngõ gặp anh hùng”. Mọi người can dự tới mọi việc, vì ngay cả thất phu cũng liên quan tới vận nước. Và đó cũng chính là bí quyết dẫn đến mọi thắng lợi của dân tộc ta trong các cuộc chiến tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc?

- Thắng lợi của các cuộc chiến tranh giành lại độc lập và bảo vệ Tổ quốc là có nguồn gốc từ nhiều yếu tố, các nhà chính trị và giới nghiên cứu đã bàn nhiều rồi. Về phần mình, tôi nghĩ đến lòng tự tôn dân tộc, lòng tự trọng của con người. Như cha tôi chẳng hạn, trước năm 1945 ông theo Việt Minh vì không chấp nhận việc “ông chủ tây” nhục mạ đồng nghiệp của ông; trên chiến khu Việt Bắc, lúc gian khổ quá lại thất lạc gia đình, ông có ý định dinh-tê (renter - trở vào), nhưng một lần tình cờ gặp Bác Hồ tắm dưới suối, thấy Bác gày yếu, ông nghĩ mình còn trẻ khỏe mà quay về thì không thể được, nên bỏ ý định và đã đi qua cuộc kháng chiến. Tôi biết có nhiều người cũng như cha tôi. Với người Việt Nam, “việc làng nước” còn được hiểu là việc làng, việc nước. Yêu làng của mình, yêu nước của mình mà dù hoàn cảnh khác nhau, số phận khác nhau, nhưng nếu làng, nước có mệnh hệ gì thì mỗi người đều tự ý thức phải có trách nhiệm.

- Trong thời bình, xã hội vận hành theo những quy luật khác hơn, không thể tùy tiện “thò mũi vào chuyện người khác”, có đúng không ạ?

- Thời nào cũng vậy thôi, mọi người đều cần có cộng đồng bên cạnh, nhưng không ai thích người khác tự nhiên “thò mũi” vào chuyện của mình. Chúng ta tự hào về tinh thần cộng đồng, song tinh thần ấy mà biểu hiện thái quá thì cũng chẳng thú vị gì. Khi tinh thần cộng đồng được xây dựng trên nền tảng quan hệ tiểu nông tư hữu thì cũng nên nhìn vào đó để thấy thói ích kỷ, nhỏ nhen, đố kỵ là khả năng tiềm tàng, và có người bỗng dưng nảy sinh tinh thần cộng đồng chỉ vì sự kiện, vấn đề trực tiếp liên quan lợi ích của họ. Tôi tin đó là lý do để tiền nhân tổng kết: “Của mình thì giữ bo bo - Của người thì để cho bò nó ăn”, “Cha chung không ai khóc”! Bi hài hơn, thói ích kỷ còn làm cho người ta hẹp hòi. Như thấy nhà A buôn bán phát đạt, mới xây nhà to là xì xào: “Buôn gian bán lận mới có tiền xây nhà to!”; con cái nhà B học hành giỏi giang thì bình luận: “Bố nó quen biết nhiều nên nó mới học được như thế!”… Sống giữa cộng đồng mà có người không muốn người khác hơn mình, không bao giờ nghĩ tốt về người khác, luôn có chuyện thị phi vô lý, có thể phải đối mặt với việc người đời “dựng chuyện để buôn dưa lê”,… thì trong một số trường hợp, thà cứ sống thu mình còn hơn!

- Theo anh, việc phát triển mạng xã hội như ở nước ta hiện nay có làm trầm trọng thêm tình trạng thô bạo phán xét, can thiệp, gây sức ép của cái gọi là “cộng đồng mạng” vào những việc lắm khi hết sức riêng tư của các thành viên xã hội?

