Nhà nghiên cứu văn hóa: Cấm tiệt rượu bia khi lái xe là đúng!

Một chuyên gia nghiên cứu văn hóa cho rằng với tác hại rượu bia mang lại thì nên bỏ dần thói quen sử dụng bia rượu trong những buổi gặp mặt.

Lời tòa soạn: Sau khi Quốc hội đồng ý bổ sung vào Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia quy định đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông, nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến bàn luận về vấn đề này.

Dưới đây là ý kiến của ông HUỲNH NGỌC TRẢNG, Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Thông tin tại TP.HCM. PLO xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ rượu bia nhiều nhất trên thế giới. Vấn đề càng nghiêm trọng khi rượu bia trở thành tác nhân gây ra hàng loạt những hệ lụy đáng tiếc, trong đó có tai nạn giao thông.

Hôm qua, Quốc hội chính thức tán đồng bổ sung quy định đã uống rượu bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông vào Luật phòng chống tác của rượu, bia. Đây thật sự là một tín hiệu đáng vui mừng. Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều người dân lo lắng liệu khi quy định trên được thông qua, nó có phù hợp nếp sống “ưa chuộng” rượu, bia của người Việt.

Cần nhận định rằng, người Việt ta sử dụng rượu, bia một cách quá tùy nghi nếu không muốn nói là lạm dụng. Rượu, bia được sử dụng trong hầu hết các nghi thức thờ cúng dân gian, và mọi đám tiệc: đám cưới, đám hỏi, đám giỗ, đám ma… đều không thể thiếu sự góp mặt của bia, rượu. Mặc nhiên, người dân tự cho rằng bia rượu tuyệt nhiên cần trong đời sống, như một nếp sống, một tập tục “nhậu” của người việc để chung vui, để gắn kết xóm giềng, bè bạn; để chia buồn, chung vui khi cần thiết.

Song, ở góc độ văn hóa – tín ngưỡng dân gian của người Việt, việc sử dụng bia rượu không phải là nếp sống được cổ súy trong văn hóa của ông cha ta.
Chuyện cấm lái xe khi uống rượu, bia là phù hợp với tập quán của ông cha, bởi các lý do sau:

Thứ nhất, trước là rượu, sau là bia đều không phải là một trong năm vật phẩm (hoa tươi, nhang, đèn, trà, quả chín) được dùng trong việc dâng lễ, thờ cúng theo tín ngưỡng dân gian. Việc người dân dùng rượu, bia khi dâng cúng chỉ là lối suy diễn dân gian mong muốn đem nhiều vật phẩm tinh túy dâng lên tổ tiên, thần linh. Bởi theo quan niệm xưa, rượu được chưng cất từ gạo ủ lâu ngày là vật phẩm quí giá, khi bản thân hạt gạo được xem là hạt ngọc trời.

Mặc khác, các tôn giáo chính thống như Phật giáo…đều xem việc sử dụng bia rượu là đều cấm kỵ của người tu đạo. Điều này cho thấy việc sử dụng rượu bia chỉ là một thói quen không tốt. Những câu nói “Nam vô tửu như kỳ vô phong” hay “Vô tửu bất hữu lễ” đều chỉ là cách “hợp thức quá” cho việc dùng bia, rượu của những người nam.

Thứ hai, trong bối cảnh xã hội tiến bộ, có những tập quán, nếp sống tốt đẹp cần được lưu giữ, nhưng đồng thời tập quán, nếp sống đã lạc hậu, không phù hợp với xã hội văn minh cần được bài trừ. Uống bia rượu đã quá nhiều tác hại cho sức khỏe, dẫn đến việc ẩu đả, gây gổ khi say xỉn. Vậy đây có phải là nếp sống tốt đẹp cần lưu giữ hay không? Đáng nói hơn, việc điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong người là rất nguy hiểm, coi thường tính mạng, tài sản của chính bản thân và người khác. Vì vậy, không thể lý giải việc cấm tiệt lái xe khi sử dụng rượu bia là tổn hại đến nếp sống lâu đời của người dân.

Thứ ba, luật không cấm tiệt người dân không được uống rượu bia nhưng khi đã uống rượu bia thì phải có ý thức bảo vệ chính bản thân và người xung quanh trước những rủi ro do bia, rượu mang lại. Chẳng hạn mỗi người nên tạo cho mình một thói quen bất di bất dịch là sau khi uống bia rượu thì thuê xe chở về, không tự tiện lái xe. Đây mới thật sự là lối sống tốt đẹp mà chúng ta cần xây dựng.

TRÚC PHƯƠNG (ghi)

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/y-kien-ban-doc/nha-nghien-cuu-van-hoa-cam-tiet-ruou-bia-khi-lai-xe-la-dung-840082.html