Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi: Việt Nam là nơi tôi luôn muốn trở về

'Người ta thường nói câu 'lá rụng thì về cội' nên không có lý do gì mà tôi lại không trở về', nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi chia sẻ.

Ngô Kim Khôi tới Pháp định cư từ năm 1985 và đã thành công với vai trò là nhà dựng mẫu thời trang cho Hermès, Christian Dior, Givenchy, Scherrer hay Balenciaga...Ông đã thiết kế cho nhiều ngôi sao thế giới như Catherine Deneuve, Charlotte Gainsbourg, Nicole Kidman, nữ hoàng nhạc pop Madonna hay Hoàng hậu Iran Soraya...

Là người Việt Nam hiếm hoi khẳng định được mình trong ngành thời trang thế giới, công việc của ông là niềm ước mơ của nhiều nhà thiết kế, nhưng ông đã quyết định nghỉ hẳn công việc danh giá để dành thời gian nghiên cứu hội họa Đông Dương. Với ông được nghiên cứu mỹ thuật, nhất là hội họa Đông Dương mới là ước mơ lớn của cuộc đời.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi.

Là người Việt Nam hiếm hoi làm trong hãng thời trang nổi tiếng Hermès

PV: Ông tự nhận mình là người biết hát, biết vẽ và điều quan trọng nhất là biết gửi những tâm tình của mình vào tác phẩm. Vậy có phải chính điều đó làm nên thành công của ông trong ngành thời trang ở Pháp hơn 25 năm qua?

Ngô Kim Khôi: Khi tôi vào nhà thời trang Hermès, thì người ta chỉ nhận một người trong buổi phỏng vấn hôm đó. Những người kia đều được học chính quy. Người ta chọn tôi có thể họ nhìn thấy những tâm tình của mình gửi vào trong tác phẩm nó khác với người khác. Tôi biết hát, biết đàn, biết đánh võ cho nên những cái đó giúp cho sản phẩm của mình phong phú hơn. Tôi không được đi học, tất cả công việc về thời trang cho đến tận hôm nay là đều do tôi tự học cả, việc nghiên cứu mỹ thuật cũng vậy.

Tôi sang Pháp năm 25 tuổi. 30 tuổi tôi tuyển dụng vào nhà Hermès. Tôi không biết may, có một gia đình người Việt giúp dạy tôi may nên học rất nhanh. Đó là thế giới hơi kín, khó đi vào. Đó là thời điểm tôi đẩy cánh cửa đi vào thế giới thời trang Paris, đã lăn lộn trong những nhà thiết kế lớn như Hermès, Christian Dior, Givenchy, Scherrer hay Balenciaga...Tôi có cơ hội dựng mẫu cho nhiều minh tinh.

Tôi may áo cưới cho Nicole Kidman hay may đồ cho Madonna. Trong quá trình làm việc thì Madonna hay người nào đó cũng giống như nhau, vấn đề quan trọng là mình đặt trọn tâm tình của mình vào trong tác phẩm. những tác phẩm làm ra thông thường là tác phẩm duy nhất để trình diễn.

PV: Những câu chuyện hậu trường sau sàn diễn rất thú vị?

Ngô Kim Khôi: Những câu chuyện nhỏ như bí mật nghề nghiệp thì không bao giờ được nói ra. Những khiếm khuyết trên cơ thể của khách hàng là tuyệt đối giữ bí mật. đó là những chi tiết của thời trang cao cấp. Người ta còn gọi thời trang cao cấp là thời trang của từng mini mét.

Thông thường tôi là người dựng mẫu. Tôi vẫn nhớ năm 2006, khi làm cho nhà Balenciaga, tôi phải thực hiện một áo cưới với mấy chục loại đăng-ten khác nhau, do Nicolas Ghesquiere vẽ kiểu. Chiếc áo tỉ mỉ, công phu đến nỗi chỉ may một cái tay áo, tôi phải mất hơn một tuần mới làm xong. Đó là chiếc áo cưới của minh tinh Nicole Kidman. Xin nói cho rõ, tôi chỉ thực hiện chiếc áo, còn khăn voan và găng giày do bộ phận khác làm. Khi thiết kế, chúng tôi không hề biết chủ nhân của chiếc áo cưới bởi nhà thiết kế họ sợ lộ thông tin ra với giới truyền thông nên đó là bí mật nghề nghiệp.