- Mạng xã hội không xấu, chính con người đã “xấu hóa” mạng xã hội. Đọc kỹ, đọc nhiều, tôi vẫn thấy trên mạng xã hội có nhiều người nghiêm túc. Tương tự thời blog còn thịnh hành, tôi tiếp nhận được nhiều điều lành mạnh từ mạng xã hội, biết đồng loại của mình nghĩ gì trước một số sự kiện, hiện tượng, qua nhiều chuyện lan truyền trên mạng xã hội, tôi tin người tử tế còn rất nhiều. Đáng tiếc là cũng qua mạng xã hội, lại phải chứng kiến nhiều người đã và đang phô bày, phóng chiếu các thói xấu mà nếu là cộng đồng văn minh, lẽ ra phải triệt tiêu. Tự thấy mình có quyền phán xét mọi sự trên đời, tự cấp quyền can thiệp vào việc của người khác một cách vô lối và thô bạo, tự thấy bản thân am hiểu, thông thái, mẫu mực hơn người,… một số cá nhân đã biến mạng xã hội thành nơi dể họ dạy dỗ, mắng mỏ, thậm chí là chửi bới. Họ không chỉ phê phán, lên mặt dạy đời mà còn hành xử có tính chất “truy bức”, “truy sát”. Đó là điều đáng sợ, đáng sợ hơn là một số người mang danh nhà báo lại coi mạng xã hội như nguồn tin, rồi nhân rộng bằng cách hằng ngày khai thác các nội dung giật gân để… viết báo!

- Liệu đến một lúc nào đó, tất cả chúng ta, không trừ một ai cả, đều sẽ trở thành con tin, thậm chí là nạn nhân, của mạng xã hội?

- Đó là một khả năng, nhất là khi ngày càng thấy nhiều người rì rầm: “Trên mạng nói thế này…”, “Trên mạng nói thế kia…” một cách tin cậy!

- “Giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha” là một yếu tố của truyền thống của dân tộc. Nhưng trong xã hội hiện đại, khi các công việc trị an đang ngày càng được phân công rành rẽ theo chức năng chuyên môn, thì việc xuất hiện và được khích lệ phát triển phòng trào hiệp sĩ săn bắt cướp có gì bất cập hay không? Có đúng không, khi người chưa tự bảo vệ được mình lại đứng ra nhận sứ mệnh bảo vệ người khác?

- Dường như việc bảo vệ người lương thiện, cứu giúp người gặp nạn, phẫn nộ trước cái xấu, cái ác mà ra tay ngăn chặn, thậm chí trừng trị,… vốn vẫn tiềm ẩn trong mỗi con người, như một mặc định về tinh thần cộng đồng trách nhiệm? Nếu đúng vậy thì đó không chỉ là tinh thần nghĩa hiệp, mà sâu xa là ý thức cộng đồng. Từ yêu cầu tổ chức, quản lý xã hội mà ra đời các cơ quan tương ứng lĩnh vực cụ thể, được chức năng hóa, có nhiệm vụ riêng. Tuy nhiên, tôi tin trên thế gian này, không quốc gia nào đủ sức rải cảnh sát ở mọi chỗ, mọi nơi để giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, trong khi đó sự xuất hiện cái xấu, cái ác,… là khó lường trước, khó có thể theo kịp hành vi xảy ra bất chợt, diễn ra trong khoảnh khắc. Tỷ như, ai có thể nghi ngờ đôi trai gái đang ríu rít tay trong tay đi trên vỉa hè, và chỉ khi họ ra tay thì mọi người mới ngớ ra đó là một cặp “đạo chích”; ai có thể ngờ chàng trai bảnh bao, đi xe chậm rãi lại có thể rú ga vọt lên, giật điện thoại của người đứng bên vệ đường... Phải chăng bằng tinh thần nghĩa hiệp, các hiệp sĩ đường phố hy vọng sẽ “lấp đầy khoảng trống” mà lực lượng giữ gìn trật tự, an ninh không thể “lấp đầy”? Nếu đúng thế thì lực lượng bảo vệ trật tự, an ninh cần phải xem lại mình, bởi chính họ hoàn toàn có thể triển khai những công việc mà các hiệp sĩ đường phố đã và đang làm. Hơn nữa, khi kẻ xấu lấy manh động và hung khí để đối đầu với hiệp sĩ đường phố thì chuyện không đơn thuần là bắt kẻ gian nữa, mà đã là chống lại bạo lực, tính mạng trực tiếp bị đe dọa. Nên mỗi khi biết hiệp sĩ đường phố bắt được kẻ xấu, ngăn chặn được cướp bóc,… tôi rất kính trọng họ. Kính trọng nhưng tôi lo lắng, vì nhiệt huyết, sức khỏe, võ nghệ,… đến thế nào chăng nữa thì vẫn khó đương đầu với dao kiếm, súng đạn của kẻ xấu.

