Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi nói về những trầm tích địa danh

Nhân dịp tái bản 'Những trầm tích địa danh' (Giải Ba B Hội văn nghệ dân gian Việt Nam 2010), nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi đã có những chia sẻ về công trình nghiên cứu rất thú vị này.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi địa danh như những tấm bia lịch sử - văn hóa, ghi lại những dấu ấn từ tự nhiên, lịch sử cho đến những hoạt động của con người trên các vùng đất khác nhau. Hay nói cách khác, đó là tấm “bản đồ” bằng ngôn ngữ về lịch sử - văn hóa, thông qua địa danh.

Ở đâu có con người sinh sống thì ở đó có địa danh, những trầm tích văn hóa này ẩn chứa biết bao điều thú vị, đòi hỏi sự khám phá, giải mã của các nhà khoa học đến từ các chuyên ngành khác nhau, từ sử học, khảo cổ, dân tộc học, địa lý cho đến ngôn ngữ học, văn hóa học, nghệ thuật học…

Tác phẩm xuất bản năm 2014 với tên gọi “Những trầm tích văn hóa" (qua nghiên cứu địa danh) gồm 16 bài viết, còn trong lần tái bản này, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi bổ sung thêm những bài viết mới: Về ba địa danh Thủ Dầu Một, Thủ Đức, Thủ Thừa; Địa danh Bảy Núi; Địa danh Mô Xoài; Địa danh Côn Đảo; Địa danh Vũng Tàu; Việc biên soạn các địa danh ở Việt Nam; Địa danh Tha La; Bồn binh hay bùng binh? Về tên gọi núi Bà Đen…

Tác phẩm "Những trầm tích địa danh" do NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành

“Ở lần xuất bản này, tôi có sự chỉnh lý, bổ sung so với lần công bố đầu tiên. Chúng tôi cập nhật sự thay đổi của các địa danh hành chính cho phù hợp với thực tế hiện nay; thêm các nguồn tài liệu, hình ảnh, bản đồ; khảo đính lại các địa danh…”- nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi cho hay.

Các địa danh có nguồn gốc từ quê hương, bản quán, được các lưu dân đi khai phá, sinh sống ở vùng đất mới như một cách lưu giữ “ký ức lịch sử” được thể hiện trong bài “Địa danh có nguồn gốc từ nguyên quán”. Còn bài “Địa danh kỵ húy trong lịch sử” là cái nhìn về một vấn đề ít được quan tâm nghiên cứu ở nước ta, vấn đề kỵ húy.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi

Trong khi đó các địa danh có nguồn gốc từ các dân tộc được nhìn nhận, xem xét dựa trên các cứ liệu về lịch sử, địa lý, văn hóa nhằm bổ sung cho kiến thức về ngôn ngữ khi nghiên cứu địa danh gốc dân tộc thông qua các bài viết “Về một số địa danh gốc Chăm”; Địa danh ở Đắk Lăk; Lược khảo nghiên cứu về địa danh Khmer ở Nam Bộ; Địa danh Tha La…

Ngoài ra, các bài viết về địa danh địa phương, địa danh mang tên động vật… đem lại nhiều thú vị, phát hiện mới cho người đọc. Ví như khi nghiên cứu địa danh ấp Gò Công (xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, Cà Mau) có nghề đáy biển do những người dân quê gốc từ Gò Công Đông (Tiền Giang) mang xuống Cà Mau. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi cho biết, ở quận 9, TPHCM có rạch Gò Công, cầu Gò Công (phường Long Thạnh Mỹ và phường Trường Thạnh). Và ông cũng đặt câu hỏi, nơi đây ngày xưa cũng trồng nhiều dưa hấu, nên không biết có mối quan hệ gì với Gò Công của đất Tiền Giang?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi cho rằng quá trình tìm hiểu, nghiên cứu những dạng thức địa danh này sẽ cho ta biết được hành trình khai phá của cha ông, sự hình thành các cộng đồng dân cư ở vùng đất mới, tâm thức của lưu dân qua cách thức đặt địa danh, góp phần vào việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống cũng như việc quản lí địa danh ở nước ta hiện nay.

T. Thanh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nha-nghien-cuu-nguyen-thanh-loi-noi-ve-nhung-tram-tich-dia-danh-517609.html