PV: Thưa ông, ngoài sự tỉ mỉ và tài hoa, người thợ có cần thêm tố chất gì không?

Ngô Kim Khôi: Theo tôi đó là sự tế nhị. Không riêng gì nghề thời trang, mà tất cả các nghề, đòi hỏi sự tế nhị, một cái nhìn sắc bén. Những nhân tố đó quan trọng hơn cái khác.

PV: Như ông cũng đã khẳng định được mình trong làng thời trang. Vậy ông nghĩ gì về người Việt có thể có nhiều cơ hội phát triển những ngành nghề này trên thế giới.

Ngô Kim Khôi: Hiện có rất nhiều nhà thiết kế trẻ rất thành công. Một trong những người bạn tôi chơi đó là NTK Thủy Nguyễn. Thủy Nguyễn là người thành công trong nghề thời trang và cả thành công trong hội họa. Tôi đã được mời đến dự triển lãm sắp đặt của Thủy Nguyễn ở Pari, miền Nam nước Pháp hay Nguyễn Công Trí, Huy Võ...

Với Ngô Kim Khôi, hội họa Đông Dương là ước mơ lớn của cuộc đời

PV: Với vị trí của ông ở làng trang thế giới, một vị trí đáng mơ ước của nhiều người, tuy nhiên ông lại nghỉ hẳn để dành tâm huyến cho mỹ thuật đặc biệt là hội họa Đông Dương?

Ngô Kim Khôi: Tại vì, khoảng thời gian làm về thời trang thì tôi vẫn nghiên cứu về mỹ thuật. cái đó là niềm đam mê của tôi. Tôi nghĩ cuộc đời một con người đến một lúc nào đó cũng phải ra đi, tôi bây giờ đã 61 tuổi, tôi cho rằng khả năng làm việc của tôi còn khoảng 20 năm nữa. 20 năm còn lại rất là ngắn cho nên tôi sợ không còn đủ thời gian để thực hiện những hoài bão của mình, cho nên tôi quyết định ngừng không làm thời trang nữa. Thời trang cũng là đam mê, thời trang giúp tôi trang trải cuộc sống nhưng tôi vẫn luôn luôn tâm niệm, tôi phải làm một cái gì đó về nghệ thuật, về mỹ thuật.

Thời điểm tôi quyết định dừng thời trang thì tất cả bạn bè của tôi đều hoảng hốt. Họ không biết làm sao mà mình có thể sống được vì mình đã quen với công việc đó rồi. Giờ thì sống mình cũng không cần gì nhiều, có đam mê nuôi mình đủ rồi. Vật chất đủ rồi. Bây giờ không đòi hỏi gì nhiều nên tôi quyết định làm nghiên cứu mỹ thuật.

Trong thời gian nghiên cứu về ông Nam Sơn, là ông ngoại của tôi, người đồng sáng lập trường mỹ thuật Đông Dương. Tôi có nhiều tài liệu và những tài liệu đó đưa đẩy đến với những con người cùng một thời đã bị chìm vào quên lãng như ông Thang Trần Phềnh, một trong những người cùng trang lứa với ông Nam Sơn và cũng học trường Mỹ thuật. tôi đã viết cuốn sách về Thang Trần Phềnh xuất bản năm 2018. Tôi đã bỏ 10 năm viết về cuốn sách đó. Phần còn lại sẽ viết về ông Lê Văn Đệ, và ông Nam Sơn.

Ngô Kim Khôi, tác giả cuốn sách về họa sĩ Thang Trần Phềnh trong buổi ra mắt sách.

PV: Với những người làm nghệ thuật thì độ phiêu rất là lớn, họ có thể song hành nhiều lĩnh vực nhưng ông lại quyết định dứt để chú tâm vào một việc?