- “Trăm cái lý không bằng một tí cái tình”. Đó là động lực hay là lực cản đối với những nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền?

- Nhà nước pháp quyền là nhà nước vận hành trên cơ sở luật pháp, mọi hoạt động xã hội đều được luật hóa. Không ai có quyền đứng ngoài luật pháp, cũng không có quyền đứng trên luật pháp, không chỉ mọi công dân trong xã hội đều phải tuân thủ luật pháp, mà chính bộ máy nhà nước cũng phải tuân thủ các quy định mà luật pháp đã đặt ra cho chính nó. Do vậy tôi nghĩ, “cái lý” là yếu tố đầu tiên bảo đảm nhà nước pháp quyền vận hành hiệu quả, còn “cái tình” ư, như thế có vẻ nhân văn, nhưng xét đến cùng là lực cản với việc thực thi pháp luật. Nên tôi thấy có điều gì đó bi hài khi thi thoảng biết tin người này được giảm án vì cha là “võ sư nổi tiếng được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, có công đào tạo nhiều vận động viên cho nước nhà”, người kia được giảm án vì “ông nội và chú ruột là liệt sĩ, hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn”… Thiết nghĩ đây là vấn đề nên xem xét kỹ, vì có thể tạo ra kẽ hở để người ta “lách luật”, và tình trạng “nhờn luật” cũng bắt đầu từ những tình huống như thế.

- Làm sao để “cừu no mà cỏ vẫn nguyên”? Làm sao để “đánh hết chuột mà bình vẫn không vỡ”, trong khi “chuột cứ náu mình ở trong bình”?

- Quả là một câu hỏi khó! Về phần mình, dù có thể bị coi là cực đoan, cứng rắn, tôi vẫn cho rằng nếu pháp luật vận hành nghiêm minh thì “cừu vẫn no” và “chuột vẫn hết”, mà “cỏ vẫn còn nguyên”, “bình vẫn không bị sứt mẻ”. Vấn đề là kiên quyết như thế nào, pháp luật được thượng tôn ra sao. Năm 1947, Bác Hồ bổ nhiệm ông Trần Dụ Châu làm Cục trưởng Cục Quân nhu, nhưng sau khi ông này phạm tội “biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến” bị tuyên án tử hình, Bác Hồ đã bác đơn xin tha tội chết của Trần Dụ Châu. Báo chí vẫn còn nhắc điều Bác Hồ nói với ông Trần Đăng Ninh: “Với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”.

- Một đất nước, một dân tộc muốn phát triển đều phải dựa vào truyền thống của chính mình. Đó là nền tảng, là cơ sở. Thế nhưng, có ý kiến cho rằng, trong thế giới hiện đại, truyền thống lắm khi lại như cái gông khóa chân ngay cả đối với những “gã khổng lồ” vì những thay đổi công nghệ quá ư là siêu tưởng. Công nghệ mới đòi hỏi tư duy mới, thậm chí ngay cả trong những vấn đề cốt lõi. Thực tế cho thấy quốc gia non trẻ nhất lại là nơi có triển vọng, và có tiềm năng phát triển lớn nhất. Anh nghĩ sao về vấn đề này?

