Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình: Tấm áo thể hiện cốt cách của người Việt

Từ nhiều năm nay nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình cùng Câu lạc bộ (CLB) Đình làng Việt do anh khởi xướng cần mẫn lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc. Nhân dịp đón xuân Tân Sửu, Hànôịmới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình về chiếc áo dài truyền thống.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình (áo dài vàng) cùng các thành viên CLB Đình làng Việt trong trang phục áo dài truyền thống.

- Thưa nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, chiếc áo dài là hình ảnh quen thuộc ở Hà Nội trong những ngày Tết đến, xuân về. Tà áo dài khi gắn với Hà Nội gợi lên trong anh cảm xúc như thế nào?

- Chiếc áo dài đã gắn với đời sống Hà Nội từ rất lâu bởi dù sao đây cũng là trang phục gắn với thành thị. Hình ảnh các bà, các chị mặc áo dài chụp ảnh bên Hồ Gươm từ xưa đến nay luôn mang đến cho Hà Nội một vẻ đẹp thanh lịch. Ngày nay, nhiều gia đình ở Hà Nội vẫn duy trì việc mặc áo dài vào những dịp cưới hỏi, lễ tết, tạo nên vẻ đẹp mang bản sắc văn hóa đô thị. Đó là những hình ảnh thể hiện được vẻ đẹp rất riêng của Hà Nội, một Thủ đô thanh bình với những người dân biết nâng niu giá trị truyền thống.

- Nếu như áo dài nữ đã có được vị trí tương đối vững chắc trong đời sống đương đại thì áo dài nam vẫn đang gây tranh luận. Từ năm 2014, CLB Đình làng Việt đã có nhiều hoạt động để đưa áo dài ngũ thân nam trở lại đời sống. Và năm 2020, chiếc áo dài ngũ thân nam đã dành được sự quan tâm của dư luận. Qua câu chuyện này, theo anh, có những vấn đề gì mà chúng ta cần quan tâm?

- Việc cán bộ Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế mặc áo dài vào mỗi thứ hai đầu tháng là một ý tưởng rất hay để đưa Huế trở thành "kinh đô áo dài Việt Nam". Khi triển khai cũng xuất hiện nhiều ý kiến phản biện nhưng theo quan sát của tôi, đa số ý kiến phản biện còn thiếu cơ sở khoa học, mang tính định kiến, đây là điều không đúng. Áo dài ngũ thân là di sản của cha ông để lại, nó quá hay, quá đẹp, thể hiện rõ cốt cách của con người Việt Nam.

Sở dĩ sự trở lại đời sống của áo dài nam gặp khó khăn hơn áo dài nữ là bởi áo dài nam trong dòng chảy lịch sử có sự đứt gãy. Nhiều năm trước, khi tiếp cận áo dài, chúng tôi mới vỡ lẽ chúng ta đã bỏ quên một di sản văn hóa suốt nhiều năm. Trải qua mấy trăm năm, ông cha ta đã có sự cải tiến chiếc áo dài phù hợp với khí hậu, đặc điểm con người Việt nên nó hoàn toàn phù hợp. Với nữ công chức, áo dài ngũ thân rất kín đáo, duyên dáng, còn với nam, áo có sự khiêm nhường, giản dị.

Chúng ta có nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận liên quan đến áo dài như quan họ, ca trù, hát xoan, ví - giặm, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, nhã nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử. Các loại hình nghệ thuật này đều sử dụng áo dài hoặc áo tứ thân khi biểu diễn. Hiếm có trang phục dân tộc nào lại góp phần tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể nhiều như áo dài Việt Nam. Chính vì vậy, chúng ta đang nỗ lực đưa áo dài vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh áo dài là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO.

Các thành viên CLB Đình làng Việt mặc áo dài truyền thống dạo phố Hà Nội.

Việc xác lập lại vị trí quốc phục cho áo dài ở thời điểm này là rất cần thiết, để khẳng định với không chỉ người Việt Nam mà còn với bạn bè quốc tế. Việc Huế đang làm giống như tạo một "bản sao giấy khai sinh" cho áo dài, là căn cứ để chúng ta chứng minh áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam, là di sản của Việt Nam. Những hiện tượng vừa qua như có nhà thiết kế Trung Quốc công bố thiết kế giống áo dài Việt Nam càng cho thấy chúng ta cần khẩn trương thực hiện việc này. Bên cạnh đó, nếu chúng ta không làm nhanh thì một chuỗi giá trị di sản sẽ biến mất theo chiếc áo dài. Ví dụ với áo dài nam ngũ thân, nhiều loại vải cổ truyền đã mất đi, các nghệ nhân không còn. Hà Nội có làng nghề Trạch Xá chuyên may áo dài rất nổi tiếng, nếu áo dài được công nhận là quốc phục thì chắc chắn làng nghề này sẽ khởi sắc... Bởi vậy, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý văn hóa để đưa áo dài ngũ thân thực sự trở lại đời sống.

- Như anh vừa chia sẻ, áo dài nam đã có thời gian đứt gãy, bản thân các nhà nghiên cứu cũng không có nhiều tài liệu về vấn đề này. Vậy, khi lập hồ sơ áo dài, chúng ta lấy gì làm chuẩn?

- Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát là người đặt nền móng cho áo dài nam ngũ thân. Thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), áo dài ngũ thân phát triển đến mức hoàn thiện, từ kiểu dáng đến cách ứng xử với nó và đã được khẳng định là quốc phục. Sự đứt gãy của áo dài nam diễn ra vào đầu thế kỷ XX dưới tác động của phong trào Âu hóa mạnh mẽ. Sau đó, chiến tranh kéo dài liên miên, vấn đề áo dài bị quên đi. Ngày nay, khi vấn đề bản sắc văn hóa được đề cao, chúng ta mới trở về với áo dài. Vấn đề là làm sao để thế hệ trẻ tiếp cận đúng giá trị của áo dài truyền thống?

Chúng ta không hạn chế các nhà thiết kế sáng tạo các thiết kế mới nhưng phải làm sao giữ được bản sắc văn hóa của người Việt trong cách mặc. Bản sắc văn hóa của áo dài là sự khiêm nhường, giản dị. Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm có câu: “Đi đến tận cùng của truyền thống sẽ gặp hiện đại, đi đến tận cùng của dân tộc thì gặp nhân loại”. Bản chất của vấn đề là sự giản dị, khiêm nhường, thẩm mỹ tinh tế. Trước đây, khi có áo mới, màu sắc gấm vóc rực rỡ thì để thể hiện tính khiêm nhường, các cụ khoác áo the ra bên ngoài. Nhà thiết kế phải làm sao mang được nét văn hóa khiêm nhường, giản dị ấy vào trang phục. Có thể quan điểm thẩm mỹ xưa khác bây giờ, nhưng cốt lõi bản sắc thì không thay đổi.

- Trân trọng cảm ơn anh!

Song Nhật

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/990795/nha-nghien-cuu-nguyen-duc-binh-tam-ao-the-hien-cot-cach-cua-nguoi-viet