Ngô Kim Khôi: Có lẽ tôi có quá nhiều công việc để làm. Ở trong tay có quá nhiều tài liệu mà tôi cần phải nghiên cứu, dịch ra từ tiếng Pháp ra tiếng Việt. Tôi may mắn có nhiều tài liệu và cần có thời giờ để khai thác nó. Tôi cho rằng việc dừng thời trang là quyết định đúng đắn (cười)

PV: Cơ hội thuận lợi về kho tư liệu vậy ông ấn tượng như thế nào về hội họa Đông Dương?

Ngô Kim Khôi: Hội họa Dông Dương là nền hội họa hoàn toàn khác biệt với các nền hội họa khác. Sự gặp gỡ của ông Victor Tardieu với ông Nam Sơn nó là khúc quanh lịch sử, đưa nền hội họa Việt Nam đi vào một khúc quanh lịch sử khiến cho hội họa Việt Nam hoàn toàn không giống với hội họa Trung Quốc, hội họa Nhật Bản. Người ta nhìn thấy hội họa Đông Dương sẽ biết ngay là hội họa của Việt Nam.

Trường Đông Dương đào tạo chính quy theo trường đại học Mỹ thuật ở Paris, việc tuyển chọn người rất khắt khe. Mỗi khóa chỉ có 10 người, nhiều nhất là 11 người, cho nên lớp họa sĩ được đào tạo kỹ lưỡng, các tác phẩm của họ được làm ra là cả quá trình học tập nghiêm túc. Hiện bây giờ nói đến mỹ thuật Việt Nam chỉ nói đến Mỹ thuật Đông Dương.

Mỹ thuật đương đại hiện vẫn đang trong thời kỳ đi tìm cho mình một con đường cho nên nó bị nền mỹ thuật Đông Dương che lấp. Chính vì thế mỹ thuật Đông Dương luôn có sự quyến rũ đối với mọi người. Tôi cho rằng mức giá hiện tại bây giờ là mức giá 1.400.000USD cho bức tranh của họa sĩ Lê Phổ. Tôi tin mức giá không dừng lại ở đó mà sẽ là 4-5 triệu USD.

PV: Nói đến mỹ thuật Đông Dương không còn gì để bàn cãi, ông ngoại Nam Sơn giữ vai trò như mối lương duyên, khiến cho mình tâm huyết hơn?

Ngô Kim Khôi: Tôi nghĩ đó cũng là một lý do. Từ bé tôi đã được mẹ giáo dục trong môi trường nghiêm khắc. Mẹ tôi luôn nói là “tôi là con gái của họa sĩ Nam Sơn cho nên tôi phải giáo dục con tôi theo truyền thống”. Từ bé tôi được bơi lội, hít thở trong môi trường, không khí đó, cho nên gien cũng là một phần và được giáo dục như vậy cũng là một phần cho nên tôi có đam mê về hội họa từ bé. Nhà còn có nhiều chị nhưng các chị lại không có đam mê giống tôi. Phần huyết thống quyết định một phần nhưng phần đam mê quyết định phần lớn.

Công việc hiện tại của tôi là thẩm định một số tranh hy vọng nền mỹ thuật Việt Nam càng ngày càng trong sáng hơn. Vì hiện nay có quá nhiều tranh nhái, tranh giả. Người Việt mình hại người Việt mình. Tôi mong muốn người ta quên đi những vụ lợi nhỏ bé để giúp cho nền mỹ thuật nước nhà ngày một trong sáng hơn.

Ngô Kim Khôi và mẹ.

PV: Điều gì ở Việt Nam khiến ông luôn muốn quay trở về?

Ngô Kim Khôi: Từ ngày tôi nghỉ hẳn thời trang thì mỗi năm tôi về Việt Nam 3 tháng. Tôi cũng di chuyển liên tục như vậy giữa Việt Nam và Pháp. Ở Việt Nam tôi còn có mẹ già. Đó cũng là lý do quan trọng khiến tôi luôn muốn trở về. Người ta thường nói câu “lá rụng thì về cội” nên không có lý do gì mà tôi lại không trở về. Một ngày nào đó sức khỏe không cho phép tôi di chuyển bằng máy bay nữa thì tôi sẽ chọn Việt Nam để sống cho đến cuối đời mình.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Lan Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/nha-nghien-cuu-ngo-kim-khoi-viet-nam-la-noi-toi-luon-muon-tro-ve-960608.vov