- Truyền thống không chỉ là các giá trị của quá khứ và không nên coi là bất biến, trong bản thân nó, truyền thống mang tải cả ý nghĩa hiện đại. Vì nếu không chứa đựng yếu tố hiện đại, thì truyền thống không thể vận hành ở thời hiện tại. Theo tôi, nhiều người trong chúng ta đã nhầm lẫn giữa cổ truyền - các giá trị ra đời từ quá khứ để đáp ứng nhu cầu của quá khứ và được trao truyền nguyên vẹn đến hôm nay, với truyền thống - các giá trị ra đời từ quá khứ song liên tục được bồi đắp, cách tân, bổ sung yếu tố mới. Áo tứ thân là trang phục cổ truyền, và áo dài hôm nay là áo tứ thân cách tân, phù hợp với nhu cầu của thời đại mới, trở thành trang phục truyền thống. Trong bản chất của nó, truyền thống có sức ì nhất định. Nếu không có sức ì, cộng đồng dễ quên quá khứ, đánh mất quá khứ, thậm chí nếu thiếu sức ì thì trước sự xâm nhập văn hóa của bên ngoài, một cộng đồng có thể đánh mất “căn cước văn hóa” của mình. Hiểu như thế, sẽ không bị truyền thống trì néo, kìm hãm, mà còn thấy có trách nhiệm phải làm cho truyền thống tiếp tục phát triển. Khi tư duy mới, công nghệ hiện đại đã trở thành một bộ phận của văn hóa Việt Nam thì cũng là khi truyền thống đã được bổ sung yếu tố mới. Hồng Thanh Quang gửi thư điện tử cho tôi qua iPad và lái ô-tô trên đường, còn tôi thì cặm cụi làm việc trên laptop,… song chúng ta vẫn là người Việt Nam biết phẫn nộ, sôi sục khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm; vẫn thích ăn rau muống luộc chấm tương, ăn thịt gà lá chanh… Qua các việc làm tưởng như bình thường đó, chúng ta đang tự mình góp phần đổi mới truyền thống. Một quốc gia non trẻ có thể sớm tiếp nhận những thành tựu mới nhất của nhân loại để phát triển và do đó, tưởng như họ không bị truyền thống níu kéo. Nhưng xem xét kỹ thì sẽ thấy, chính trong quá trình phát triển, họ đã phải nỗ lực đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng truyền thống. Sau gần 60 năm, Singapore xây dựng được hệ thống giá trị của riêng mình để nhân loại nhận diện đó là Singapore chứ không phải quốc gia khác. Hệ thống giá trị riêng ấy chính là sự ra đời của một truyền thống.

Mỗi quốc gia đều có hệ thống giá trị của riêng mình để nhân loại nhận diện, hệ thống giá trị riêng ấy chính là truyền thống. Ảnh minh họa: I.T­

- Anh có tin rằng thậm chí là còn rất lâu nữa các đặc tính của các quốc gia, các dân tộc mới đủ độ tương đồng để tiếp nhận như nhau quá trình toàn cầu hóa như đang diễn ra. Và vì thế rất kiêng việc nhập gia không tùy tục và áp đặt tiêu chí của một nền văn hóa và văn minh này vào phán xét việc ở một nền văn hóa và văn minh khác?

- Từ các khoảng cách quá chênh lệch hiện tại, có thể nói bức tranh các dân tộc cùng dàn hàng ngang mà tiến có lẽ vẫn ở thì tương lai. Toàn cầu hóa là tất yếu khách quan, nhưng trước hết diễn ra trong kinh tế, khoa học, công nghệ. Về logic, khi kinh tế, khoa học, công nghệ phát triển sẽ tác động tới chính trị, văn hóa, nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa đã và đang phát lộ một số dấu hiệu như bị “phương Tây hóa”, “Mỹ hóa” thì khó có thể là tác động tất yếu. Tôi tin để giải quyết, chính trị và văn hóa sẽ phải điều chỉnh để củng cố truyền thống, giữ gìn bản sắc, hiện thực hóa điều chúng ta vẫn nói “hòa nhập nhưng không hòa tan”. Văn hóa, trước hết là sự khác nhau. Còn văn minh, là hơn kém. Lầm lẫn văn hóa với văn minh, lấy đó làm quy chiếu phán xét, áp đặt lên văn hóa dân tộc khác là phản văn hóa. Mỗi dân tộc đều có lựa chọn văn hóa riêng, không có sự hơn kém giữa ăn bằng thìa và nĩa với ăn bằng đũa, hay ăn bốc. Không có dân tộc thượng đẳng, cũng không có văn hóa nào là “cái rốn của vụ trụ”. Nhận thức được điều này, hẳn loài người sẽ sống bên nhau dễ dàng hơn. Song khi mà tham vọng chế áp để trục lợi còn chi phối hành xử của một số nước lớn thì có lẽ, đó chỉ là lý thuyết!

- Không dân tộc nào phải mặc cảm trước sự áp đặt tự bên ngoài?

- Tôi nghĩ khi bị áp đặt về văn hóa, có mấy khả năng xảy ra: hoặc cam chịu và chấp nhận; hoặc kháng cự quyết liệt; hoặc vừa gìn giữ văn hóa, vừa tiếp biến các giá trị tích cực để củng cố sức mạnh của chính mình. Trong quá khứ, khi đối diện một cuộc xâm lăng văn hóa, cha ông của chúng ta chọn khả năng thứ ba và đã thành công. Còn khi đã mặc cảm trước sự áp đặt từ bên ngoài thì khoảng cách đến cam chịu, chấp nhận là rất gần.

- Tôi nhớ, một dạo trên một số phương tiện truyền thông ở nước ta rộ lên phong trào ôn cố để tìm ra những cái gọi là các tật xấu của người Việt. Và những người viết đã dẫn ra rất nhiều câu tục ngữ, ngạn ngữ, ca dao để cố gắng chứng minh rằng người Việt quả thực có nhiều tính chưa tốt thật, rất chi là cản trở tiến bộ, ngăn bước văn minh. Thí dụ như để nói rằng người Việt rất ích kỷ, họ dẫn câu: Đèn nhà ai, nhà nấy rạng. Còn để bôi bác rằng người Việt vốn có đầu óc “lợi ích nhóm” từ nghìn xưa, họ dẫn câu: Một giọt máu đào hơn ao nước lã... Những thí dụ như thế rất nhiều. Tuy nhiên, theo thiển nghĩ của tôi, rất nhiều điều mà hôm nay ai đó coi như sự lạc hậu, yếu kém của truyền thống thực ra lại là bí quyết đã giúp cho dân tộc mình tồn tại, sống sót và phát triển trong những điều kiện rất không quy chuẩn, thậm chí rất tréo ngoe của lịch sử. Anh nghĩ sao về câu chuyện này?

- Khi xuất hiện việc tìm bới thói xấu của người Việt để phê phán, tôi đã ngờ ngợ họ bắt chước ông Bá Dương với cuốn “Người Trung Quốc xấu xí”. Thế rồi ầm ĩ cả lên, có tờ báo còn mở chuyên mục bàn chuyện này. Và khi khai thác tục ngữ, ngạn ngữ, ca dao để phê phán, họ quên hoặc không biết rằng chính những tục ngữ, ngạn ngữ, ca dao đó còn có ý nghĩa nhắc nhở. Nói cách khác, cha ông tự kiểm điểm, nhận ra nhiều thói xấu của dân tộc và tổng kết để cảnh báo. Xét từ góc độ này thì phải cảm ơn cha ông, sao lại căn cứ vào đó để phê phán cha ông? Hơn nữa, phải khẳng định trong lịch sử nhân loại, không có dân tộc nào tồn tại, phát triển chỉ bằng những thói xấu. Nếu cha ông không có các “thói đẹp” giữ vai trò quyết định thì làm sao có đất nước để trao lại cho chúng ta. Cái gì của quá khứ không còn phù hợp thì cần phải đào thải, nhưng không thể từ đó lại sổ toẹt quá khứ, như thế là vô ơn với cha ông.

- Mọi sự tốt chỉ tốt trong ranh giới tích cực của mình. Đúng vậy không anh?

- Vâng, đúng thế! Dù là ai thì mỗi người vẫn có giới hạn riêng, vậy hãy làm tốt trong giới hạn đó.

- Xin cảm ơn anh!

Lầm lẫn văn hóa với văn minh, lấy đó làm quy chiếu phán xét, áp đặt lên văn hóa dân tộc khác là phản văn hóa. Mỗi dân tộc đều có lựa chọn văn hóa riêng, không có sự hơn kém giữa ăn bằng thìa và nĩa với ăn bằng đũa, hay ăn bốc. Không có dân tộc thượng đẳng, cũng không có văn hóa nào là “cái rốn của vụ trụ”. Nhận thức được điều này, hẳn loài người sẽ sống bên nhau dễ dàng hơn. Song khi mà tham vọng chế áp để trục lợi còn chi phối hành xử của một số nước lớn thì có lẽ, đó chỉ là lý thuyết!

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa

Hồng Thanh Quang (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nha-nghien-cuu-van-hoa-nguyen-hoa-so-toet-qua-khu-la-vo-on-voi-cha-ong-tintuc406029